Mất ngủ uống lá gì để cải thiện?

Giấc ngủ luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của con người, giấc ngủ giúp cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi sau những vận động căng thẳng. Do đó mất ngủ sẽ gây ra những hệ luỵ lớn, thậm chí là các bệnh nghiêm trọng khác. Chữa mất ngủ bằng thảo dược là phương pháp được sử dụng từ xưa đến nay nhờ tính hiệu quả. Vậy mất ngủ uống lá gì để cải thiện?

1. Tác hại của việc mất ngủ

Mất ngủ là tình trạng người bệnh khó đi vào giấc ngủ, trằn trọc không yên giấc, dễ tỉnh giấc hoặc khó ngủ sâu, thức giấc sớm. Người mất ngủ sẽ luôn uể oải, thiếu năng lượng. Việc mất ngủ xảy ra trong thời gian dài có thể gây nên các tình trạng như:

  • Căng thẳng, nhức đầu, dễ nóng nảy, khó chịu, bực tức
  • Bồn chồn, bứt rứt
  • Khó tập trung, giảm trí nhớ
  • Da mặt nhợt nhạt lão hoá, sần sùi, dễ mọc mụn, dễ bị quầng thâm mắt
  • Dễ tăng cân, có nguy cơ mắc tiểu đường, tăng huyết áp

2. Nguyên nhân gây mất ngủ

Trước khi tìm đến những dược liệu có khả năng cải thiện giấc ngủ, việc tìm ra nguyên nhân mất ngủ cũng rất quan trọng. Một số nhóm nguyên nhân gây ra mất ngủ có thể kể đến như:

  • Căng thẳng, áp lực, gặp vướng mắc không thể giải quyết
  • Lạm dụng chất kích thích: rượu bia, thuốc lá, trà, cà phê làm ức chế hệ thần kinh trung ương gây hưng phấn tột độ, khó đi vào giấc ngủ
  • Sử dụng điện thoại liên tục, ăn uống, học tập, làm việc không có thời gian cụ thể dễ dẫn tới chứng mất ngủ.

3. Mất ngủ uống lá cây gì để cải thiện?

Các cây thuốc chữa mất ngủ an toàn và hiệu quả có thể sử dụng gồm có:

  • Bình vôi

Chất Rotundin trong củ có công năng an thần, tuyên phế giúp an thần, gây ngủ, chữa nhức đầu, sốt nóng, đau dạ dày, ho nhiều đờm, khó thở, hạ huyết áp. Tuy nhiên chỉ nên dùng liều nhỏ từ 3-6g để tránh ngộ độc

Cách sử dụng để chữa mất ngủ: lấy củ bình vôi tán bột, ngâm rượu 40 độ với tỷ lệ 1/5 hoặc 1/10 rồi uống khoảng 5-15ml rượu/ngày

  • Cây lạc tiên

Các hoạt chất trong cây có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương giúp trấn tĩnh, chống hồi hộp, lo lâu, mất ngủ. Cây lạc tiên thường dùng dưới dạng rau ăn, thuốc sắc hoặc cao lỏng. Dân gian cũng hay lấy ngọn non luộc ăn vào buổi chiều hoặc trước khi ngủ để giúp có được giấc ngủ ngon hơn.

Dùng 15g lạc tiên khô sắc với nước uống thay trà hàng ngày hoặc kết hợp với các vị thuốc khác: 50g lạc tiên, 30g lá vông, 10g lá dâu tằm, 2g tâm sen, 90g đường sắc uống 1 thang/ngày trong 7-10 ngày

  • Long nhãn

Có tác dụng an thần, bổ kinh tâm và tỳ, chữa suy nhược cơ thể, mất ngủ kéo dài.

Có thể dùng gạo nếp vo sạch nấu như nấu cháo, đến khi gạo nở gần hết cho cùi nhãn vào và nêm nếm gia vị cho vừa ăn, sử dụng khi cháo vấn còn nóng ấm.

Hoặc có thể rửa sạch cùi nhãn và bỏ vào ấm thuốc, sắc các vị thuốc toan táo nhân 9g, khiếm thực 15g cùng long nhãn với nước lọc rồi uống trước khi đi ngủ

  • Cây vông nem

Lá vông có vị hơi đắng, hơi chát, tính bình có tác dụng an thần, dễ ngủ, hạ nhiệt, hạ huyết áp thường dùng để chữa mất ngủ, đau đầu bằng cách làm rau ăn hay sắc nước uống.

Có thể lấy 20g lá vông tươi đem rửa sạch, vò hơi nát rồi cho vào nồi cơm hấp, trước khi đi ngủ thì ăn lá vông để dễ ngủ hơn. Hoặc lấy 15g lá vông phơi khô và cắt nhỏ sắc với 2 chén nước sao cho còn nửa chén, ngày uống 1 lần trong vài ngày sẽ chữa mất ngủ

  • Tâm sen

Tâm sen là mầm của hạt sen có tác dụng thanh tâm, giải nhiệt, trấn kinh, an thần nên thường được dùng để trị mất ngủ. Thành phần của tim sen là các alcaloid có tác dụng ngủ ngon hơn nhưng cũng dễ gây độc với cơ thể, ở liều thích hợp có thể giúp an thần nhưng nếu hãm quá đặc (liều cao) có thể gây lo âu, hồi hộp, tim đập nhanh, khó ngủ.

Trên đây được coi là những loại thảo dược giúp bồi bổ cơ thể, cải thiện tình trạng mất ngủ. Bạn có thể tham khảo để áp dụng vào trong chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày nhằm có được giấc ngủ tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe