Mẹo chữa trật khớp cổ chân là kiến thức quan trọng mà ai cũng nên biết để ứng phó kịp thời khi gặp phải tình huống này. Trật khớp cổ chân thường xảy ra do các hoạt động thể thao, tai nạn sinh hoạt hoặc do bước hụt. Khi bị trật khớp, người gặp phải chấn thương sẽ cảm thấy đau nhức, sưng tấy và khó di chuyển.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK II Đỗ Văn Cường - Bác sĩ điều trị, khám, chữa bệnh chuyên khoa ngoại chấn thương chỉnh hình, cơ xương khớp - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Tìm hiểu về trật khớp cổ chân
Trật khớp cổ chân là tình trạng các xương ở cổ chân bị lệch khỏi vị trí bình thường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khớp. Đây là một chấn thương có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào và thường xảy ra do các tác động mạnh lên vùng chân. Trật khớp cổ chân có thể dễ nhầm lẫn với bong gân nhưng thực tế, bong gân là chấn thương phổ biến hơn và thường xảy ra khi dây chằng bị tổn thương.
Trật khớp cổ chân nhẹ có thể dẫn đến đau và sưng nhẹ tại vùng khớp, gây cản trở việc đi lại và các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Nếu chấn thương trở nặng, da quanh khớp có thể bị sưng phù, bầm tím và xuất huyết, thậm chí gây biến dạng nặng nề mắt cá chân. Để hỗ trợ quá trình phục hồi, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo chữa trật khớp cổ chân.
2. Mẹo chữa trật khớp cổ chân hiệu quả
2.1 Hạn chế vận động
Trong một số trường hợp, trật khớp cổ chân có thể gây bong gân, dẫn đến đau và sưng tấy. Việc cố gắng vận động lúc này có thể làm tình trạng nghiêm trọng hơn, vì vậy người bị chấn thương nên hạn chế di chuyển càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng nẹp hoặc băng gạc để cố định và bảo vệ vùng trật khớp hoặc bong gân trước các tác động từ bên ngoài.
2.2 Xoa bóp
Một mẹo chữa trật khớp cổ chân phổ biến và dễ thực hiện là xoa bóp, giúp cải thiện các vấn đề như trật khớp, trẹo chân và bong gân. Phương pháp này có thể giúp khớp xương bị lệch trở về đúng vị trí.
Nhưng cần lưu ý rằng, xoa bóp chỉ phù hợp cho các trường hợp trật khớp cổ chân nhẹ. Khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, người bị trật khớp nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ đúng cách. Người bệnh không nên tự ý xoa bóp nếu chấn thương nặng, vì có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.
2.3 Chườm đá lạnh
Chườm đá lên vị trí trật khớp, trẹo chân, hoặc bong gân là biện pháp mà bác sĩ thường khuyến cáo cho người bị trật khớp cổ chân. Phương pháp này giúp giảm sưng và đau bằng cách làm co mạch máu tại vùng bị tổn thương. Mặc dù chườm đá lạnh là một phương pháp hiệu quả trong phục hồi chấn thương nhưng người thực hiện cần lưu ý không chườm đá trực tiếp lên da để tránh gây bỏng lạnh.
2.4 Sử dụng thuốc giảm đau
Ibuprofen, naproxen, acetaminophen và nhiều loại thuốc giảm đau khác có thể làm dịu cơn đau tạm thời. Dẫu vậy, để đảm bảo an toàn, việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc là vô cùng cần thiết.
3. Mẹo chữa trật khớp cổ chân nghiêm trọng
Nếu bị trật khớp cổ chân nặng, bệnh nhân nên nhanh chóng tìm đến bác sĩ ở các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý chấn thương, tránh để lại biến chứng. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ dựa trên vị trí và mức độ nghiêm trọng của tổn thương để đưa ra cách giải quyết. Một số biện pháp nhẹ nhàng có thể được bác sĩ sử dụng để đưa xương trở về đúng vị trí, sau đó bác sĩ sẽ dùng nẹp hoặc băng để cố định khớp trong vài tuần.
Khi khớp đã giảm sưng, vật lý trị liệu có thể được bắt đầu. Phương pháp này bao gồm các bài tập hoặc sử dụng thiết bị hỗ trợ do bác sĩ hoặc chuyên viên hướng dẫn. Hiện nay, Trị liệu Thần kinh Cột sống (Chiropractic) được coi là một cách điều trị hiệu quả, giúp giảm đau và khó chịu do trật khớp cổ chân cũng như các bệnh về cơ xương khớp khác. Tuy nhiên, luôn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào.
Nếu khớp không bị tổn thương dây thần kinh hoặc phần mềm, người bệnh có thể hồi phục và trở lại bình thường hoặc gần như bình thường sau một thời gian. Tuy nhiên, điều quan trọng là người bệnh không nên vận động quá sớm hoặc quá mạnh, vì điều này có thể làm tăng nguy cơ trật khớp lần nữa.
Nhìn chung, mẹo chữa trật khớp cổ chân thường chỉ hiệu quả với các trường hợp nhẹ và có thể tự xử lý tại nhà. Đối với các ca trẹo cổ chân nặng gây tổn thương mạch máu hay dây thần kinh, phẫu thuật thường là phương án được bác sĩ chỉ định.
Mặc dù phẫu thuật hứa hẹn khắc phục những sai lệch về cấu trúc xương khớp ở cổ chân, song những rủi ro tiềm ẩn như xuất huyết nặng, nhiễm trùng hay tổn thương dây thần kinh dẫn đến tê ngứa bàn chân lại là một mối lo ngại lớn.
Tóm lại, việc nắm vững các mẹo chữa trật khớp cổ chân trong những tình huống bất ngờ giúp xử lý chấn thương kịp thời và hiệu quả, giảm đau cũng như ngăn ngừa biến chứng. Tuy nhiên, nếu chấn thương nghiêm trọng hoặc không cải thiện, việc tìm đến sự hỗ trợ y tế chuyên nghiệp là rất cần thiết để đảm bảo an toàn và phục hồi nhanh chóng. Hãy luôn lắng nghe cơ thể và áp dụng đúng phương pháp để bảo vệ sức khỏe của mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.