Cách cấp cứu gãy xương chi

Sơ cứu gãy xương cần được thực hiện sớm và đúng cách để tránh làm cho chấn thương trở nên nghiêm trọng hơn. Hành động này không chỉ giúp giảm đau mà còn ngăn ngừa việc tổn thương thêm cho xương và các mô xung quanh. Vậy, làm thế nào để sơ cứu hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau nhé.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Gãy xương là gì?

Trước khi trang bị kiến thức sơ cứu gãy xương, mọi người cần nắm rõ bản chất và cách nhận diện tình trạng gãy xương. Gãy xương xảy ra khi cấu trúc xương bị nứt vỡ do tác động của lực, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp.

  • Trực tiếp: Khi chịu tác động trực tiếp, lực tác động sẽ tạo ra đường gãy ngang qua cấu trúc xương, khiến vị trí ổ gãy trùng khớp với vị trí lực tác động.
  • Gián tiếp: Khi gãy do lực tác động gián tiếp, xương thường bị gãy xoắn và vị trí ổ gãy có thể xuất hiện ở bất kỳ điểm nào trên xương chịu lực tác động.

Gãy xương được phân loại thành hai dạng chính là gãy xương kín và gãy xương hở. Trong một số trường hợp, một dạng đặc biệt khác được gọi là gãy xương biến chứng cũng có thể xảy ra.

  • Gãy xương kín: Da ở khu vực xung quanh ổ xương gãy không bị tổn thương hoặc bị tổn thương nhưng vết thương không thông vào bên trong ổ gãy.
  • Gãy xương hở: Loại gãy xương nghiêm trọng khi da bị rách, thông với ổ gãy hoặc có một đầu xương nhô ra ngoài. Điều này khiến gãy xương có thể chảy máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng nề.
  • Gãy xương biến chứng: Cả gãy xương hở và kín đều được coi là biến chứng nếu đi kèm ít nhất một tổn thương thứ phát như thần kinh, mạch máu hoặc tổ chức nào đó.

2. Triệu chứng của gãy xương

Để thực hiện các thao tác cấp cứu chính xác đối với trường hợp gãy xương, người cấp cứu cần phải xác định liệu bệnh nhân có phải là gãy xương không, vị trí cụ thể của ổ gãy và có các tổn thương khác đi kèm hay không. Các dấu hiệu của gãy xương bao gồm:

  • Nghe thấy hoặc cảm nhận tiếng " răng rắc" của xương bị gãy.
  • Đau tại vị trí xương gãy hoặc vùng lân cận, cơn đau tăng mạnh khi vận động.
  • Khả năng vận động của xương bị gãy giảm hoặc mất hoàn toàn.
  • Vùng xung quanh xương gãy bị sưng nề và bầm tím ở da.
  • Biến dạng như chi ngắn lại, gập góc hoặc xoắn vặn.
  • Khi khám ghi nhận tiếng lạo xạo do hai đầu xương gãy cọ xát vào nhau. Tuy nhiên, người cấp cứu không nên cố gắng tìm triệu chứng này vì sẽ gây đau đớn thêm cho người bệnh.
  • Triệu chứng sốc thường xuất hiện trong trường hợp gãy xương hở, gãy xương chậu, xương đùi hoặc khi có đa chấn thương.

3. Nguyên tắc sơ cứu gãy xương

Các bước cơ bản khi sơ cứu gãy xương:

  • Ngay khi phát hiện người bị gãy xương cần gọi ngay cấp cứu y tế.
  • Tiến hành đánh giá sơ bộ và xử lý các vấn đề ảnh hưởng đến mạng sống bao gồm kiểm tra đường thở, nhịp thở và tuần hoàn. Khi sơ cứu gãy xương hở, gãy xương chậu, xương đùi hoặc đa chấn thương nghiêm trọng, bước này cực kỳ quan trọng.  
  • Trong quá trình sơ cứu gãy xương, người cấp cứu cố gắng không di chuyển vị trí gãy xương trừ khi thực sự cần thiết.
  • Đối với trường hợp gãy xương hở hoặc đa chấn thương thường đi kèm chảy máu, người cấp cứu cần băng kín vết thương để kiểm soát mất máu.
  • Cố định tạm thời xương gãy bằng nẹp hoặc băng ép. Sau khi cố định chắc chắn, người cấp cứu nên nâng cao chi gãy để giảm sưng.
  • Luôn theo dõi tình trạng toàn thân của người bệnh trong suốt quá trình cấp cứu.

Nguyên tắc cố định xương gãy trong sơ cứu gãy xương:

  • Sử dụng các loại nẹp phù hợp có độ dài và độ rộng đủ lớn để đảm bảo độ vững chắc. Nẹp sơ cứu gãy xương có thể làm từ thanh gỗ, tre hoặc kim loại;
  • Khi cố định bằng nẹp, người cấp cứu cần chú ý không để nẹp tiếp xúc trực tiếp với da mà phải có đệm lót (bằng bông hoặc vải) ở đầu nẹp và đầu xương;
  • Cố định nẹp phải đảm bảo trên và dưới vị trí xương gãy 1 khớp. Trong sơ cứu gãy xương đùi, nẹp cần cố định qua ba khớp;
  • Với gãy xương kín, nhất là gãy xương đùi, người cấp cứu cần thực hiện kéo chi liên tục với lực không đổi. Ngược lại, với gãy xương hở, người cấp cứu không được kéo nắn hay ấn đầu xương gãy vào trong. Thay vào đó, người cấp cứu cần xử trí vết thương và giữ nguyên tư thế để cố định.
  • Thực hiện ở tư thế cơ năng là nguyên tắc quan trọng trong việc cố định xương gãy. Chi trên treo vuông góc hoặc duỗi thẳng và buộc vào người, chi dưới duỗi thẳng và buộc chân gãy với chân lành thành một khối thống nhất;
  • Sau khi sơ cứu gãy xương và cố định đúng nguyên tắc, người cấp cứu cần nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.

Đối với trường hợp gãy xương hở, quá trình thực hiện sơ cứu gãy xương cần tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc vô khuẩn sau đây:

  • Rửa sạch vết thương hở bằng dung dịch nước muối sinh lý.
  • Sát khuẩn vùng da xung quanh vết thương, tránh sát khuẩn hoặc đổ thuốc kháng sinh trực tiếp vào vết thương hở.
  • Tuyệt đối không thăm dò vết thương hoặc cố gắng nắn chỉnh đầu xương lồi ra ngoài.
  • Thực hiện băng vô khuẩn 4 lớp: Lớp đầu tiên là gạc tẩm ướt bằng nước muối sinh lý đặt trực tiếp lên vết thương, tiếp theo là một lớp bông thấm nước, sau đó là một lớp bông dày không thấm nước và cuối cùng là một lớp băng ép.

4. Cấp cứu gãy xương chi từng vị trí tại hiện trường

4.1. Các bước sơ cứu gãy xương cẳng tay

Cách xử lý sơ cứu gãy xương cẳng tay như sau:

  • Đánh giá tình trạng tổng thể để xác định vị trí và lấy dấu hiệu sinh tồn.
  • Chuẩn bị người bệnh ở tư thế nằm hoặc ngồi theo tư thế thoải mái, thuận lợi nhất.
  • Giải thích chi tiết với người bệnh về các bước sẽ được thực hiện để cố định xương gãy.
  • Thực hiện bộc chi tổn thương
  • Chuẩn bị các dụng cụ bao gồm hai nẹp gỗ: một nẹp ngoài dài từ quá khuỷu tay đến các đầu ngón tay, một nẹp trong ngắn hơn từ nếp gấp khuỷu tay đến lòng bàn tay (nẹp dày khoảng từ 0.5 đến 1cm) cùng với bông, gạc, băng cuộn và băng tam giác.
  • Người trợ giúp đứng phía trước bệnh nhân, một tay đỡ khuỷu tay và một tay nắm lấy bàn tay của bệnh nhân để kéo nhẹ theo trục của cánh tay.
  • Người thực hiện đặt nẹp: Nẹp thứ nhất ở mặt trước của cẳng tay từ khuỷu tay đến khớp ngón bàn, nẹp thứ hai ở mặt sau của cẳng tay, đối xứng với nẹp thứ nhất.
  • Các đầu nẹp và vùng da tỳ đè được độn bông vào.
  • Sử dụng băng cuộn cố định hai thanh nẹp với nhau ở các vị trí theo thứ tự: trên điểm gãy, dưới điểm gãy, bàn tay và khuỷu (nếu cần).
  • Sau đó, đỡ cánh tay của người bệnh để cẳng tay gập 90 độ so với cánh tay và sử dụng băng cuộn để đỡ cẳng tay bằng cách quấn qua cổ của bệnh nhân.
  • Ghi lại thông tin cần thiết và chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

4.2. Các bước sơ cứu gãy xương cánh tay

Các bước sơ cứu gãy xương cánh được thực hiện theo thứ tự sau đây:

  • Đánh giá mức độ tổn thương và tình trạng tổng quát của bệnh nhân.
  • Chuẩn bị nạn nhân tư thế phù hợp, nằm hoặc ngồi sao cho thuận tiện.
  • Giải thích về quy trình sơ cứu và xác định vị trí xương gãy.
  • Quan sát và đánh giá lại tình trạng tổn thương.
  • Chuẩn bị các dụng cụ: một nẹp dài từ quá vai đến khuỷu tay và một nẹp dài từ hố nách đến gấp khuỷu tay, bông, gạc và băng cuộn.
  • Người trợ giúp đứng đối diện với nạn nhân, một tay đỡ khuỷu tay và một tay đỡ cánh tay gần hõm nách, nhẹ nhàng kéo theo trục của cánh tay, đảm bảo cẳng tay vuông góc với cánh tay.
  • Người sơ cứu chính đặt hai nẹp vào mặt trước và mặt sau cánh tay: một nẹp bên ngoài từ quá vai đến quá khuỷu tay, một nẹp bên trong từ hõm nách đến quá khuỷu tay.
  • Độn bông vào các đầu nẹp và vùng tỳ đè.
  • Cố định nẹp bằng băng cuộn, đảm bảo chặt chẽ, cố định trên ổ gãy và dưới ổ gãy.
  • Dùng băng cuộn hoặc băng treo vòng qua cổ để treo tay nạn nhân ở tư thế cẳng tay gập 90 độ với bàn tay cao hơn khuỷu tay và úp vào người.
  • Ghi lại thông tin và đưa nạn nhân đến bệnh viện.

4.3. Cấp cứu gãy xương cẳng chân

Quy trình sơ cứu gãy xương cẳng chân ban đầu tương đồng với gãy xương cẳng tay và cánh tay. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở khâu chuẩn bị dụng cụ và các bước nẹp cố định xương gãy.

  • Chuẩn bị dụng cụ gồm có hai nẹp dài từ 80-130cm, rộng từ 8-10cm và dày 1cm, bông, gạc và băng cuộn.  
  • Nạn nhân được chuẩn bị ở tư thế nằm, bộc lộ khu vực xương cẳng chân bị gãy và giải thích các bước sẽ được thực hiện. Luôn quan sát và đánh giá tình trạng của nạn nhân trong suốt quá trình sơ cứu gãy xương.
  • Người hỗ trợ đầu tiên ngồi phía bên lành của nạn nhân, sử dụng hai tay để nâng đỡ chân bị thương ở trên và dưới ổ gãy.
  • Người hỗ trợ thứ hai ngồi ở phía bàn chân của nạn nhân, một tay đỡ gót chân bị gãy và kéo nhẹ theo trục của chi, tay kia giữ bàn chân hơi đẩy về phía đùi để vuông góc với cẳng chân. Luôn chú ý quan sát biểu hiện của nạn nhân.
  • Người cấp cứu chính đặt hai nẹp vào mặt trong và ngoài của chi bị gãy: Nẹp bên ngoài từ mào chậu đến quá gót, nẹp bên trong từ bẹn đến quá gót. Sau đó, độn bông ở hai đầu nẹp, đầu xương ở mặt trong và mặt ngoài.
  • Cố định hai nẹp với nhau ở các vị trí đúng với thứ tự: trên ổ gãy, dưới ổ gãy và trên khớp gối khoảng 3-5cm, sau đó tiếp tục băng số 8 sát cổ chân. Cuối cùng, đảm bảo việc cố định hai chân với nhau bằng một dải băng ở cổ chân và một dải băng ở khớp gối.
  • Ghi lại thông tin và chuyển nạn nhân đến bệnh viện

4.4. Sơ cứu gãy xương đùi

Quy trình thực hiện giống như cách sơ cứu gãy xương đã được đề cập ở trên, tiếp theo là chuẩn bị các dụng cụ cần thiết bao gồm ba nẹp có kích thước dài 8-30cm, rộng 8-10cm và dày 1cm.

  • Nạn nhân được sắp xếp nằm, bộc lộ khu vực xương đùi bị gãy.
  • Một người đứng dưới chân nạn nhân, một tay đỡ gót chân và kéo nhẹ theo đường thẳng, tay còn lại nắm bàn chân nạn nhân hơi đẩy ngược về phía đùi, đảm bảo bàn chân vuông góc với cẳng chân.  
  • Người thứ hai ngồi bên cạnh chi lành, dùng cả hai tay nâng chân nạn nhân ở trên và dưới vị trí gãy, đồng thời đỡ nẹp cố định.
  • Người sơ cứu chính đặt hai nẹp lên phía trong và phía ngoài của đùi, nẹp phía trong từ bên bẹn đến quá gót, nẹp phía ngoài từ hố nách đến quá gót.
  • Thực hiện việc độn bông ở hai đầu nẹp và mấu lồi của xương (cả phía trong và phía ngoài).
  • Sử dụng băng cuộn hoặc dây vải để cố định hai nẹp với nhau theo thứ tự: phía trên ổ gãy, phía dưới ổ gãy, dưới khớp gối, một phần ba dưới cẳng chân, mang mào chậu và ngang ngực.
  • Đảm bảo bàn chân được giữ vuông góc với cẳng chân bằng cách sử dụng băng số 8.
  • Dùng ba dây vải để cố định hai chân với nhau tại các vị trí như cổ chân, gối và sát bẹn.
  • Cuối cùng, nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện, đảm bảo thao tác nhẹ nhàng nhưng vẫn nhanh chóng.

5. Chăm sóc và hồi phục cho người bệnh gãy xương

Vết thương phần mềm (như da, cơ) hay nội tạng (như ống tiêu hóa, gan) sẽ liền sẹo trong khoảng 7-10 ngày.

Khác biệt với liền sẹo, quá trình liền xương sau gãy diễn ra trong nhiều tháng đầu tiên, sau đó diễn ra chậm hơn và kéo dài suốt đời. Bên cạnh đó, hai quá trình tạo cốt và hủy cốt cũng diễn ra liên tục để bồi đắp cho những đoạn xương gãy liền lại

Bên cạnh đó, mức độ nghiêm trọng của gãy chân quyết định thời gian hồi phục và khả năng đi lại của người bệnh. Với những trường hợp gãy nhẹ, người bệnh có thể di chuyển bình thường sau khi tai nạn.

Tuy nhiên, gãy phức tạp và gãy xương đùi đòi hỏi người bệnh cần có thời gian nghỉ ngơi tại giường, thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc vội vàng trở lại sinh hoạt thường ngày có thể ảnh hưởng đến quá trình liền xương, kéo dài thời gian hồi phục. 

Sau khi được sơ cứu gãy xương và điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ.
Sau khi được sơ cứu gãy xương và điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ.

Nhìn chung, gãy xương là một dạng chấn thương nghiêm trọng xảy ra khi lực tác động mạnh khiến cấu trúc xương bị nứt vỡ. Nguyên nhân phổ biến bao gồm tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chấn thương thể thao hoặc đơn giản do tai nạn sinh hoạt. Người cấp cứu cần thực hiện sơ cứu gãy xương kịp thời và tuân thủ các nguyên tắc để hạn chế nguy cơ tổn thương thêm cho nạn nhân. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe