U khí quản nguyên phát chủ yếu là bệnh lý ác tính, gây chèn ép khí quản nên đòi hỏi người bệnh phải được phẫu thuật tái tạo khí quản, đồng thời giải quyết bệnh lý ung thư khí quản.
1. Khối u khí quản
Khối u khí quản nguyên phát chủ yếu là bệnh lý ác tính, có thể gây ra ung thư khí quản. Tuy nhiên, ung thư khí quản là bệnh hiếm gặp, chiếm ít hơn 1% trong tất cả các khối u ác tính. Theo đó, bệnh thường xếp chung với ung thư phế quản - phổi.
Khối u khí quản có thể gây tắc nghẽn đường thở dẫn đến suy hô hấp, nếu không được xử trí kịp thời có thể gây nghiêm trọng, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Trong tất cả các khối u nguyên phát của khí quản, có tới 80% là ác tính. Trong đó, ung thư biểu mô tế bào vảy là loại mô bệnh học thường gặp chiếm khoảng 50%, sau đó là ung thư biểu mô tuyến nang chiếm khoảng 20%.
2. Triệu chứng lâm sàng
Các triệu chứng lâm sàng mang tính chất gợi ý để đưa ra những xét nghiệm phù hợp. Trong đó, nội soi khí phế quản sinh thiết làm mô bệnh học có tính chất quyết định. Những biểu hiện lâm sàng của u khí quản được chia thành các giai đoạn bao gồm:
- Giai đoạn sớm: người bệnh có biểu hiện khó thở nhẹ, khò khè, ho khạc dây máu dễ nhầm lẫn với các bệnh lý của thanh quản và phổi.
- Giai đoạn muộn: khó thở tăng dần, có thể gây ra suy hô hấp cấp tính tiến triển dữ dội, nếu khối u có kèm theo viêm hoặc kèm theo sặc đờm.
- Khò khè, cò cử tăng dần
- Có thể ho khạc ra máu tươi.
- Khối u khí quản có thể gây chèn ép thực quản dẫn tới khó nuốt, chèn ép xâm lấn các dây thần kinh và mạch máu vùng cổ.
3. Phương pháp chẩn đoán khối u khí quản
3.1 Phương pháp cận lâm sàng
Những phương pháp chẩn đoán khối u khí quản bao gồm:
- Chụp X-quang lồng ngực tư thế thẳng và nghiêng: Kết quả có thể cho thấy hình ảnh cây khí quản bị chèn ép, phổi giảm thông khí.
- Chụp cắt lớp vi tính: Cho phép đánh giá vị trí, kích thước, mức xâm lấn của khối u, cùng với tình trạng hạch di căn và đánh giá tổn thương di căn phổi nếu có.
- Nội soi khí quản: Giúp bác sĩ có thể quan sát trực tiếp tổn thương, xác định được vị trí, hình thái tổn thương thường gặp thể sùi và chít hẹp khí quản. Bên cạnh đó, nội soi khí quản tiến hành sinh thiết trực tiếp tổn thương để chẩn đoán mô bệnh học.
- Siêu âm ổ bụng: giúp phát hiện được những tổn thương di căn.
- Xạ hình xương: Xạ hình xương bằng máy SPECT, SPECT/CT với 99mTc-MDP để đánh giá tổn thương di căn xương. Từ đó, chẩn đoán giai đoạn bệnh trước điều trị, theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn. Tổn thương thường gặp ở xương cột sống, xương sườn, xương chậu,...
- Chụp cắt lớp vi tính sọ não: giúp phát hiện di căn não.
- Chụp cộng hưởng từ sọ não: ung thư khí quản ít di căn não hơn ung thư phổi. Cộng hưởng từ sọ não giúp phát hiện chính xác kích thước, số lượng tổn thương di căn não. Chụp cộng hưởng từ mô phỏng cho phép thiết lập được kế hoạch điều trị phương pháp xạ phẫu bằng dao gamma.
- Chụp PET/CT: Chụp PET/CT với 18F-FDG trước điều trị để chẩn đoán u khí quản nguyên phát, chẩn đoán giai đoạn bệnh. Sau điều trị chụp PET/CT để theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn và mô phỏng lập kế hoạch xạ trị.
- Xạ hình chức năng thận: Xạ hình thận chức năng bằng máy SPECT, SPECT/CT với 99mTc-DTPA nhằm đánh giá chức năng thận trước và sau điều trị.
- Tế bào học: giúp tìm tế bào ung thư trong bệnh phẩm như đờm, dịch rửa khí phế quản, tế bào hạch thượng đòn nếu có.
- Sinh thiết tổn thương và chẩn đoán mô bệnh học: Đối với ung thư khí quản, sinh thiết thường được tiến hành thông qua nội soi khí phế quản. Về mô bệnh học, ung thư biểu mô vảy chiếm phần nhiều, sau đó là ung thư biểu mô tuyến.
- Sinh học phân tử: Bệnh phẩm cần lấy là mẫu mô hoặc mẫu máu. Từ đó phân tích các đột biến gen bao gồm: EGFR (epidermal growth factor receptor), ALK (Anaplastic Lymphoma kinase), BRAF, ROS 1 (ROS proto-oncogene 1). Những xét nghiệm cần được thực hiện như: xét nghiệm PD-L1 (Programmed death-ligand 1), xét nghiệm giải trình tự nhiều gen giúp lựa chọn các thuốc điều trị thích hợp.
3.2 Chẩn đoán phân biệt
Khối u khí quản có thể gây ra những triệu chứng giống với một số bệnh, vì vậy cần thực hiện chẩn đoán phân biệt với những bệnh sau:
- Lao khí quản: tiến hành xét nghiệm tìm vi khuẩn lao có trong đờm, sinh thiết thấy tổ chức viêm lao.
- Áp xe vùng khí quản: CT scan có hình ảnh áp xe và nội soi khí phế quản thấy hình ảnh ổ áp xe.
- U thanh quản: bệnh nhân thường có biểu hiện giọng nói khàn, nội soi khí quản có tính chất quyết định.
- Ung thư phế quản gốc: phương pháp nội soi khí phế quản giúp phân biệt.
3.3 Chẩn đoán giai đoạn
Khối u khí quản nguyên phát không có phân loại chuẩn được chấp nhận rộng rãi. Trong lịch sử, trên cơ sở tiêu chuẩn phân loại của Ủy ban Ung thư Hoa Kỳ (AJCC), xuất phát từ phân loại TNM, tất cả các khối u khí quản đều được xác định là ung thư phổi giai đoạn IV. Tuy nhiên, vào năm 2004, Bhattacharya đã xây dựng hệ thống phân loại khối u khí quản khác, hệ thống được phân loại như sau:
- Tx: Không biết hoặc không thể đánh giá khối u khí quản.
- T1: Khối u khí quản nguyên phát giới hạn khí quản kích thước <2cm.
- T2: Khối u khí quản nguyên phát giới hạn khí quản kích thước >2cm.
- T3: Khối u lan ra ngoài khí quản nhưng không đến các cơ quan hoặc cấu trúc lân cận.
- T4: Khối u khí quản lan đến các cơ quan hoặc cấu trúc lân cận.
- N0: Không có bằng chứng về di căn hạch vùng.
- N1: Di căn hạch vùng.
- Nx: Không thể đánh giá được hạch vùng.
- M0: Chưa có di căn xa.
- M1: Có di căn xa.
4. Điều trị khối u khí quản
Tùy theo từng giai đoạn của bệnh và thể mô bệnh học mà có những phương pháp điều trị khác nhau. Phương thức điều trị khối u khí quản có thể đơn thuần hoặc phối hợp nhiều phương pháp khác nhau. Việc điều trị khối u khí quản phải đòi hỏi hết sức nhanh chóng, khẩn trương vì có thể gặp biến chứng cấp tính như suy hô hấp cấp do khối u làm tắc đường thở bất cứ lúc nào.
4.1 Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt khối u khí quản, vét hạch vùng và tạo hình khí quản. Sau phẫu thuật sẽ tiến hành triệt căn và chỉ định hóa xạ trị bổ trợ nếu có ít nhất một trong các yếu tố: Diện cắt dương tính và hạch phá vỡ vỏ.
4.2 Xạ trị
Chỉ định phương pháp xạ trị đối với những trường hợp sau:
- Xạ trị hậu phẫu: cho giai đoạn II, IIIA và những trường hợp phẫu thuật cắt bỏ không hoàn toàn để lại tổ chức ung thư sau phẫu thuật, u xâm lấn mạch bạch huyết hoặc vỏ thần kinh.
- Xạ trị đơn thuần hoặc hóa xạ trị đồng thời triệt căn: cho giai đoạn I, II, IIIA có chống chỉ định hoặc ở những bệnh nhân từ chối phẫu thuật. Hóa xạ trị đồng thời sử dụng phác đồ cisplatin 100mg/m2 da truyền tĩnh mạch ngày 1 với chu kỳ 3 tuần.
- Xạ trị triệu chứng: xạ trị giảm đau và chống chèn ép.
Kỹ thuật thực hiện xạ trị trong điều trị u khí quản bằng cách chụp mô phỏng bằng CT, MRI hoặc PET/CT, PET/MRI. Có thể thực hiện xạ trị bằng máy 60Co, máy xạ trị gia tốc, máy xạ trị proton.
- Xạ trị Three Dimesion Conformal Radiation Therapy (3D-CRT).
- Xạ trị điều biến liều IMRT (được viết tắt bởi Intensity Modulated Radiation Therapy) với MLC (được viết tắt bởi Multileaf Colimator), xạ trị điều biến thể tích VMAT. Hình ảnh được mô phỏng trên CT scan hoặc tốt là trên PET/CT.
- Xạ trị áp sát Brachytherapy.
4.3 Điều trị toàn thân
Hóa chất được sử dụng trong điều trị toàn thân thường được phối hợp đồng thời với xạ trị hậu phẫu, hoặc hóa xạ trị triệt căn. Phác đồ điều trị hay sử dụng đó là 5-FU với platinum hoặc paclitaxel - carboplatin.
Giai đoạn khối u di căn: phương pháp điều trị toàn thân với phác đồ có platinum đối với ung thư biểu mô tế bào vảy.
Điều trị đích và miễn dịch: Tùy thuộc vào tình trạng đột biến gen và bộc lộ các dấu ấn miễn dịch. Các thuốc điều trị đích và miễn dịch được sử dụng như điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ.
4.4 Điều trị ung thư khí quản giai đoạn di căn một số vị trí đặc biệt
- Di căn xương: phương pháp điều trị đó là xạ ngoài 20 Gy trong 5 buổi, xạ 30Gy trong 10 buổi, 40 Gy trong 20 buổi, 8Gy trong 1 buổi hoặc xạ trong (P-32, Strontium-89 hoặc Samarium-153).
- Di căn não: ít gặp hơn so với ung thư phổi. Nếu không quá 3 tổn thương đường kính mỗi tổn thương ≤3cm, có thể điều trị bằng xạ phẫu bằng dao gamma, dao gamma quay liều 16-24Gy. Hoặc xạ trị toàn não với liều 30Gy trong 10 buổi, 36Gy trong 20 buổi,... Nếu khối u di căn đơn độc có kích thước lớn trên 5cm, có thể phẫu thuật lấy u giảm áp lực nội sọ và phối hợp điều trị những phương pháp khác.
Tóm lại, ung thư khí quản là bệnh gặp khó khăn trong việc điều trị, tiên lượng tốt khi bệnh giai đoạn sớm và cần được đánh giá cẩn thận đa chuyên khoa. Trong ba năm đầu bệnh nhân cần khám lại 3 tháng/lần, những năm tiếp theo 6-12 tháng/lần. Để phòng bệnh ung thư khí quản tái phát, người bệnh cần bỏ hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với tia phóng xạ, khói bụi và tăng cường ăn nhiều thức ăn có vitamin như hoa quả, rau xanh,... Khi thấy có dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã và đang tiếp tục trang bị đầy đủ các phương tiện chẩn đoán hiện đại như: PET/CT, SPECT/CT, MRI, siêu âm,..., xét nghiệm huyết tủy đồ, mô bệnh học, xét nghiệm hóa mô miễn dịch, xét nghiệm gen, xét nghiệm sinh học phân tử, cũng như có đầy đủ các loại thuốc điều trị đích, thuốc điều trị miễn dịch tiên tiến nhất trong điều trị ung thư. Điều trị ung thư đa mô thức từ phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, ghép tế bào gốc tạo máu, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư, các điều trị mới như liệu pháp miễn dịch tự thân, nhiệt trị...
Sau khi có chẩn đoán chính xác bệnh, giai đoạn, người bệnh sẽ được tư vấn lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Quá trình điều trị luôn được phối hợp chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa để đem lại hiệu quả cũng như sự thoải mái cao nhất cho người bệnh. Sau khi trải qua giai đoạn điều trị, bệnh nhân cũng sẽ được theo dõi, tái khám để nhận định việc điều trị ung thư có đem lại hiệu quả hay không?
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.