Hoạt động thể thao nên tránh khi mắc Gout và lưu ý khi tập

Hoạt động thể thao nên tránh khi mắc Gout bao gồm những môn dễ gây áp lực lên các khớp, đặc biệt là khớp chân, làm gia tăng cơn đau và nguy cơ tổn thương. Việc chọn sai môn thể thao có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng và ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát bệnh.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Ảnh hưởng của bệnh Gout đến việc tập luyện thể dục thể thao

Hoạt động thể dục thể thao là một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh Gout phổ biến nhất giúp duy trì sức khỏe và hạn chế sự tích tụ Axit Uric trong máu. Ngoài ra, tập thể thao còn giúp kiểm soát cân nặng, giảm viêm và giảm tình trạng kháng Insulin. Khi kết hợp chế độ thể thao với chế độ ăn ít Calo, người bệnh có thể giảm các triệu chứng bệnh Gout.

Tuy vậy, nếu bệnh Gout bùng phát bất ngờ sẽ ảnh hưởng đến khả năng luyện tập thể thao của bệnh nhân rất nhiều. Phần lớn người mắc bệnh không còn có thể tham gia vào các hoạt động nặng, thay vào đó cần có một sự điều chỉnh và hướng đến các bộ môn nhẹ nhàng hơn để tăng sự dẻo dai cho khớp. Do đó cần xác định rõ các hoạt động thể thao nên tránh khi mắc Gout.    

2. Tác động của việc tập luyện thể thao trong lúc đang điều trị bệnh Gout

Bệnh Gout thường có xu hướng bùng phát đột ngột và từng đợt, mỗi đợt gây ra những cơn đau cực kì khó chịu lên các khớp tay hoặc chân. Giữa những đợt bùng phát đó sẽ là quãng nghỉ “vàng” dành cho người bệnh để có thể hoạt động thể thao nhẹ. 

Đi bộ là một hoạt động thể thao nhẹ có thể được thực hiện giữa những cơn Gout bùng phát.
Đi bộ là một hoạt động thể thao nhẹ có thể được thực hiện giữa những cơn Gout bùng phát.

Đánh giá lâm sàng cho thấy tập thể dục hợp lý có thể hỗ trợ phục hồi chức năng cơ thể, bao gồm cải thiện khả năng vận động và giảm đau. Đối với người mắc gout, tập luyện đúng cách cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển hạt tophi - những khối u cứng ở khớp do tích tụ axit uric, giúp duy trì khớp khỏe mạnh và hạn chế biến dạng.

3. Những hoạt động thể thao nên tránh khi mắc Gout

3.1. Hoạt động thể thao nặng tác động lên khớp

Những môn thể thao như bóng đá, bóng rổ và quần vợt nên được loại trừ đầu tiên với người mắc gout. Cường độ vận động cao khi chơi bóng, các động tác nhảy, chạy hay đập bóng đều gây áp lực lớn lên khớp cổ tay và mắt cá chân - những vị trí dễ bị đau do gout.

3.2. Hoạt động thể thao có tính chất va chạm cao

Những môn thể thao hấp dẫn như leo núi, đạp xe địa hình và chạy việt dã nên được tránh với người mắc gout. Các hoạt động này dễ gây chấn thương do va chạm như va phải vật cứng khi leo núi, ngã do địa hình đạp xe khó khăn hoặc tai nạn trong quá trình chạy. Những chấn thương này có thể khiến tình trạng gout trở nên nghiêm trọng hơn.

3.3. Hoạt động thể thao thời gian dài liên tục

Các hoạt động như chạy marathon, đạp xe đường dài hoặc các bài tập Aerobic kéo dài sẽ gây ra mệt mỏi và căng thẳng cho cơ bắp, đặc biệt gây khó chịu hơn đối với người mắc gout. Thêm vào đó, thời tiết nóng nực có thể làm tăng nguy cơ mất nước, dẫn đến tích tụ axit uric nhiều hơn trong cơ thể. 

Đạp xe dài hơi là một hoạt động thể thao nên tránh khi mắc Gout.
Đạp xe dài hơi là một hoạt động thể thao nên tránh khi mắc Gout.

4. Nên làm gì trong và sau những cơn Gout bùng phát?

Khi cơn đau Gout bùng phát, người bệnh cần nghỉ ngơi và giảm đau cho khớp. Một cách hữu hiệu là chườm đá và nâng cao phần khớp bị đau. Lúc này người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc chống viêm và thuốc giảm Axit Uric. Sau khi cơn bùng phát thuyên giảm, người bệnh nên áp dụng một số hoạt động tập luyện nhẹ để duy trì vận động cơ và lưu thông Axit Uric trong máu.

Lúc này, các bài tập Cardio nhẹ nhàng như đi bộ và yoga có thể hỗ trợ tim mạch, giúp tăng cường chức năng phổi, hỗ trợ chuyển hóa axit trong cơ thể. Đi bộ quanh nhà 10 phút mỗi ngày và thực hành yoga là những lựa chọn an toàn, giúp giảm đau và tăng cường sức khỏe. Khi tình trạng ổn định hơn, người bệnh có thể tham gia các hoạt động ngoài trời như bơi lội hoặc đi bộ ngắn, duy trì cường độ khoảng 150 phút mỗi tuần để đảm bảo sức khỏe khớp và thể lực.

5. Những lưu ý khi tập luyện thể thao phục hồi sau những cơn Gout bùng phát

5.1. Chọn giày dép phù hợp

Vì bệnh Gout thường ảnh hưởng đến ngón chân cái, bàn chân giữa và mắt cá chân, nên việc lựa chọn giày dép tốt cũng rất quan trọng. Để lựa chọn giày dép chuyên dụng phù hợp cho hoạt động đi bộ, người bệnh có thể tham khảo ý kiến từ những nhà vật lý trị liệu.

5.2. Không cố gắng tập luyện liên tục

Việc tập thể dục thể thao sau khi trải qua cơn đau Gout là quan trọng nhưng phải biết kết hợp với nghỉ ngơi để duy trì khả năng phục hồi. Do đó, người bệnh nên có một ngày nghỉ ngơi hoàn toàn sau mỗi 7 - 10 ngày tập luyện đều đặn. 

Hãy để cơ thể nghỉ ngơi giữa những ngày tập luyện.
Hãy để cơ thể nghỉ ngơi giữa những ngày tập luyện.

5.3. Luôn đảm bảo uống đủ nước, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc

Uống đủ nước lọc sẽ giúp thận hoạt động hiệu quả hơn, từ đó thải axit uric ra ngoài dễ dàng hơn. Người mắc gout cũng cần nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc - khoảng 8 tiếng mỗi đêm, để giảm căng thẳng. Đây là những lưu ý cơ bản để hỗ trợ quá trình hồi phục khi kết hợp tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý. Ngoài ra, hãy chú ý tránh các hoạt động thể thao nên tránh khi mắc gout.  

Kết hợp các yếu tố trên sẽ giúp cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ tái phát gout. Để có kế hoạch tập luyện và điều trị phù hợp, hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ và chuyên gia. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe