Do ảnh hưởng của đại dịch, nền kinh tế suy thoái buộc phải cắt giảm nguồn lao động tới mức tối đa gây ra những mất mát cho người lao động không chỉ về nguồn thu nhập, lợi ích mà còn gây ra tâm lý bất ổn và lo sợ. Vì vậy động viên và hỗ trợ người mất việc làm là vô cùng quan trọng để họ có thể lấy lại cân bằng và bước tiếp trong cuộc sống.
1. Những giai đoạn tâm lý sau khi bị sa thải
Mất việc vì Covid đang là một vấn nạn của hàng triệu người lao động trên khắp thế giới. Bị mất việc khỏi một công việc ưa thích hoặc đã gắn bó lâu dài chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của con người chưa kể đến những khó khăn về tài chính cần phải đối mặt trong tương lai gần. Người khủng hoảng vì bị sa thải thường trải qua 5 giai đoạn như sau:
- Chối bỏ hoặc không tin vào việc bị sa thải;
- Tức giận hay thất vọng với việc bị sa thải;
- Cố gắng cứu vãn sự nghiệp bằng nhiều cách khác nhau;
- Trầm cảm do hậu quả của mất việc làm;
- Chấp nhận thực tế bị sa thải.
Dù vậy mỗi người đều đối mặt với việc bị sa thải theo những cách khác nhau và tốc độ hồi phục tâm lý cũng khác nhau. Việc hiểu được những diễn biến trong tâm lý của họ cũng góp phần hỗ trợ một cách đúng đắn hơn.
2. Những triệu chứng của trầm cảm sau khi mất việc
Việc bị sa thải đột ngột có thể gây ra những chấn động về tâm lý hay thậm chí phát triển thành chứng rối loạn trầm cảm nghiêm trọng với các triệu chứng như:
- Cảm giác vô dụng, bất lực, tuyệt vọng, tội lỗi và chán ghét bản thân;
- Thường xuyên mệt mỏi, cáu gắt, thiếu năng lượng;
- Khó tập trung;
- Mất hứng thú với các sở thích trước đây;
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều;
- Từ chối giao tiếp, cách ly khỏi xã hội;
- Tăng hoặc giảm cảm giác thèm ăn;
- Có ý nghĩ hoặc hành vi tự sát;
- Các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng hay ảo giác là các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng cần phải chú ý.
Hội chứng rối loạn trầm cảm cần được điều trị một cách nghiêm túc và kiên trì bằng thuốc kết hợp với các liệu pháp trò chuyện giúp giải quyết tâm trạng, suy nghĩ và hành vi của người bệnh trong việc đối phó với căng thẳng. Cụ thể gồm:
- Thuốc chống trầm cảm chứa các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) nhằm tăng mức độ serotonin trong não;
- Liệu pháp nói chuyện kết hợp với liệu pháp nhận thức và liệu pháp hành vi;
- Giúp người bệnh thiết lập một thói quen hàng ngày để kiểm soát cảm xúc như viết nhật ký, tham gia vào các nhóm hỗ trợ chia sẻ cảm xúc;
- Tập thể dục thường xuyên cũng giúp làm tăng mức serotonin và dopamine tự nhiên trong não đồng nghĩa với tăng cảm giác hạnh phúc.
3. Những cách có thể hỗ trợ người mất việc làm
Để hỗ trợ tâm lý cho những người vừa mất việc làm có thể thực hiện những điều sau:
- Lắng nghe và dẫn dắt: Để trở thành một người đồng hành được tin tưởng cần thực sự lắng nghe những mối quan tâm, ý tưởng và cảm xúc của họ để tạo không gian thoải mái cho việc bộc bạch tâm sự. Lắng nghe một cách nghiêm túc sẽ dẫn dắt và khuyến khích họ vượt qua lo lắng và nỗi đau;
- Không chối bỏ hiện thực: Thừa nhận việc bị sa thải sẽ giúp đẩy nhanh quá trình làm lành của tâm lý người mất việc. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là quá tập trung vào vấn đề bị sa thải mà thay và đó hãy thể hiện rằng bạn đã cảm nhận được tình trạng mất việc của họ thông qua một cái ôm hay lời nói yêu thương;
- Hỗ trợ bằng lời nói và cả hành động: Nếu là một người có những mối quan hệ rộng bạn có thể chủ động đề nghị tìm kiếm những công việc tốt bất cứ khi nào họ sẵn sàng. Mời họ đến ăn tối hay sẵn sàng lắng nghe bất kỳ lúc nào cũng là một biện pháp cụ thể và chủ động để hỗ trợ người bị sa thải;
- Giúp đỡ duy trì các mối quan hệ: Mất việc làm có thể dẫn đến tâm lý mặc cảm và xấu hổ khiến họ cô lập bản thân khỏi xã hội. Việc duy trì các mối quan hệ giúp họ có được sự cân bằng cần thiết để tiếp tục bước tiếp trong xã hội;
- Khẳng định giá trị bản thân: Việc cảm thấy tự ti sau khi bị sa thải có thể được khắc phục khi nhắc nhở người thất nghiệp rằng một công việc không thể đánh giá toàn bộ giá trị của bất kỳ ai mà niềm tin, sự lạc quan và tài năng mới là những gì mà mọi người đánh giá cao về họ.
Tóm lại, mất việc vì Covid hoặc bị sa thải đột ngột có thể gây ra những chấn động về tâm lý hay thậm chí phát triển thành chứng rối loạn trầm cảm nghiêm trọng của một con người. Vì vậy, động viên và hỗ trợ người mất việc làm là vô cùng quan trọng để họ có thể lấy lại cân bằng và bước tiếp trong cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com