Viêm bao hoạt dịch khớp: Những điều cần biết

Viêm bao hoạt dịch khớp gối hiện đang là một trong những vấn đề về xương khớp phổ biến mà nhiều người mắc phải, đặc biệt là ở những vận động viên hoặc người lao động tay chân nhiều. Để chẩn đoán chính xác cho tình trạng này, bệnh nhân cần phải được kiểm tra kỹ lưỡng và tiến hành các xét nghiệm cần thiết.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Lê Quang Minh - Trưởng Đơn Nguyên Khoa Ngoại Tổng Hợp - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Viêm bao hoạt dịch là gì?

Viêm bao hoạt dịch khớp xảy ra khi một túi chứa dịch lỏng ở các khớp bị viêm, sưng và đỏ. Bao hoạt dịch thường nằm gần vai, hông, khuỷu tay, đầu gốibàn chân giữ vai trò như một lớp đệm giữa xương và các cơ bắp, gân, da xung quanh, giúp cho các hoạt động hàng ngày diễn ra dễ dàng hơn.

Bệnh viêm bao hoạt dịch thường xuất hiện ở những khớp cần phải hoạt động thường xuyên như khớp gối, cổ tay... và thường tái phát sau khi được điều trị. Mặc dù bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc viêm bao hoạt dịch khớp gối, nhưng những người phải hoạt động nhiều và người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. 

Trắc nghiệm: Bạn biết gì về bệnh đau cổ vai gáy?

Đau cổ vai gáy là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng gây đau, kèm theo các hạn chế vận động khi quay cổ hoặc quay đầu. Bệnh thường xuất hiện vào buổi sáng và có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy.

2. Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch khớp gối 

Các tình trạng viêm bao khớp gối, viêm bao khớp cổ tay hoặc viêm bao khớp vai thường xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, bao gồm:

  • Chấn thương: Khớp gối, khớp khuỷu tay thường có bao hoạt dịch dưới da nên khi bị chấn thương, tình trạng này có khả năng làm tổn thương và viêm nhiễm bao hoạt dịch.
  • Nghề nghiệp: Các công việc đòi hỏi vận động và lao động tay chân nhiều như làm vườn, lao công, hoặc vận động viên thể thao gây ra áp lực và tổn thương cho các khớp, dẫn đến viêm bao hoạt dịch.
  • Tuổi tác: Tình trạng lão hóa khiến xương mất đi độ chắc khỏe và dễ bị tổn thương hơn, từ đó làm tăng nguy cơ mắc viêm bao hoạt dịch khớp.
  • Bệnh lý: Các bệnh như gout, thấp khớp, tiểu đường cũng gây ra viêm bao hoạt dịch khớp. 

3. Triệu chứng viêm bao hoạt dịch khớp gối

Khác biệt với nhiều loại bệnh khác, triệu chứng của viêm bao hoạt dịch khớp gối dễ dàng nhận biết hơn, bao gồm:

  • Sưng và tấy đỏ ở khớp.
  • Đau nhức hoặc cảm giác cứng khớp, đặc biệt là khi di chuyển hoặc ấn vào.
  • Dịch nhiều dẫn đến tình trạng ứ dịch trong túi hoạt dịch hoặc tràn dịch khớp.
  • Khó khăn khi di chuyển nếu bệnh nhân bị viêm bao hoạt dịch ở khớp gối hoặc khi cầm nắm nếu bị viêm ở khớp cổ tay. 
Khớp sưng tấy
Khớp sưng tấy

4. Viêm bao hoạt dịch khớp có nguy hiểm không? 

Mặc dù bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối thường không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị đúng cách, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và xuất hiện những biểu hiện như:

  • Cơn đau kéo dài mà không thấy dấu hiệu thuyên giảm.
  • Sưng quá mức, bầm tím, đỏ hoặc phát ban quanh khu vực bị viêm.
  • Đau nhức đột ngột, đặc biệt là khi tập thể dục.
  • Cứng khớp do bất động kéo dài.

5. Phương pháp chẩn đoán

5.1 Tiền sử bệnh và khám lâm sàng

Bên cạnh quá trình thu thập thông tin về tiền sử bệnh, các bác sĩ cũng thực hiện khám thực thể người bệnh để đánh giá thời điểm bắt đầu bệnh và mức độ nghiêm trọng:

  • So sánh tình trạng giữa hai đầu gối, đặc biệt là khi chỉ có một bên đau.
  • Ấn nhẹ vào vùng xung quanh khớp gối để đánh giá tình trạng sưng, nóng và nguồn gốc cơn đau.
  • Kiểm tra da ở khu vực bị ảnh hưởng để xem xét có xuất hiện các triệu chứng như mẩn đỏ hoặc nhiễm trùng hay không.
  • Di chuyển đầu gối của bệnh nhân để đánh giá phạm vi chuyển động và xem liệu có xuất hiện cơn đau khi gối gập lại hoặc di chuyển vượt quá phạm vi bình thường không.

5.2 Chẩn đoán hình ảnh

Viêm bao hoạt dịch khớp gối có triệu chứng tương tự với một số chấn thương khác. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện các bước kiểm tra hình ảnh như sau:

  • X-quang: Kết quả chụp X-quang giúp bác sĩ phát hiện các vấn đề liên quan đến xương hoặc viêm khớp.
  • MRI: Phương pháp này sử dụng sóng radio và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc của xương và khớp. Điều này giúp bác sĩ quan sát được vị trí của mô mềm như bao hoạt dịch.
  • Siêu âm: Phương pháp này hỗ trợ bác sĩ trong việc đánh giá tình trạng sưng tấy ở vùng bao hoạt dịch bị viêm.

5.3 Phân tích dịch khớp

Trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân viêm bao hoạt dịch ở khớp gối bị nhiễm trùng hoặc mắc phải bệnh gout, bác sĩ sẽ lấy một ít dịch trong bao hoạt dịch khớp gối để kiểm tra và phân tích dịch khớp.

6. Điều trị viêm bao hoạt dịch khớp gối

Viêm bao hoạt dịch khớp gối là căn bệnh gây ra nhiều đau đớn và cảm giác không thoải mái cho người bệnh. Ngay khi phát hiện dấu hiệu của bệnh, người bệnh nên đến bệnh viện để thăm khám và được chẩn đoán chính xác, cũng như đưa ra các phương án điều trị phù hợp.

Khi bị viêm bao hoạt dịch khớp, người bệnh cần phải nghỉ ngơi và hạn chế các hoạt động trong khoảng 2-3 tuần. Khớp bị viêm thường được cố định bằng băng thun hoặc nẹp để giảm đau và viêm của khớp. Ngoài ra, các phương pháp chườm đá và sử dụng thuốc kháng viêm như ibuprofen, aspirin, naproxen cũng được sử dụng để giảm sưng và đau.

Trong trường hợp viêm bao khớp do nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh và thực hiện chọc hút dịch trong túi hoạt dịch để giảm đau tạm thời. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chọc hút quá mức có khả năng gây tổn thương ở các phần mềm ở vùng chọc và lan rộng nhiễm trùng

Sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian điều trị viêm bao khớp
Sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian điều trị viêm bao khớp

Nếu sau 12 tuần điều trị mà tình trạng bệnh không cải thiện, người bệnh cần phải phẫu thuật mở hoặc nội soi khớp để chữa lành tổn thương và giảm áp lực lên túi hoạt dịch.

Ngoài các biện pháp điều trị chính thống, một số biện pháp tự chăm sóc cũng giúp người bệnh viêm bao hoạt dịch khớp kiểm soát tình trạng bệnh và giảm đau hiệu quả:

  • Nghỉ ngơi và hạn chế cử động ở khu vực bị viêm để giúp tăng độ phục hồi.
  • Chườm đá giúp giảm sưng và đau.
  • Khi bị viêm bao khớp gối, người bệnh nên đặt một chiếc gối giữa hai chân khi nằm nghiêng một bên để giảm áp lực lên đầu gối.
  • Đối với viêm bao khớp khuỷu tay, người bệnh tránh đè lên tay khi nằm nghiêng.
  • Nếu muốn tham gia các môn thể thao đối kháng, người bệnh cần đảm bảo mặc đồ bảo hộ.
  • Hạn chế lặp lại các hoạt động gây tổn thương cho khớp.
  • Thăm khám bác sĩ định kỳ để theo dõi và đánh giá các tổn thương dây chằng, khớp và xương (nếu có).

7. Phòng ngừa bệnh

Để ngăn ngừa viêm bao hoạt dịch ở khớp gối, người bệnh nên tự bảo vệ sức khỏe xương khớp từ khi còn trẻ, tránh các yếu tố gây viêm bằng cách:

  • Thực hiện các tư thế đúng khi sinh hoạt và làm việc.
  • Hạn chế vận động quá mức và tránh các tư thế ngồi xổm, quỳ gối. Các động tác khụy gối thường xuyên tạo áp lực lớn lên khớp gối. Nếu phải quỳ trong thời gian dài, người bệnh hãy thư giãn bằng cách duỗi thẳng và xoa bóp nhẹ nhàng.
  • Khi tham gia các môn thể thao đối kháng, người bệnh cần sử dụng các vật dụng bảo hộ chuyên dụng để bảo vệ khớp gối.
  • Duy trì chế độ ăn uống khoa học và bổ sung đầy đủ dưỡng chất.
  • Giữ cân nặng ổn định và hợp lý.
  • Thực hiện kiểm tra tổng quát định kỳ (ít nhất 6 tháng/lần) để phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến xương khớp. 
Người bệnh nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về cơ xương khớp
Người bệnh nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về cơ xương khớp

Viêm bao hoạt dịch khớp gối là một bệnh phổ biến, gây đau và hạn chế các hoạt động hàng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, trong các hoạt động thường ngày, bệnh nhân cần chú ý tránh tạo áp lực quá mạnh lên các vùng khớp bị ảnh hưởng.

Người bệnh nên đi khám bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng đã được đề cập, giúp các chuyên gia xác định nguyên nhân chính xác và đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Đội ngũ bác sĩ chuyên môn về Nội Cơ xương khớp, đặc biệt là tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, không chỉ có kinh nghiệm lâu năm mà còn được trang bị các trang thiết bị hiện đại giúp hỗ trợ trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe