Đa số các bệnh lý thoái hóa xương khớp đều liên quan đến việc sụn khớp bảo vệ bị phá hủy, ăn mòn dẫn đến mất chức năng sinh lý bình thường. Một trong những nguyên nhân khiến sụn khớp bị bào mòn là do quá trình lão hóa của cơ thể. Vậy làm cách nào để ngăn chặn quá trình này?
1.Cấu tạo của khớp
Theo giải phẫu bình thường, khớp là vị trí nối tiếp giữa hai đầu xương liền kề nhau. Tùy theo vị trí mà mỗi khớp có tên gọi khác nhau nhưng hầu hết các khớp trong cơ thể sẽ được cấu tạo bởi các thành phần sau:
- Sụn khớp: lớp mô bao lấy đầu xương, nhiệm vụ chính là ngăn các xương tiếp xúc, ma sát trực tiếp với nhau, giúp khớp vận động dễ dàng.
- Xương dưới sụn: đây là xương có liên kết chặt chẽ với sụn khớp, có vị trí ở ngay phía dưới của sụn khớp.
- Dịch khớp: chất lỏng nằm trong khớp với độ nhớt cao. Dịch khớp đóng vai trò như một chất bôi trơn, giúp khớp hoạt động dễ dàng. Bên cạnh đó đây còn là nơi cung cấp các dưỡng chất cho các cấu trúc bên trong khớp.
- Hệ thống dây chằng: được xem như những sợi dây co giãn, liên kết các xương với nhau thành một khối thống nhất và giữ cho các khớp vững chắc hơn.
- Bao khớp (được lót bởi lớp màng hoạt dịch): đây là lớp màng bao bọc xung quanh của khớp.
2.Sụn khớp là gì?
Sụn khớp là một thành phần quan trọng cấu tạo nên các khớp xương, có bản chất là một lớp mô trong suốt, vừa cứng, vừa dẻo dai và có độ đàn hồi tốt. Sụn khớp được cấu tạo từ 2 thành phần chính:
- Tế bào sụn: sản xuất một lượng lớn các chất căn bản, chiếm dưới 10% trọng lượng của mô sụn.
- Chất căn bản: đây là thành phần chính giúp sụn khớp thực hiện các chức năng của mình. Các chất căn bản gồm có Collagen và Proteoglycan (chủ yếu là Aggrecan) có khả năng chịu được sức nặng và áp lực.
3.Sụn khớp có tác dụng gì?
Vai trò của sụn khớp rất quan trọng trong quá trình vận động của các khớp xương. Sụn khớp là nơi tiếp giáp giữa 2 xương với nhau, vì vậy nó có tác dụng như lớp đệm bảo vệ, vừa giúp giảm chấn động, vừa hạn chế sự cọ xát trực tiếp giữa hai đầu xương khi khớp hoạt động.
Tuy giữ vai trò quan trọng trong hệ vận động của cơ thể, nhưng cấu tạo của sụn khớp lại không có mạch máu nuôi dưỡng hay dây thần kinh trực tiếp chi phối. Sụn khớp hoàn toàn không được cung cấp dưỡng chất trực tiếp mà hoạt động chủ yếu là nhờ chất dinh dưỡng thẩm thấu qua các cấu trúc khác trong hệ thống khớp như: các xương dưới sụn, dịch khớp, màng hoạt dịch...
Do vậy, sụn khớp là cấu trúc rất dễ bị bào mòn, thoái hóa theo thời gian một cách âm thầm, không có dấu hiệu cảnh báo cụ thể.
4.Tại sao sụn khớp lại bị bào mòn và lão hóa?
Sụn khớp thường xuyên phải chịu áp lực từ các hoạt động của cơ thể nhưng đôi khi lại được nuôi dưỡng không đủ, đây là tiền đề làm bào mòn sụn khớp theo thời gian (thoái hóa). Các yếu tố làm thoái hóa sụn khớp bao gồm:
- Các tế bào sụn khớp khi bị quá tải áp lực sẽ giải phóng ra các enzyme và tự phá hủy những chất căn bản của sụn khớp.
- Các sợi collagen bên trong sụn khớp không được cung cấp đủ dinh dưỡng, lâu dần sẽ bị đứt gãy hoặc tạo ra các cấu trúc sắp xếp lộn xộn. Hậu quả là sự dẻo dai, đàn hồi của sụn khớp suy giảm và thoái hóa dần.
- Sụn khớp trong quá trình bị bào mòn sẽ hình thành các mảnh vỡ. Các mảnh này sẽ nằm lại bên trong dịch khớp, lúc này cơ thể sẽ xem chúng như những vật thể lạ và kích hoạt phản ứng viêm xảy ra. Quá trình viêm sẽ vô tình làm tăng sự phá hủy sụn khớp và các cấu trúc khác xung quanh.
Hậu quả của việc sụn khớp bị bào mòn đó là bệnh lý thoái hóa khớp, khiến bệnh nhân sẽ gặp nhiều biểu hiện khó chịu như: đau khớp, sưng khớp, đỏ khớp, cứng khớp và hạn chế vận động ở khớp.
5.Điều trị thoái hóa sụn khớp như thế nào?
Khi sụn khớp bị thoái hóa, một số phương pháp điều trị được áp dụng nhưng hiệu quả đôi khi không cao:
- Bổ sung collagen với các sản phẩm hỗ trợ. Tuy nhiên nhu cầu của cơ thể là rất nhiều, vì vậy việc bổ sung collagen bằng các sản phẩm bên ngoài thường không mang lại hiệu quả tích cực đối với sự thoái hóa sụn khớp.
- Bổ sung tiểu cầu, sử dụng thuốc ức chế enzyme phá hủy sụn khớp, tiêm dịch khớp, hút dịch khớp... đây chỉ là các biện pháp tạm thời, đôi khi việc tiêm liên tục vào khớp lại ảnh hưởng đến hệ thống cơ, dây chằng và làm bệnh trở nên nặng hơn.
- Sử dụng các thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc giãn cơ để điều trị triệu chứng viêm đau khớp do sụn khớp bị thoái hóa gây ra.
- Phẫu thuật thay sụn khớp hoặc cắt bỏ sụn khớp.
6.Phòng ngừa thoái hóa sụn khớp
Thoái hóa khớp hay sụn khớp bị bào mòn theo thời gian là tình trạng gần như không thể tránh khỏi. Tuy vậy, bệnh nhân (nhất là đối tượng sau 40 tuổi) vẫn có thể sử dụng các biện pháp nhằm làm chậm quá trình thoái hóa thông qua chế độ sinh hoạt, tập luyện hợp lý, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và tốt cho sụn khớp như sau:
- Trong quá trình hoạt động hằng ngày cần tránh các tư thế không phù hợp hay các động tác quá mạnh và đột ngột. Tránh các động tác như ngồi xổm, gập gối lâu, ít vận động.
- Tập luyện thể dục thường xuyên và hợp lý, phù hợp với từng cá nhân.
- Duy trì cân nặng vừa phải, tránh để tăng cân béo phì, vô tình làm gia tăng áp lực lên các khớp xương.
- Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường ở khớp như đau sưng, người bệnh cần đến khám ngay để được tư vấn, chẩn đoán và cải thiện kịp thời.
- Chế độ dinh dưỡng cần chú ý cung cấp những dưỡng chất cần thiết để nuôi dưỡng sụn khớp và xương dưới sụn, giúp cân bằng lại quá trình hủy hoại và tái tạo của các tế bào sụn, tạo chất nhờn, tăng độ bền và dẻo dai cho khớp, tăng sức mạnh liên kết cơ-gân-sụn khớp.
Sụn khớp là cơ quan thường xuyên phải chịu áp lực từ các hoạt động của cơ thể nhưng thường xuyên bị “bỏ qua” mà không được nuôi dưỡng đầy đủ. Theo thời gian sụn khớp dễ bị bào mòn và lão hóa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.