Thuốc tiêm dịch nhờn khớp gối được sử dụng khi tình trạng của bệnh nhân ở mức trung bình chuyển sang mức độ năng. Tùy vào từng trường hợp bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc phù hợp để điều trị thoái hóa khớp gối. Để biết chi tiết về thuốc tiêm khớp dịch nhờn khớp gối, hãy theo dõi bài viết sau.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Thuốc tiêm dịch nhờn khớp gối là gì?
Khi được sử dụng trong thời gian dài, các loại thuốc chống viêm không steroid như indometacin có thể gây hại cho sụn khớp, làm quá trình thoái hoá khớp trở nên trầm trọng hơn. Phương pháp cuối cùng là phải phẫu thuật thay khớp gối, điều này đòi hỏi chi phí lớn đối với bệnh nhân.
Để khắc phục những vấn đề này, hiện nay, sử dụng thuốc tiêm dịch nhờn khớp gối như acid hyaluronic hoặc các dẫn xuất của chất này đã trở thành một phương pháp phổ biến do tính an toàn và hiệu quả kéo dài.
Thông thường, trong khớp gối có khoảng 2ml dịch khớp, trong đó acid hyaluronic là một thành phần có trong dịch khớp, với hàm lượng khoảng từ 2,5 đến 4,0mg/ml. Chất này có vai trò bôi trơn mô mềm và phủ lên bề mặt sụn khớp, được tổng hợp bởi tế bào sụn.
Acid hyaluronic có vai trò quan trọng trong việc giảm xóc, làm trơn và bảo vệ khớp, có các đặc tính về độ nhớt và đàn hồi, phụ thuộc vào cường độ của lực tác động. Acid hyaluronic có tính đàn hồi khi gặp tác động lớn và chỉ như dầu bôi trơn khi tác động lực nhẹ.
Trong trường hợp thoái hóa khớp gối, lượng acid hyaluronic giảm đi so với mức bình thường, dẫn đến sự giảm độ nhớt của dịch khớp và mất khả năng bảo vệ sụn khớp, dẫn đến sự hủy hoại của khớp.
Việc tiêm bổ sung thuốc tiêm dịch nhờn khớp gối acid hyaluronic vào khớp giúp tăng trọng lượng và nồng độ phân tử nội sinh của chất này, từ đó giảm đau và cải thiện chức năng khớp. Hiệu quả của phương pháp này có thể kéo dài trong vài tháng, làm giảm cảm giác đau và ngăn chặn sự tổng hợp của các chất gây viêm.
Ngoài ra, việc tiêm acid hyaluronic còn giúp tăng hoạt tính của men TIMP, ngăn chặn thoái hóa của sụn khớp và kích thích sự tái tạo của tế bào sụn khớp, đặc biệt là trong trường hợp của những người bị thoái hóa khớp gối.
Mặc dù acid hyaluronic chỉ tồn tại trong dịch khớp khoảng một tuần, nhưng lại có thể duy trì tác dụng lâu dài lên đến 6 tháng nhờ vào khả năng kích thích sản xuất acid hyaluronic tự nhiên trong cơ thể, điều này làm cho acid hyaluronic hiệu quả hơn so với việc sử dụng Corticoid nội khớp.
Trắc nghiệm: Người thoái hóa khớp gối có nên đi bộ?
Thoái hóa khớp gối là một căn bệnh phức tạp có tác động không nhỏ tới cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Người bị thoái hóa khớp gối cũng nên lưu ý bên cạnh chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp. Vậy bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?
Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Võ Sỹ Quyền Năng , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
2. Các loại thuốc tiêm dịch nhờn khớp gối được sử dụng phổ biến
2.1. Acid hyaluronic
Thông thường, các bác sĩ sẽ đề xuất việc tiêm acid hyaluronic vào khớp gối nhằm tăng lượng chất nhờn, cải thiện các triệu chứng đau nhức. Một số trường hợp có thể kể đến như:
- Cơn đau nhức không cải thiện sau khi sử dụng thuốc giảm đau, chườm ấm, hoặc chườm lạnh.
- Khi người bệnh không thể sử dụng thuốc giảm đau như advil hoặc motrin (ibuprofen), aleve (naproxen sodium), hoặc tylenol (acetaminophen).
- Khi có lo ngại về tác dụng phụ của thuốc tiêm corticoid.
2.2. Tiêm collagen điều trị khớp gối hiệu quả
Collagen là một phần quan trọng của cấu trúc nền ngoại bào của sụn, với các loại collagen 1, 2, 3, 4 chiếm đến 90% tổng sợi collagen sụn khớp. Chúng đảm bảo độ dẻo dai, vững chắc của sụn và bảo vệ xương dưới sụn. Collagen cũng kích thích sản xuất chất giảm đau, giảm sưng, tái tạo tế bào sụn và ngăn chặn mài mòn, biến dạng khớp.
Liệu pháp tiêm collagen vào khớp được sử dụng hiệu quả trong việc điều trị viêm màng hoạt dịch đầu gối không đặc hiệu, viêm khớp dạng thấp và bệnh lý cột sống thể huyết thanh âm tính. Đối với bệnh nhân viêm khớp, tiêm collagen được áp dụng khi các phương pháp điều trị thông thường không hiệu quả.
Ngoài ra, liệu pháp này cũng hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ tái tạo sụn khớp sau phẫu thuật, điều chỉnh đáp ứng miễn dịch để ngăn chặn sự phá hủy sợi collagen trong sụn.
2.3. Tiêm PRP
Plasma giàu tiểu cầu (PRP) là một chế phẩm thuốc tiêm dịch nhờn khớp gối từ máu có hàm lượng tiểu cầu cao từ 2 đến 8 lần so với mức bình thường. Việc tiêm PRP vào khớp gối thoái hóa giúp kích thích quá trình lành tổn thương, giảm triệu chứng viêm, từ đó giảm đau và phục hồi chức năng của khớp.
Các trường hợp được xem xét tiêm PRP bao gồm viêm xương khớp ở giai đoạn sớm, viêm mỏm lồi cầu, bệnh lý chóp xoay, viêm cân gan chân, viêm điểm bám gân ở vùng khuỷu, cổ tay, gối, viêm gân và các bệnh lý gân khác, cũng như chấn thương dây chằng chéo đầu gối hoặc rách sụn chêm.
3. Khi nào có thể tiêm chất nhờn chữa khớp gối?
3.1. Khi nào có thể điều trị khớp gối bằng chất nhờn?
- Chỉ áp dụng phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn trong trường hợp bệnh tiến triển từ mức độ trung bình đến nặng vừa.
- Sử dụng sau khi đã thử các phương pháp điều trị thông thường như uống thuốc giảm đau, chống viêm mà không có kết quả khả quan.
- Những người chưa đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật thay khớp.
Mỗi liệu trình điều trị theo phương pháp này thường kéo dài trong vòng 5 tuần liên tục, tiêm mỗi tuần một lần. Phương pháp phổ biến nhất hiện nay là sử dụng thuốc tiêm dịch nhờn khớp gối bằng ống chứa 2 – 2,5ml acid hyaluronic.
Trước khi tiến hành điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn (tiêm nội khớp acid hyaluronic), cần đảm bảo đã hút dịch gối và được thực hiện vô khuẩn. Sau khi tiêm acid hyaluronic vào khớp, hiệu quả thường xuất hiện sau khoảng 3 tuần đối với người bệnh thoái hóa khớp gối.
3.2. Những đối tượng cần phải thông báo với bác sĩ về tình trạng của mình để hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra
- Người bệnh dễ phản ứng dị ứng với thành phần của thuốc acid hyaluronic.
- Người có các vấn đề liên quan đến rối loạn hay một số bệnh lý khác.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú chỉ nên sử dụng khi có chỉ định cụ thể.
- Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cũng cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ.
4. Ưu nhược điểm của điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn
Mỗi phương pháp điều trị bệnh đều mang đến những ưu và nhược điểm đặc trưng. Điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn cũng không là một ngoại lệ.
4.1. Ưu điểm
- Phương pháp sử dụng thuốc tiêm dịch nhờn khớp gối này khá an toàn, rất ít trường hợp gây phản ứng viêm, đau tại vị trí tiêm, đau ở khớp háng và cảm giác mệt mỏi. Những phản ứng này thường sẽ biến mất nhanh chóng sau 2 – 3 ngày và chỉ xảy ra trong lần tiêm đầu.
- Có hiệu quả khá tốt trong việc giảm đau.
- Hiệu quả có thể kéo dài đến 6 tháng nhờ vào khả năng kích thích sản xuất acid hyaluronic tự nhiên trong cơ thể.
4.2. Nhược điểm
- Không phải mọi trường hợp đều phản ứng tốt với phương pháp điều trị bằng thuốc tiêm dịch nhờn khớp gối này.
- Chỉ được sử dụng khi bệnh thoái hóa khớp gối ở giai đoạn từ trung bình đến nặng vừa, đặc biệt trong những trường hợp không phản ứng với các phương pháp điều trị trước đó như sử dụng thuốc, hoặc chưa thể thực hiện phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối.
- Chi phí điều trị cao.
- Tiêm đủ liều mới có hiệu quả.
- Không điều trị được tận gốc bệnh.
Thoái hóa khớp gối là tình trạng phổ biến nhất của thoái hóa khớp, được thể hiện bởi sự tổn thương trên bề mặt sụn khớp. Sự tổn thương này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trong giai đoạn ban đầu, sụn khớp chưa có dấu hiệu bị tổn thương do dịch khớp bên trong vẫn còn nguyên vẹn. Khi dịch trong khớp mất đi, sự ma sát giữa các đầu khớp tăng lên và chịu nhiều tác động hơn. Điều này dẫn đến mòn sụn khớp và thu hẹp khe khớp gối.
Theo thời gian, sự tổn thương lan rộng từ bề mặt sụn xuống dưới sụn, gây tổn thương cho các cấu trúc dưới sụn và phá hủy mô xương. Đến giai đoạn này, việc mòn mô dưới sụn tạo ra các khuyết xương, được gọi là gai xương trong hình ảnh X-quang.
5. Thuốc tiêm dịch nhờn khớp gối giá bao nhiêu?
Tiêm chất nhờn vào khớp gối là một kỹ thuật không quá phức tạp và hiện nay được nhiều cơ sở y tế, bệnh viện áp dụng trong điều trị. Tuy nhiên, chi phí tại từng cơ sở sẽ khác nhau. Thông thường, giá thành của một mũi tiêm dao động từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, tùy thuộc vào loại chế phẩm. Người bệnh thường cần tiêm từ 3 đến 5 mũi trong một lần tiêm và khoảng cách giữa các lần tiêm sẽ được sắp xếp theo chỉ định của bác sĩ.
Để thuốc tiêm dịch nhờn khớp gối đạt được hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt theo liệu trình của bác sĩ chuyên khoa. Chi phí còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như vật tư y tế, giá nhập vào kho và mức thanh toán bảo hiểm của bệnh nhân. Bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sĩ về thời gian thực hiện liệu trình để chuẩn bị chi phí, tránh tình trạng bỏ dở giữa chừng gây lãng phí tiền bạc và thời gian.
Thuốc tiêm dịch nhờn khớp gối chính là phương pháp chữa trị thoái hóa khớp gối an toàn. Đồng thời, chúng còn mang đến kết quả đáng kinh ngạc. Bệnh nhân cần đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, kỹ thuật tiêm acid hyaluronic được áp dụng trong điều trị thoái hóa khớp gối, được thực hiện bởi ThS.BS Trần Thị Tuyết Nhung với tỷ lệ thành công trên 80%. Đây là một phương pháp an toàn và hiệu quả, giúp bệnh nhân có thể yên tâm.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec không chỉ là một cơ sở y tế đa khoa phục vụ khám và điều trị các vấn đề cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa, thoát vị, đau nhức xương khớp, mà còn có khả năng chẩn đoán và điều trị bằng các phương pháp y học tiên tiến. Với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ chuyên môn, Vinmec cam kết mang lại kết quả tối ưu cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.