Vì sao bạn đau lưng sau khi ngủ dậy?

Đau lưng sau khi ngủ dậy là một triệu chứng rất phổ biến ở người lớn, thường thì tình trạng này diễn ra ở mức nhẹ và không gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, cũng có không ít các nguyên nhân bệnh lý tại cột sống thắt lưng có thể gây đau lưng sau khi thức dậy.

1. Đau lưng sau khi ngủ dậy là gì?

Đau lưng dưới là là tình trạng thấy cơn đau từ lưng dưới sau khi trải qua một thời gian ngủ dài trên giường. Đau lưng dưới là loại đau cơ xương khớp phổ biến nhất ở người lớn, có khoảng 84% số người lớn trải qua tình trạng này ít nhất một số thời điểm trong cuộc đời và có khoảng 23% số người mắc bệnh trở thành mãn tính.

Nếu như bạn cảm thấy cơn đau lưng nhẹ vào buổi sáng và thường cải thiện sau một thời gian thức dậy thì đây không phải là bất thường. Nhưng nếu như cơn đau nặng và vẫn cảm thấy đau sau một thời gian di chuyển, thì có thể có một số nguyên nhân bệnh lý gây ra chứng đau lưng sau khi thức dậy.

Trắc nghiệm về đau lưng và giấc ngủ

Để có sức khỏe tốt cần có một giấc ngủ chất lượng. Tuy nhiên, ngủ sai tư thế hay sai cách lại gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Sau đây là một bài trắc nghiệm về giấc ngủ và ảnh hưởng đau nhức lưng.

Chọn một hoặc một số đáp án bạn cho là đúng để đánh giá mức độ hiểu của bạn về đau lưng và giấc ngủ.

2. Vì sao bạn đau lưng sau khi ngủ dậy?

Có một số yếu tố và nguyên nhân tiềm ẩn gây ra cơn đau thắt lưng sau khi thức dậy, bao gồm:

  • Tư thế ngủ không đúng và không được hỗ trợ

Tư thế ngủ không đúng là nguyên nhân hay gặp gây ra đau lưng sau khi thức dậy. Khi nằm sấp ngủ, có nhiều khả năng bị vẹo cổ và không thẳng hàng với phần còn lại của cột sống. Lưng cũng có thể bị lún xuống gây đau lưng và đau cổ.

Nằm ngửa khi ngủ giúp giữ thẳng cột sống dễ dàng hơn, nhưng vẫn có thể dẫn đến đau lưng nếu không hỗ trợ độ cong tự nhiên của cột sống. Một nghiên cứu cho thấy tư thế ngủ khi nằm ngửa lại tăng nguy cơ đau lưng dưới.

Ngủ với tư thế nằm nghiêng được coi là tư thế tốt nhất để tránh đau lưng. Những người ngủ nghiêng cho biết các triệu chứng đau lưng ít hơn, nhưng vẫn có thể khiến cột sống bị lệch, nếu không điều chỉnh cột sống cân bằng. Bạn có thể ngăn ngừa nguy cơ đau lưng ở tư thế này bằng cách chọn một chiếc gối đầu phù hợp với khoảng cách giữa cổ và vai của bạn và ngủ với một chiếc gối giữa hai đầu gối để ngang với hông.

  • Do giường ngủ của bạn

Giường với đệm quá mềm hoặc quá cứng cũng khiến cho lưng bị lún xuống khi ngủ, tăng nguy cơ bị đau lưng. Ngoài ra, nếu đệm quá cũ thì cũng làm bạn bị đau lưng và ảnh hưởng tới giấc ngủ. Nên chọn đệm có độ cứng vừa phải, sẽ có xu hướng giảm đau lưng dưới hiệu quả hơn đệm quá cứng hoặc quá mềm.


Đau lưng sau khi ngủ dậy có thể do vấn đề về giường và đệm của bạn gây ra
Đau lưng sau khi ngủ dậy có thể do vấn đề về giường và đệm của bạn gây ra

  • Liên quan tới thai kỳ

Đau lưng là triệu chứng thường gặp khi mang thai. Nó thường bắt đầu giữa tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, nhưng nó có thể bắt đầu sớm nhất là trong bốn tuần đầu tiên. Đối với một số người đang mang thai, triệu chứng đau lưng có thể rất nặng nề. Tuy nhiên, loại đau lưng này có xu hướng tự khỏi sau khi sinh.

Để giảm sự khó chịu của đau lưng dưới khi mang thai bạn có thể để một túi chườm ấm mỏng trên lưng. Tư thế ngủ nghiêng bên trái đầu gối uốn cong cũng được khuyến khích trong thời kỳ mang thai, để giảm bớt sự khó chịu và hỗ trợ sức khỏe thai nhi.

  • Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng

Hơn 90% người lớn trên 60 tuổi bị thoái hóa cột sống thắt lưng. Bệnh thoái hoá cột sống thường bắt đầu từ 30 tuổi trở lên, làm cho các đốt sống tổn thương, mọc gai xương và gây ra đau. Thường thì những người đau do thoái hoá thường đau mỏi, âm ỉ và mạn tính. Nhưng trong một số trường hợp nó có thể gây ra cơn đau cấp tính, dữ dội và nặng nề hơn vào buổi sáng. Thừa cân hoặc béo phì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thoái hoá cột sống và bất kỳ cơn đau thắt lưng nào liên quan.

  • Đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hóa ảnh hưởng đến 5% số người, trong đó phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Tình trạng này gây ra đau cơ, căng và co thắt khắp cơ thể, bao gồm cả lưng. Các triệu chứng cũng bao gồm các vấn đề về giấc ngủ, trầm cảm và lo lắng.

Mặc dù không có cách chữa trị chứng đau cơ xơ hóa, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn cơ và thuốc giảm đau để giảm các triệu chứng. Các liệu pháp như xoa bóp, châm cứu và vật lý trị liệu cũng có thể được sử dụng để điều trị tình trạng này.

  • Các nguyên nhân khác gây đau lưng dưới vào buổi sáng

Một số yếu tố khác có thể góp phần làm giảm đau lưng khi thức dậy. Đau lưng dưới có thể do các tình trạng y tế khác và các yếu tố lối sống như: Viêm khớp, đau bụng kinh, lạc nội mạc tử cung, sỏi thận, rối loạn sức khỏe tâm thần, tuổi tác, loãng xương, thể lực kém, hút thuốc, chấn thương, bệnh lý đĩa đệm, tăng cân, khối u...

3. Các biện pháp giúp giảm đau lưng sau khi thức dậy

Việc thay đổi một số yếu tố góp phần gây đau lưng dưới là biện pháp giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu.

  • Thay đổi tư thế ngủ hoặc đệm trên giường ngủ của bạn

Tránh những tư thế gây áp lực cho lưng và ngủ ở một tư thế có hỗ trợ bằng gối có thể làm giảm cơn đau thắt lưng. Ngoài ra, thay loại đệm có độ cứng vừa phải giúp hỗ trợ cột sống thắt lưng tốt nhất.

  • Kéo giãn cơ vào buổi sáng

Các bài tập kéo giãn đơn giản có thể làm giảm đau lưng và bạn có thể thực hiện các động tác kéo giãn trước khi ra khỏi giường.

Một số bài tập kéo giãn bạn có thể thực hiện như:

  • Nằm ngửa và kéo căng toàn thân khi mới thức dậy. Bạn có thể ôm đầu gối vào ngực và ôm, vòng tay quanh người. Sau đó lắc nhẹ từ bên này sang bên kia.
  • Duỗi thẳng cánh tay và bàn tay trên đầu hết mức có thể, đồng thời duỗi thẳng chân và bàn chân theo hướng ngược lại. Giữ một vài giây trước khi thả ra.
  • Ra khỏi giường chậm lại khi mới thức dậy

Bạn có thể nằm nghiêng, rồi dùng cánh tay để từ từ ngồi dậy trước khi di chuyển chân khỏi thành giường. Sau khi đặt chân xuống đất, rộng bằng vai, bạn có thể từ từ đứng lên, sử dụng sức mạnh của chân thay vì lưng, để tránh đau lưng. Điều này rất tốt cho phụ nữ trong thai kỳ.

Sau khi đứng cẩn thận, bạn có thể giảm căng thẳng hơn nữa bằng cách vươn cánh tay lên trên đầu và từ từ duỗi thẳng từ bên này sang bên kia.

  • Tập luyện để tăng cường sức cơ lưng

Một vài động tác luyện cơ lưng có thể giúp giảm căng thẳng ở lưng dưới và cơ khoẻ hơn, giảm đau lưng.

  • Tập plank: Để thực hiện plank, bạn cần phải nằm sấp trên sàn. Sau đó, đẩy người lên bằng ngón chân và cẳng tay. Đảm bảo rằng khuỷu tay nằm ngay dưới vai và cẳng tay và khuỷu tay thẳng hàng với cổ tay. Giữ đầu hướng xuống, cổ của bạn thẳng hàng với phần còn lại của cột sống. Điều quan trọng là giữ cho cột sống thẳng, không để bụng bị lõm xuống quá sâu hoặc lên trên. Bạn có thể ngăn chặn tình trạng căng cơ lưng bằng cách siết chặt cơ bụng, cơ mông và cơ đùi. Để có kết quả tốt nhất, hãy giữ tư thế này trong 30 đến 60 giây, nên tập mỗi ngày và tăng dần thời gian
  • Động tác rắn hổ mang: Hãy nằm sấp trên sàn, lòng bàn tay úp xuống dưới vai, khuỷu tay và cẳng tay gần với cơ thể. Từ từ dùng lực cánh tay đẩy người lên, đầu hướng về phía trước và cổ thẳng. Giữ trong 10 đến 15 giây, sau đó hạ xuống.

Bạn có thể tập thể dục để cải thiện tình trạng đau lưng sau khi ngủ dậy
Bạn có thể tập thể dục để cải thiện tình trạng đau lưng sau khi ngủ dậy

  • Tập thể dục hàng ngày

Tập thể dục hàng ngày có thể giúp giữ cho cơ thể duy trì cân nặng và có thể giúp cải thiện tình trạng đau nhức cơ khớp nói chung. Nó còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Một hình thức tập thể dục đơn giản như đi bộ có thể có lợi cho việc giảm đau và cải thiện chất lượng giấc ngủ.

  • Thay đổi tư thể thường xuyên

Nếu bạn phải làm việc ngồi cả ngày, thì bạn cần phải thường xuyên thay đổi tư thế, đi lại khoảng 1 tiếng 1 lần.

  • Thăm khám

Nếu cơn đau thắt lưng nghiêm trọng đến mức cản trở cuộc sống hàng ngày của bạn hoặc nếu bạn bắt đầu nhận thấy các triệu chứng khác, hãy tới cơ sở y tế để thăm khám. Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để cải thiện tình trạng bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe