Hội chứng Dumping thường xảy ra ở những bệnh nhân đã thực hiện phẫu thuật ung thư dạ dày bằng phương pháp cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày. Hội chứng này gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh nên cần được chẩn đoán và điều trị sớm.
1. Hội chứng Dumping là gì?
Hội chứng Dumping bao gồm triệu chứng có thể xảy ra sau khi bệnh nhân phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần của dạ dày. Hội chứng này còn có tên gọi khác là hội chứng dạ dày rỗng nhanh chóng, có nguyên nhân do các thức ăn chưa được tiêu hóa chuyển vào ruột non quá nhanh.
Các triệu chứng của hội chứng Dumping thường xuất hiện ngay sau khi ăn, nhưng cũng có nhiều trường hợp các triệu chứng có thể xảy ra 1-3 giờ sau khi ăn với mức độ dao động từ nhẹ đến nặng.
Theo một số nghiên cứu cho thấy có khoảng 25 – 50% bệnh nhân sau phẫu thuật cắt dạ dày có biểu hiện của hội chứng Dumping với thời gian xuất hiện sau phẫu thuật khoảng vài tháng tới nửa năm, trong đó khoảng 1-5% có biểu hiệu các triệu chứng nặng và dai dẳng. Có một số ít trường hợp bệnh chuyển thành mãn tính.
2. Biểu hiện của hội chứng Dumping
Hội chứng Dumping bao gồm nhóm các triệu chứng sớm và triệu chứng muộn
2.1. Các triệu chứng sớm
Những triệu chứng này thường xảy ra trong bữa ăn hoặc sau bữa ăn từ 15 đến 30 phút. Nguyên nhân do thức ăn đưa vào ruột non quá nhanh chóng dẫn đến thu hút một lượng lớn chất lỏng tương ứng vào ruột làm cho ruột bị kéo căng và đau. Các triệu chứng sớm của hội chứng Dumping bao gồm: Buồn nôn, nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy,...
2.2. Các triệu chứng muộn
Thường xuất hiện sau ăn từ 1 đến 3 giờ do sự gia tăng đáng kể lượng đường huyết. Tuyến tụy nhận biết và phản ứng lại bằng cách tiết ra một số lượng lớn insulin để hấp thụ lượng đường trong máu dư thừa này. Tuy nhiên, nếu tuyến tụy sản xuất insulin quá nhiều sẽ dẫn đến hạ đường huyết. Các triệu chứng muộn bao gồm:
- Cảm thấy mệt mỏi, tay chân run.
- Đổ mồ hôi nhiều
- Căng thẳng, lo âu
- Hoa mắt chóng mặt
- Tiêu chảy
- Nhịp tim nhanh
- Hạ đường huyết
Có một số người chỉ gặp triệu chứng sớm hoặc muộn nhưng cũng có nhiều trường hợp xuất hiện cả hai triệu chứng này. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có biểu hiện kéo dài dẫn tới suy dinh dưỡng do chán ăn và sụt cân. Đồng thời cũng có thể gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống hằng ngày.
3. Chẩn đoán hội chứng Dumping
Nhằm xác định bệnh nhân có mắc hội chứng Dumping hay không, bác sĩ có thể sử dụng những phương pháp chẩn đoán như:
3.1. Kiểm tra bệnh sử và thăm khám các triệu chứng
Đây là bước rất quan trọng trong việc chẩn đoán. Bác sĩ sẽ xem xét bệnh nhân đã từng phẫu thuật dạ dày hoặc bộ phận khác của hệ tiêu hóa hay chưa, đồng thời kết hợp với thăm khám dấu hiệu và triệu chứng bạn gặp phải. Từ đó có thể dự đoán nguyên nhân do hội chứng Dumping.
3.2. Kiểm tra đường huyết
Triệu chứng hạ đường huyết của hội chứng Dumping xảy ra sau khi ăn 1 - 3 giờ, vì thế xét nghiệm đường huyết sau khi ăn ở thời điểm cao nhất sẽ có giá trị chẩn đoán cao.
3.3. Nội soi dạ dày
Nội soi dạ dày sử dụng chất phản xạ thêm vào thức ăn để kiểm tra tốc độ di chuyển của thức ăn đến dạ dày và ruột non để chẩn đoán hội chứng Dumping.
4. Điều trị hội chứng Dumping
Phần lớn các trường hợp mắc bệnh sẽ tự khỏi sau khoảng 3 tháng. Tuy nhiên trong khoảng thời gian đó những triệu chứng sẽ khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Do đó, bác sĩ có thể can thiệp để giảm triệu chứng bằng những biện pháp sau:
4.1. Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý hơn
- Chia ra làm nhiều bữa ăn trong ngày: Thói quen này giúp cho dạ dày trở nên không quá đói hay quá no, dẫn đến lượng thức ăn chuyển xuống ruột non chậm lại và lượng đường sinh ra cũng giảm đi giúp cải thiện hội chứng.
- Không nên uống nước trước và sau bữa ăn: Việc uống nước trước hoặc ngay sau bữa ăn giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu hóa thức ăn và gia tăng lượng thức ăn xuống ruột non khiến tình trạng bệnh thêm nặng hơn.
- Ăn chậm nhai kỹ: Nhai kỹ thức ăn giúp giảm đi áp lực cho dạ dày, đặc biệt với những bệnh nhân đã cắt bỏ toàn bộ dạ dày. Do đó, quá trình tiêu hóa thức ăn cũng hiệu quả hơn.
- Thay đổi thành phần thức ăn: Không nên sử dụng nhiều những thực phẩm có hàm lượng đường cao như siro, kẹo, đường, nước ép trái cây, nước ngọt, bánh ngọt, sữa,... Thay vào đó là bổ sung các loại thực phẩm như cá, thịt, bơ đậu phộng, ngũ cốc, yến mạch,... giàu protein.
- Bổ sung nhiều chất xơ: Chất xơ có trong thực phẩm có tác dụng làm chậm sự hấp thu tinh bột và làm chậm quá trình chuyển hóa thành đường góp phần làm cải thiện các triệu chứng muộn của hội chứng Dumping.
- Tăng cường bổ sung Vitamin, canxi và sắt: Đây là những dưỡng chất hay bị thiếu hụt sau khi thực hiện phẫu thuật dạ dày. Do đó, cần bổ sung tăng cường bằng các loại thực phẩm từ bên ngoài.
4.2. Sử dụng thuốc
Nếu như thay đổi chế độ ăn uống không giúp các triệu chứng thuyên giảm, bác sĩ sẽ xem xét kê đơn thuốc Octreotide. Đây là loại thuốc được tiêm dưới da, có tác dụng làm chậm tốc độ thức ăn đi vào ruột non, ức chế giải phóng hormon Insulin giúp giảm đi sự khó chịu do hội chứng Dumping gây ra với các triệu chứng sớm hay muộn. Tuy nhiên đây không phải là biện pháp được khuyến khích sử dụng do nó gây 1 số tác dụng phụ như: buồn nôn, đau bụng, nôn,...
4.3. Phẫu thuật
Đây là phương pháp điều trị cuối cùng mà người bệnh mắc hội chứng Dumping phải sử dụng khi các triệu chứng không được cải thiện với những phương pháp điều trị đã kể trên.
Hội chứng Dumping sau phẫu thuật ung thư dạ dày làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân. Do đó, khi phát hiện những triệu chứng nghi ngờ, bệnh nhân nên đến những cơ sở y tế uy tin để thăm khám và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.