Thế nào là gãy xương kín? Cách nhận biết?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Gãy xương kín là trường hợp gãy xương tại bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể nhưng không có vết thương hở hoặc chảy máu biểu hiện ngoài da. Tuy không nguy hiểm và khó phát hiện như gãy xương hở nhưng người bệnh cần phải nhận biết dấu hiệu gãy xương kín để có hương thăm khám, điều trị kịp thời.

1. Gãy xương kín là gì?

Gãy xương kín là tình trạng gãy xương nhưng không có vết thương hở hoặc chảy máu biểu hiện bên ngoài da. Ngược lại, gãy xương hở là có vết thương ngoài da thông với ổ xương gãy, thậm chí có thể nhìn thấy đầu xương gãy từ phía bên ngoài.

Thực tế, gãy xương hở nghiêm trọng hơn gãy xương kín, bởi người bệnh có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ và phải điều trị đồng thời nhiều tổn thương tại một thời điểm trong một thời gian khá dài.

Một số nguyên nhân gây ra gãy xương kín là cho chấn thương, té ngã, tai nạn, vận động viên trong quá trình tập luyện hoặc do bệnh lý loãng xương. Ngoài ra, tình trạng chuyển động lặp đi lặp lại có thể làm mệt cơ bắp và tăng tác dụng lực lên xương, điều này có thể dẫn đến gãy xương.


Loãng xương có thể dẫn đến gẫy xương kín
Loãng xương có thể dẫn đến gẫy xương kín

2. Dấu hiệu gãy xương kín như thế nào?

Gãy xương kín có nguy hiểm hay không là những thông tin mà rất nhiều độc giả quan tâm. Thực tế, gãy xương kín không có biểu hiện rõ như gãy xương hở nên đôi khi rất khó nhận biết, từ đó có thể biến thành thương tật và không thể điều trị khỏi. Đặc biệt những trường hợp nứt xương hay rạn xương tại lúc xảy ra tai nạn, nếu không được phát hiện, chẩn đoán từ sớm sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh sau này.

Theo đó, muốn biết một người có bị gãy xương kín hay không cần phụ thuộc vào các dấu hiệu gãy xương kín như sau:

  • Cảm thấy, nghe thấy tiếng kêu “răng rắc” của xương bị gãy.
  • Đau ở vùng chấn thương hoặc gần vị trí đó. Đặc biệt đau tăng khi vận động.
  • Giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng vận động của xương gãy.
  • Sưng nề sau đó bầm tím ở vùng chấn thương.
  • Có phản ứng tại điểm gãy khi chạm nhẹ lên vùng bị thương.
  • Biến dạng chi gãy khiến chi bị ngắn lại, gập góc hay xoắn vặn...
  • Khi thăm khám nghe thấy tiếng lạo xạo của của 2 đầu xương gãy cọ vào nhau.

Ngoài ra, tình trạng sốc cũng là dấu hiệu của gãy xương, tuy nhiên tình trạng này thường xảy ra với các đối tượng gãy xương hở, gãy xương chậu, xương đùi và đa chấn thương. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp gãy xương đều có những dấu hiệu và triệu chứng trên. Do đó muốn tìm ra chính xác dấu hiệu của gãy xương kín thì phải dựa vào quan sát và nếu thấy bệnh nhân có từ 2 đến 3 các dấu hiệu nghiêm trọng trên hoặc có biểu hiện sốc nguy hiểm thì cần nhanh chóng di chuyển bệnh nhân đến các cơ quan y tế để chăm sóc và điều trị.

3. Sơ cứu gãy xương kín

Để hạn chế tối đa biến chứng cũng như hạn chế được sự di lệch của đầu xương gãy, giảm đau, phòng sốc và các tổn thương thứ phát khác tại vùng tổn thương thì bệnh nhân cần được sơ cứu, điều trị kịp thời.

3.1. Xử trí

  • Cần gọi cấp cứu y tế
  • Đánh giá và xử trí các vấn đề về đường thở, nhịp thở và tuần hoàn, nhất là các trường hợp gãy xương nghiêm trọng.
  • Tuyệt đối không vận động phần bị tổn thương nếu không cần thiết.
  • Băng kín các vết thương, đồng thời kiểm soát chảy máu.
  • Cố định xương gãy tạm thời bằng nẹp, băng ép.
  • Nâng cao chi bị gãy thường xuyên sau khi cố định để giảm sưng, phù nề.
  • Theo dõi bệnh nhân thường xuyên về tình trạng toàn thân.

3.2. Nguyên tắc cố định xương gãy

Sau các bước xử trí gãy xương kín cần chú ý đến các nguyên tắc cố định xương gãy như sau:

  • Nẹp sử dụng điều trị gãy xương kín phải đảm bảo đủ độ dài, rộng và vững chắc. Nẹp có thể làm bằng gỗ, tre hoặc thanh kim loại...
  • Không đặt nẹp trực tiếp lên da thịt của bệnh nhân mà phải có đệm lót ở đầu nẹp, đầu xương.
  • Cố định trên và dưới vị trí xương gãy 1 khớp. Với gãy xương đùi phải bất động được 3 khớp.
  • Nếu trong trường hợp gãy xương kín đặc biệt gãy xương đùi cần phải kéo liên tục bằng một lực không đổi.
  • Bất động tư thế cơ năng: Chi trên treo tay vuông góc, để duỗi thẳng và buộc vào người, chi dưới duỗi thẳng buộc chi gãy cùng chi lành thành khối thống nhất.

Sau khi đã sơ cứu xong cần phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở điều trị hoặc gọi cấp cứu y tế.


Sơ cứu gãy xương kín và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị
Sơ cứu gãy xương kín và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị

4. Điều trị gãy xương kín

Nguyên tắc cơ bản điều trị chung cho bệnh gãy xương là: những mảnh xương vỡ được đưa trở về đúng vị trí và ngăn di lệch ra khỏi chỗ cho đến khi lành. Các phần xương mới hình thành xung quanh phần bị gãy và làm lành vết thương.

Sau khi sơ cứu gãy xương và di chuyển bệnh nhân đến bệnh viện thì các bác sĩ sẽ thực hiện chẩn đoán hình ảnh gãy xương bằng cách chụp X-quang, CT hoặc MRI, máy quét xương nhưng phổ biến nhất là chụp X-quang. Phẫu thuật có thể là phương án mà các bác sĩ cân nhắc để điều trị gãy xương, tùy vào mức độ nghiêm trọng và nhận định gãy xương kín hay gãy xương hở để có hướng điều trị phù hợp. Một số phương pháp để điều trị gãy xương, bao gồm:

  • Băng bột cố định: Để điều trị gãy xương dùng băng bột cố định thì các bác sĩ sẽ sử dụng bột thạch cao hoặc sợi thủy tinh đúc.
  • Nẹp cố định: Các khuôn bột, nẹp sẽ hạn chế, đồng thời kiểm soát chuyển động của khớp gần đó. Phương pháp nẹp cố định khá tốt cho một số loại gãy xương.
  • Kéo liên tục: Lực kéo dùng điều trị gãy xương để sắp xếp lại một hoặc nhiều xương bằng lực nhẹ, liên tục và ổn định;
  • Cố định ngoài: Bác sĩ thường đặt đinh kim loại hoặc ốc vít vào phía trên và dưới xương gãy ở. Các đinh hoặc ốc vít kết dính với một thanh kim loại bên ngoài da để giữ các xương ở vị trí thích hợp trong khi chúng tự lành. Nếu trong trường hợp xuất hiện tổn thương nặng ở da và mô mềm xung quanh chỗ gãy, bác sĩ sẽ dùng một khung cố định bên ngoài cho đến khi người bệnh có thể phẫu thuật được;

Bó bột cố định gãy xương chân
Bó bột cố định gãy xương chân
  • Mổ hở và cố định bên trong: Bác sĩ sẽ sắp sếp lai các mảnh xương gãy về vị trí bình thường và sau đó giữ chúng với các dụng cụ cố định xương chuyên dụng.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.

Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:

  • Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
  • Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
  • Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
  • Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
  • Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
  • Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
  • Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.

Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe