Các rối loạn tuyến tụy thông thường

Rối loạn tuyến tụy là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng của tuyến tụy trong việc sản xuất các enzyme tiêu hóa và hormone insulin cần thiết cho cơ thể. Khi tuyến tụy gặp trục trặc, quá trình tiêu hóa thức ăn và điều hòa lượng đường trong máu bị gián đoạn, dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu và các biến chứng nguy hiểm.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. Tuyến tụy là gì?

Tuyến tụy có vai trò trong việc tạo ra các enzyme tiêu hóa và hormone như insulin. Vị trí của tuyến tụy nằm ở bụng trên, gần các động mạch và tĩnh mạch chính. Cấu trúc của tuyến tụy chia thành ba phần: đầu, đuôi và thân. Các enzyme tiêu hoá và hormone được sản xuất tại tuyến tụy, sau đó đến tá tràng qua ống tụy. Phần sản xuất hormone được gọi là tuyến tụy nội tiết, trong khi phần tạo ra enzyme tiêu hóa được gọi là tuyến tụy ngoại tiết. 

Viêm tụy là tình trạng tuyến tụy bị viêm nhiễm.
Viêm tụy là tình trạng tuyến tụy bị viêm nhiễm.

2. Các rối loạn tuyến tụy thông thường

Tuyến tụy thực hiện nhiều chức năng quan trọng như sản xuất insulin, một hormone cần thiết cho việc điều chỉnh mức glucose, các enzym giúp tiêu hóa thực phẩm và hấp thụ dinh dưỡng. Nếu tuyến tụy không hoạt động hiệu quả, bệnh nhân có thể bị rối loạn tuyến tụy và gặp phải một số triệu chứng sau đây:

  • Đau bụng kèm chướng bụng.
  • Cảm giác buồn nôn hoặc nôn.
  • Tình trạng tiêu chảy.
  • Phân nhạt màu.
  • Sốt cao.
  • Sụt cân bất thường.
  • Suy dinh dưỡng.

Các triệu chứng này có thể xuất phát từ suy giảm chức năng tuyến tụy ngoại tiết, viêm tụy hoặc một số rối loạn tuyến tụy khác.

2.1 Viêm tụy là một trong những rối loạn tuyến tụy

Viêm tụy là tình trạng viêm nhiễm ở tuyến tụy và là một trong những rối loạn tuyến tụy. Có nhiều dạng viêm tụy với các nguyên nhân khác nhau. Trong đó, ba loại viêm tụy phổ biến nhất là cấp tính, mãn tính và di truyền.

  • Viêm tụy cấp tính thường xuất hiện đột ngột, gây ra cơn đau dữ dội ở vùng bụng trên và có thể kéo dài từ vài ngày trở lên. Những nguyên nhân gây viêm tụy cấp bao gồm: sỏi mật, lạm dụng rượu trong thời gian dài, chấn thương, nhiễm trùng, một số loại thuốc, rối loạn về điện giải, lipid hoặc hormone và các yếu tố di truyền. Cách điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân đã được xác định.
  • Viêm tụy mãn tính thường gây ra những cơn đau ở vùng bụng trên, tiêu chảy và tình trạng sụt cân. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, tình trạng này có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho tuyến tụy, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và suy dinh dưỡng do suy tụy mạn tính. Một số nguyên nhân gây ra căn bệnh này bao gồm: việc lạm dụng rượu trong thời gian dài, bệnh xơ nang và các rối loạn tuyến tụy có tính di truyền. Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể và có thể bao gồm liệu pháp thay thế men tụy (PERT), sử dụng insulin và kiểm soát cơn đau.
  • Nguyên nhân gây viêm tụy có thể bao gồm yếu tố di truyền hoặc các rối loạn ở ruột. Viêm tụy di truyền là một bệnh tiến triển. Phương pháp điều trị thường bao gồm liệu pháp thay thế men tụy và kiểm soát cơn đau.

2.2 Suy tuyến tụy ngoại tiết

Khi tuyến tụy ngoại tiết bị suy giảm, cơ thể không đủ enzym để tiêu hóa, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Một triệu chứng thường gặp là phân có chứa nhiều mỡ. Người bệnh cũng có thể bị chảy dịch nhờn từ hậu môn. Những dấu hiệu khác của loại rối loạn tuyến tụy này có thể là:

  • Cảm giác chướng bụng hoặc co thắt vùng bụng.
  • Tiêu chảy hoặc mất kiểm soát phân khi đi ngoài.
  • Sút cân.
  • Tình trạng suy dinh dưỡng.

Suy tụy mãn tính có thể do các nguyên nhân sau:

  • Viêm tụy.
  • U nang hoặc khối u lành tính phát triển trong tuyến tụy.
  • Ống tụy hoặc ống mật bị tắc nghẽn hay thu hẹp.
  • Ung thư tuyến tụy.
  • Biến chứng từ phẫu thuật tuyến tụy.
  • Bệnh xơ nang.
  • Bệnh tiểu đường.

Phương pháp điều trị cho suy tuyến tụy ngoại tiết thường là sử dụng enzyme tụy thay thế, kết hợp với chế độ ăn ít chất béo (trừ khi có xơ nang), bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin tan trong chất béo (như A,D,E,K) và tránh tiêu thụ rượu cũng như thuốc lá.

2.3 Bệnh xơ nang

Xơ nang là một rối loạn tuyến tụy có yếu tố di truyền, gây ảnh hưởng đến cả phổi và hệ tiêu hóa, bao gồm tuyến tụy. Các triệu chứng bệnh thường là:

  • Thường xuyên bị nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Ho.
  • Bụng bị căng chướng.
  • Phân bốc mùi hôi.
  • Da có vị mặn.
  • Khó tăng cân.
  • Chậm phát triển.
  • Suy dinh dưỡng do suy tụy mãn tính. 
Xơ nang là một loại rối loạn tuyến tụy có thể khiến người bệnh bị suy dinh dưỡng.
Xơ nang là một loại rối loạn tuyến tụy có thể khiến người bệnh bị suy dinh dưỡng.

Phương pháp điều trị xơ nang gồm có:

  • Bổ sung men tụy thay thế.
  • Sử dụng thuốc để cải thiện chức năng hô hấp.
  • Thực hiện các bài tập thở và vật lý trị liệu ngực.
  • Áp dụng chế độ ăn uống và dinh dưỡng hợp lý.
  • Ghép phổi.

2.4 Ung thư tuyến tụy

Khi ung thư tuyến tụy tiến triển, người bệnh có thể bị vàng da, vàng mắt và suy giảm hoạt động của tuyến tụy ngoại tiết. Các phương án điều trị cho loại rối loạn tuyến tụy này có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật.
  • Hóa trị.
  • Xạ trị.
  • Kiểm soát cơn đau.
  • Sử dụng liệu pháp thay thế men tụy. 
Ung thư tuyến tụy là một trong những dạng rối loạn tuyến tụy nguy hiểm.
Ung thư tuyến tụy là một trong những dạng rối loạn tuyến tụy nguy hiểm.

2.5 Bệnh tiểu đường

Tiểu đường là một dạng rối loạn tuyến tụy, xảy ra khi tuyến tụy không tạo ra đủ insulin hoặc cơ thể không thể sử dụng insulin hiệu quả. Insulin có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển glucose vào các tế bào. Nếu không kiểm soát, tiểu đường có thể gây ra các triệu chứng như sau:

  • Cảm giác đói khát dữ dội.  
  • Cơ thể mệt mỏi.  
  • Thường xuyên đi tiểu.

Mối quan hệ giữa bệnh tiểu đường và suy giảm chức năng tuyến tụy ngoại tiết vẫn chưa được hiểu rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến tình trạng suy tụy mãn tính, và suy tuyến tụy ngoại tiết trong thời gian dài có thể liên quan đến bệnh tiểu đường.

Điều trị bệnh tiểu đường phụ thuộc vào loại bệnh, triệu chứng và biến chứng có thể xảy ra. Phương pháp điều trị bao gồm quản lý chế độ ăn uống, sử dụng insulin và theo dõi thường xuyên nồng độ đường trong máu. Nếu một người bị tiểu đường kèm theo suy giảm chức năng của tuyến tụy ngoại tiết, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp thay thế enzyme tụy.

2.6 Phẫu thuật tuyến tụy

Suy tuyến tụy ngoại tiết thỉnh thoảng xảy ra sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy do ung thư, u nang hoặc khối u lành.

3. Khi nào đến gặp bác sĩ?

Không cần thiết phải đi khám bác sĩ nếu mọi người chỉ đôi lúc bị đầy hơi và cảm thấy chướng bụng. Nhưng nếu thường xuyên gặp khó khăn trong việc tiêu hóa, những triệu chứng này có thể do một số tình trạng nghiêm trọng gây ra. Quan trọng là người bệnh cần xác định nguyên nhân để có phương pháp điều trị đúng đắn.

Nếu một người có các triệu chứng như đau bụng, phân có mùi hôi và sụt cân, điều đó có thể là dấu hiệu của suy tuyến tụy ngoại tiết - một trong các loại rối loạn tuyến tụy. Hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức vì có thể người đó bị suy dinh dưỡng và cần được điều trị. Mọi người cần đặc biệt chú ý đến những triệu chứng này nếu đang mắc các tình trạng sau:

  • Viêm tụy ở dạng cấp tính hoặc mãn tính.
  • Ung thư tuyến tụy.
  • Sau khi phẫu thuật ở tuyến tụy.
  • Bệnh xơ nang.
  • Bệnh tiểu đường.

Trước khi bổ sung men tiêu hóa không kê đơn vào chế độ ăn uống, người dùng nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tóm lại, có nhiều loại rối loạn tuyến tụy. Do đó, nếu thấy bản thân đang gặp vấn đề tiêu hóa thường xuyên hoặc kéo dài, mọi người hãy đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Tài liệu tham khảo:

  • Common disorders of the pancreas. (n.d.). pancreasfoundation.org/patient-information/about-the-pancreas/common-disorders-of-the-pancreas/
  • Jawaid S, et al. (2019). Exocrine pancreatic insufficiency following acute pancreatitis: True association or suy tuyến tuỵ ngoại tiết phenomenon? DOI: 10.1007/s10620-019-05653-z
  • Struyvenberg MR, et al. (2017). Practical guide to exocrine pancreatic insufficiency – Breaking the myths. DOI: 10.1186/s12916-017-0783-y
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe