Hướng dẫn trực quan về ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Bệnh có thể tiến triển thầm lặng trong nhiều năm và chỉ được chẩn đoán khi đã ở giai đoạn rất nặng. Do đó, bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu gợi ý ung thư dạ dày để chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

1. Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày hay còn gọi là bệnh ung thư bao tử xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh trong dạ dày của bạn thay đổi, phát triển ngoài tầm kiểm soát. Tình trạng này có xu hướng từ từ tiến triển nặng hơn trong nhiều năm. Nó có thể bắt đầu ở bất kỳ phần nào của dạ dày và có thể lan sang các khu vực khác của cơ thể, bao gồm gan, phổi và xương.

Ung thư biểu mô tuyến là loại phổ biến nhất, chiếm tới 95% tổng số các trường hợp. Nó bắt đầu trong các mô của niêm mạc dạ dày, trong các tế bào tạo ra chất nhầy và các chất lỏng khác. Các loại ung thư dạ dày ít phổ biến hơn bao gồm những loại bắt đầu trong các tế bào của đường tiêu hóa và u lympho (có liên quan hạch bạch huyết).

Khoảng 28.000 người mắc ung thư dạ dày mỗi năm ở Hoa Kỳ và 60% bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh trên 65 tuổi. Đàn ông có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ. Ung thư dạ dày là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ cho đến những năm 1930, nhưng hiện nay nó là loại ung thư phổ biến thứ 14. Các nhà nghiên cứu cho rằng, ung thư dạ dày có thể đã trở nên ít phổ biến hơn do sự ra đời của tủ lạnh giúp bảo quản thực phẩm tốt hơn.

2. Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến ung thư dạ dày

  • Vi khuẩn HP

Đây là vi khuẩn gây loét, viêm dạ dày và là một trong những nguyên nhân chính gây ra ung thư. Có nhiều chủng vi khuẩn H.pylori khác nhau, một số có nguy cơ gây ung thư cao hơn. Bác sĩ có thể xét nghiệm để xem bạn có nhiễm loại vi khuẩn này hay không. Nhiễm H. Pylori có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh, đó có thể là một lý do khác khiến loại ung thư dạ dày ngày nay ít phổ biến hơn so với những năm 1930. Nếu có cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con cái được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày, bạn nên đi xét nghiệm để tìm vi khuẩn H.pylori.

  • Tiền sử bệnh

Bạn có khả năng mắc ung thư dạ dày cao hơn nếu trong gia đình bạn từng có người mắc bệnh hoặc bạn đã phẫu thuật dạ dày. Một số tình trạng y tế cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày như thiếu máu ác tính, bệnh đa polyp tuyến gia đình (có polyp ở các khu vực như dạ dày và ruột kết), achlorhydria (không có đủ một loại axit nhất định trong dịch tiêu hóa).

  • Lối sống không lành mạnh

Lối sống có thể ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh ung thư dạ dày. Ăn nhiều thực phẩm hun khói, cá và thịt muối, rau muối chua có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, cùng với đó là không ăn đủ trái cây và rau quả. Bạn cũng có thể dễ mắc bệnh này hơn nếu hút thuốc, uống nhiều rượu hoặc béo phì.


Bệnh ung thư bao tử xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh trong dạ dày của bạn thay đổi
Bệnh ung thư bao tử xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh trong dạ dày của bạn thay đổi

3. Các dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày là gì?

Khi bị ung thư dạ dày, bạn có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Đôi khi bệnh không được phát hiện cho đến khi nó đã di căn sang một bộ phận khác của cơ thể. Một số dấu hiệu gợi ý ung thư dạ dày bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Cảm thấy đầy hơi hoặc no sau khi ăn dù chỉ một chút;
  • Ợ chua và khó tiêu;
  • Buồn nôn và nôn mửa;
  • Tiêu chảy hoặc táo bón;
  • Đau bụng;
  • Giảm cân không rõ lý do;
  • Không cảm thấy đói;
  • Phân có máu hoặc đen.

4. Ung thư dạ dày được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, lối sống và bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Nếu bác sĩ nghĩ rằng bạn có thể bị ung thư dạ dày, họ sẽ khuyên bạn đến gặp các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để làm các xét nghiệm chuyên sâu.

Để chẩn đoán ung thư dạ dày, bác sĩ thường chỉ định phương pháp nội soi. Một máy quay nhỏ sẽ được đưa vào bên trong xuống cổ họng để nhìn vào dạ dày của bệnh nhân. Nếu có bất cứ điều gì bất thường, các bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ được gọi là sinh thiết và gửi đến phòng thí nghiệm.

Tại phòng thí nghiệm, các kỹ thuật viên sẽ tìm kiếm các tế bào ung thư và quan sát hình ảnh ung thư dạ dày dưới kính hiển vi. Bác sĩ có thể đề xuất các xét nghiệm khác để đánh giá khối u kỹ hơn. Bạn có thể được chỉ định chụp CT (cắt lớp vi tính) hoặc chụp MRI (cộng hưởng từ) để hỗ trợ chẩn đoán ung thư dạ dày.

5. Điều trị ung thư dạ dày

5.1 Phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày

Việc điều trị bệnh sẽ phụ thuộc vào vị trí của khối u, mức độ tiến triển và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật để loại bỏ khối u là bước đầu tiên trong liệu trình điều trị. Bác sĩ cũng có thể cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày của bệnh nhân hoặc lấy các hạch bạch huyết từ các bộ phận khác của cơ thể để tìm các dấu hiệu cho thấy ung thư đã di căn.

5.2. Xạ trị và hóa trị

Bệnh nhân có thể được chỉ định xạ trị hoặc hóa trị để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật và có thể cả sau khi phẫu thuật để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại. 2 loại liệu pháp này thường được sử dụng cùng nhau.

5.3. Các liệu pháp điều trị khác

Bác sĩ có thể đề xuất liệu pháp nhắm mục tiêu - các loại thuốc đặc biệt tìm và tấn công các tế bào ung thư mà không gây hại cho các tế bào khỏe mạnh xung quanh. Bác sĩ cũng có thể đề xuất liệu pháp miễn dịch, giúp cơ thể bạn sử dụng các biện pháp phòng thủ tự nhiên để chống lại bệnh ung thư.


Tích cực tập luyện thể dục là cách chủ động phòng ung thư dạ dày
Tích cực tập luyện thể dục là cách chủ động phòng ung thư dạ dày

6. Các biện pháp phòng ung thư dạ dày

Để phòng ngừa ung thư dạ dày, mỗi cá nhân cần:

  • Giữ cân nặng lý tưởng;
  • Tích cực tập luyện thể dục là cách chủ động phòng ung thư dạ dày;
  • Tránh sử dụng rượu, bia và các chất kích thích;
  • Hạn chế các loại thực phẩm hun khói, muối chua;
  • Sử dụng các loại thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm;
  • Ăn nhiều trái cây, rau quả;
  • Khi có dấu hiệu đau, viêm dạ dày hay nghi ngờ nhiễm H.pylori, cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị triệt để;
  • Xét nghiệm tầm soát và điều trị các bệnh lý dạ dày như polyp, u lành;
  • Tầm soát ung thư định kỳ.

Ung thư dạ dày là một bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng bất thường về tiêu hóa, bạn cần đến lập tức đến các cơ sở y tế để thăm khám, tránh để bệnh phát triển đến giai đoạn nặng sẽ rất khó khăn trong việc điều trị.

Khám sàng lọc ung thư đường tiêu hoá là biện pháp khoa học và hiệu quả để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa (ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng) và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư dạ dày

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe