Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Gãy xương, trật khớp, bong gân là những chấn thương thường gặp trong cuộc sống, tuy hiên không phải ai cũng biết cách sơ cứu các chấn thương này, đôi khi còn làm tình trạng chấn thương trở nên nặng nề hơn. Vậy làm thế nào để sơ cứu gãy xương, bong gân hay trật khớp đúng cách?
1. Dấu hiệu nhận biết gãy xương, bong gân, trật khớp
1.1 Gãy xương
Bệnh nhân có thể nhận biết các dấu hiệu nhận biết gãy xương như sau:
- Dấu hiệu nghi ngờ: Giảm, mất vận động chi, sưng nề bầm tím. Bệnh nhân cảm thấy đau nhói khi ấn tại chỗ, giảm đau khi được bất động.
- Dấu hiệu gãy xương rõ: Biến dạng trục chi, cử động bất thường, lạo xạo xương (người sơ cứu không được cố gắng tìm dấu hiệu này vì có thể làm nạn nhân rất đau), sờ thấy đầu xương gãy trồi ngay dưới da.
- Gãy xương hở: chảy dịch tủy xương, lộ xương
1.2 Bong gân
Bong gân là sự tổn thương của bao khớp, phổ biến là các dây chằng, thường xảy ra sau một tác động quá mạnh như bị trượt chân khi chạy hay đi, do ngã ... Những khớp thường bị là mắt cá chân, đầu gối, cổ tay. Dây chằng có thể bị dãn một ít, bị rách một phần, hoặc đứt hoàn toàn.
Dấu hiệu bong gân:
- Đau nhói như điện giật ở vùng khớp bị tổn thương.
- Sưng quanh khớp, to lên nhanh do chảy máu.
- Giảm hoặc mất cử động vùng khớp bị thương.
- Khớp bị bong gân có khi rất lỏng lẻo.
1.3 Trật khớp
Trật khớp là chấn thương thường gặp ở các môn thể thao hoặc do ngã. Trật khớp thường gặp ở vai, hông, đầu gối, khuỷu tay hay mắt cá chân. Các dấu hiệu trật khớp bao gồm những biểu hiện như đau nhói khi cử động, sưng nề do máu chảy, do diện khớp lệch chồi đầu xương. Thay đổi hình dạng, biến dạng khớp và hạn chế, mất cử động hoặc cử động bất thường khớp.
Một số biểu hiện cụ thể như sau:
- Trật khớp vai: vai vuông, gồ lên ở trước. Cánh tay không ép vào ngực được
- Trật khớp khuỷu: Khuỷu không gấp duỗi được, mỏm khuỷu chồi ra sau, tay lành đỡ tay đau
- Trật khớp háng: chân ngắn so với bên lành, chân khép, bàn chân đổ vào trong, gối hơi gấp.
2. Sơ cứu gãy xương ban đầu
2.1. Nguyên tắc chung
Tuân thủ nguyên tắc chung trong cấp cứu bệnh nhân chấn thương theo các bước ưu tiên A,B,C,D,E: Đường thở (Airway), hô hấp (Breathing), tuần hoàn (Circulation), mất chức năng hệ thần kinh trung ương (Dysfunction of CNS), bộc lộ cơ thể-môi trường (Exposure-Environment).
Nếu không có đa chấn thương thì ưu tiên cấp cứu gãy xương chi theo nguyên tắc 3B: Hô hấp (Breathing), chảy máu (Bleeding), xương (Bone).
Sau khi đã xác định được chi gãy cần bất động ngay để ngăn ngừa tổn thương thêm phần mềm do đầu xương sắc gây ra, làm giảm đau và ngăn ngừa shock, giảm nguy cơ gãy hở do đầu xương có thể chọc thủng da.
2.2. Giảm đau
Nếu có điều kiện thì phong bế Novocain quanh ổ gãy hoặc tiêm Morphin dưới da (nếu không có tổn thương sọ não, ổ bụng kèm theo).
2.3. Chống shock
Nằm đầu thấp, ủ ấm, dịch truyền (nếu có điều kiện).
2.4. Bất động tạm thời gãy xương kín
- Nhận định tình trạng nạn nhân, xác định ổ gãy.
- Chuẩn bị đủ nẹp, cần đệm lót (bông mỡ, gạc, vải mềm...), nới lỏng quần áo nạn nhân, lấy bỏ đồ trang sức.
- Khi không có nẹp: dùng băng cuộn y tế, dây vải, khăn quàng, quần áo ... treo tay hoặc buộc cố định chi gãy với chi lành.
- Dùng nẹp chắc, đủ dài để bất động trên và dưới ổ gãy một khớp, khi đặt nẹp không nắn lại xương, không ấn xương chồi, nẹp và chi sau khi bất động phải thành một khối chắc.
- Theo dõi tuần hoàn ngoại vi trước và sau khi nẹp, nới lỏng, kê treo cao chi khi có biểu hiện đau chói kèm sưng to, căng cứng, tê ...
- Nếu nghi ngờ gãy cột sống: buộc cố định ngực, cánh chậu, 2 gối, 2 cổ chân vào cáng, ván cứng, chèn kê túi cát 2 bên cổ.
2.5. Tư thế bất động
- Chi trên: Cẳng tay vuông góc với cánh tay và để tư thế nửa sấp nửa ngửa, cổ tay duỗi.
- Chi dưới: Duỗi thẳng, có thể buộc hai chi dưới với nhau, thuận tiện cho việc vận chuyển bệnh nhân.
2.6. Xử trí ban đầu trong gãy xương hở
- Rửa vết thương bằng nước muối sinh lý, chỉ sát khuẩn xung quanh vết thương.
- Không thăm dò vết thương, không nắn đẩy đầu xương chồi. Đặt gạc vô trùng, băng ép vết thương.
- Bất động nẹp trong tư thế gãy.
- Tiêm phòng SAT, kháng sinh toàn thân, hồi sức
3. Sơ cứu bong gân ban đầu
Bong gân là tai nạn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, sau đây là một số cách sơ cứu bong gân ban đầu, giúp người bệnh giảm đau nhanh chóng:
- Chườm đá lạnh
- Băng ép bằng băng thun hoặc băng cuộn và chuyển cơ sở y tế.
- Chú ý không dùng rượu, xoa cao và chườm nóng vào nơi bị tổn thương.
4. Sơ cứu trật khớp ban đầu
Sau đây là cách sơ cứu trật khớp đơn giản bạn nên biết:
- Không di chuyển khớp, không nắn hoặc cố cử động khớp bị trật.
- Nghi ngờ gãy xương hoặc sai khớp cột sống: Tránh xoay vặn thân mình, nằm ngửa trên ván cứng, chèn chắc 2 bên cổ và thân mình bằng bao cát hoặc chăn gối.
- Sơ cứu trật khớp vai: Sử dụng dây vải hoặc dây băng treo cẳng tay vào cổ.
- Sơ cứu trật khớp khuỷu: cố định bằng 2 nẹp trước sau có độn bông.
- Sơ cứu trật khớp háng: cố định như gãy xương đùi, nằm ngửa, kê gối và chèn cho bệnh nhân trong tư thế hiện có, nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế nắn chỉnh hình.
Việc cấp cứu ban đầu gãy xương, trật khớp, bong gân rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu không thực hiện sơ cứu đúng cách thì rất có thể người bệnh sẽ gặp nguy hiểm, thậm chí các vết thương còn trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế, nếu trong các trường hợp khẩn cấp bạn nên thực hiện các bước sơ cứu trên, đồng thời gọi điện cho các cơ sở y tế gần nhất để được ứng cứu kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Cục quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế