Công dụng thuốc Sulpistad

Thuốc Sulpistad có thành phần chính là Amisulprid, thuốc có công dụng điều trị bệnh tâm thần cho người bệnh như: Bệnh tâm thần phân liệt cấp tính, bệnh ảo tưởng, rối loạn suy nghĩ, ...Dưới đây là một số thông tin hữu ích, cần thiết về thuốc Sulpistad giúp người bệnh tham khảo trước khi sử dụng thuốc được an toàn và hiệu quả.

1. Thuốc Sulpistad là thuốc gì?

Thuốc Sulpistad là loại thuốc thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần, được bào chế sản xuất dưới dạng viên nén. Thuốc Sulpistad được đóng gói theo hộp 3 vỉ x 10 viên và hộp 6 vỉ x 10 viên.

  • Thuốc Sulpistad 100 có thành phần chính là Amisulprid 100mg và một số thành phần tá dược khác vừa đủ 1 viên.
  • Thuốc Sulpistad 200 có thành phần chính là Amisulprid 200mg và một số thành phần tá dược khác vừa đủ 1 viên.
  • Thuốc Sulpistad 400 có thành phần chính là Amisulprid 400mg và một số thành phần tá dược khác vừa đủ 1 viên.

2. Thuốc Sulpistad có công công dụng gì?

Thuốc Sulpistad được chỉ định dùng điều trị cho các bệnh nhân trong các trường hợp sau:

  • Thuốc Amisulprid được chỉ định để điều trị bệnh tâm thần phân liệt cấp tính.
  • Điều trị bệnh tâm thần phân liệt mãn tính có các triệu chứng như: hoang tưởng, ảo giác, rối loạn suy nghĩ,...
  • Điều trị bệnh tâm thần phân liệt có các triệu chứng âm như: Rút khỏi đời sống xã hội, hành vi vận động kỳ dị và không thích hợp,....

3. Liều lượng - Cách dùng thuốc Sulpistad

3.1. Cách sử dụng thuốc

Thuốc Sulpistad được bào chế dưới dạng viên nén và được sử dụng theo đường uống, theo viên.

3.2. Liều lượng

Liều dùng thuốc Sulpistad phụ thuộc vào từng đối tượng người bệnh và diễn tiến của bệnh lý sẽ có liều dùng phù hợp. Dưới đây là liều dùng thuốc Sulpistad tham khảo như sau:

  • Người bệnh bị tâm thần ở giai đoạn cấp tính: Sử liều thuốc Sulpistad 400mg - 800mg trong ngày. Có thể điều chỉnh liều dùng thuốc theo đáp ứng của người bệnh, có trường hợp người bệnh có thể tăng liều lên đến 1200mg/ngày.
  • Khi sử dụng thuốc Sulpistad điều trị có hiệu quả nên dùng duy trì ở liều thấp nhất.
  • Cần phải điều chỉnh liều sử dụng thuốc Sulpistad đối với những người bệnh có cả 2 triệu chứng tâm thần phân liệt cả âm và dương để kiểm soát tối ưu triệu chứng dương.
  • Trường hợp người bệnh có biểu hiện chủ yếu là triệu chứng âm, cần sử dụng liều dùng trong khoảng từ 50 - 300mg/ngày.
  • Cách dùng: Với liều sử dụng từ Sulpistad 300mg/ngày trở xuống, người bệnh uống 1 lần trong ngày. Đối với liều dùng trên 300mg/ngày cần chia ra thành 2 lần trong ngày.
  • Đối với người bệnh bị bệnh suy thận: Trường hợp người bệnh có độ thanh thải Creatinin khoảng từ 30 - 60 ml/phút thì liều sử dụng là Sulpistad 150mg/ngày (tức 1/2 liều). Nếu người bệnh có độ thanh thải Creatinin khoảng từ 10 - 30 ml/phút thì liều sử dụng là Sulpistad 100mg/ngày (tức uống 1/3 liều).

4. Cần làm gì khi uống quá liều thuốc Sulpistad

Người bệnh khi sử dụng thuốc Sulpistad quá liều sẽ có các triệu chứng kèm theo như: Người cảm thấy buồn ngủ, hôn mê, hạ huyết áptriệu chứng ngoại tháp.

Thực tế chưa có thuốc giải độc đặc hiệu. Cần phải theo dõi người bệnh trong trường hợp uống quá liều thuốc để đưa ra các biện pháp hỗ trợ, nâng đỡ thể trạng phù hợp. Trong trường hợp người bệnh có triệu chứng ngoại tháp nặng cần phải dùng các thuốc kháng Cholinergic.

5. Chống chỉ định của thuốc Sulpistad

Dưới đây là một trường hợp bệnh nhân không được phép sử dụng thuốc Sulpistad để điều trị bệnh như sau:

  • Thuốc Sulpistad không được sử dụng cho người bệnh quá mẫn hoặc có tiền sử dị ứng với Amisulprid và các thành phần tá dược khác có trong thuốc.
  • Không sử dụng thuốc Amisulprid cho các bệnh nhân bị u phụ thuộc prolactin như: Bệnh ung thư vú, u prolactin tuyến yên.
  • Không sử dụng thuốc cho bệnh nhân bị u tế bào ưa crôm.
  • Thuốc Amisulprid tránh sử dụng cho trẻ em <15 tuổi.
  • Không sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.
  • Không sử dụng thuốc Amisulprid phối hợp với các thuốc sau: Thuốc Quinidin, Disopyramid, Procainamid, Amiodaron, Sotalol, Bepridil, Cisaprid, Sultoprid, Thioridazin, Erythromycin tiêm tĩnh mạch, Vincamin tiêm tĩnh mạch, Halofantrin, Pentamidin, Sparfloxacin, Levodopa. Vì như thế sẽ gây ra xoắn đỉnh tim cho người bệnh, gây nguy hiểm.

6. Tương tác thuốc Sulpistad

Đã có các báo cáo chống chỉ định phối hợp thuốc Sulpistad với các loại thuốc sau đây:

  • Không sử dụng thuốc Sulpistad kết hợp với các thuốc chống loạn nhịp nhóm Ia như: Thuốc Quinidin, Disopyramid, Procainamid.
  • Thuốc Sulpistad không kết hợp với thuốc chống loạn nhịp nhóm III như: Thuốc Amiodaron, Sotalol.
  • Không được kết hợp sử dụng với các thuốc như: Thuốc Bepridil, Cisaprid, Sultoprid, Thioridazin, Erythromycin tiêm tĩnh mạch, Vincamin tiêm tĩnh mạch, Halofantrin, Pentamidin, Sparfloxacin.
  • Khi sử dụng thuốc Sulpistad điều trị bệnh không được dùng kết hợp với thuốc Levodopa.
  • Trong quá trình sử dụng thuốc người bệnh không được uống rượu. Vì thuốc Amisulprid sẽ làm tăng tác dụng của rượu trên thần kinh trung ương.
  • Cần thận trọng khi phối hợp thuốc Sulpistad với các thuốc làm tăng nguy cơ gây xoắn đỉnh tim. Các thuốc làm chậm nhịp tim như: Thuốc chẹn thụ thể Beta, thuốc chẹn kênh Calci như Diltiazem, Verapamil, Clonidin, Guanfacin, Digitalis. Các thuốc gây hạ kali huyết như: Thuốc lợi tiểu làm hạ kali huyết, thuốc kích thích nhuận tràng, Amphotericin B tiêm tĩnh mạch, Glucocorticoid, Tetracosatid. Các thuốc an thần kinh như: Thuốc Pimozid, Haloperidol, Imipramin, Lithium.
  • Người bệnh khi đang dùng thuốc Sulpistad cần cân nhắc khi phối hợp với các loại nhóm thuốc sau: Nhóm thuốc ức chế thần kinh trung ương (thuốc kháng histamin H1 gây buồn ngủ, thuốc an thần, thuốc mê, thuốc giảm đau, các thuốc chống lo âu khác, barbiturat, benzodiazepin), nhóm thuốc hạ huyết áp, nhóm chất chủ vận Dopamin (như levodopa). Vì các nhóm thuốc này sẽ vì làm giảm tác dụng của Amisulprid.

7. Thuốc Sulpistad gây ra những tác dụng phụ nào?

Trong quá trình sử dụng thuốc Sulpistad, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như:

Những tác dụng thường gặp:

  • Mất ngủ.
  • Lo âu.
  • Kích động.

Tác dụng ít gặp:

  • Ngủ gà.
  • Táo bón, ỉa chảy, buồn nôn, nôn ói
  • Khô miệng.

Các tác dụng không mong muốn khác:

  • Tăng prolactin huyết tương.
  • Tăng trọng.
  • Rối loạn trương lực cấp tính như: Vẹo cổ, xoay mắt, cứng khít hàm.
  • Các triệu chứng ngoại tháp: Tăng tiết nước bọt, run, giảm vận động, nằm ngồi không yên.
  • Rối loạn vận động muộn.
  • Giảm huyết áp, kéo dài đoạn QT, chậm nhịp tim.
  • Phản ứng dị ứng, tăng enzym gan, hội chứng thần kinh ác tính (rất hiếm gặp).

Thông thường các trường hợp tác dụng phụ của thuốc xảy ra đều sẽ được giảm dần và mất đi khi người bệnh ngưng dùng thuốc Sulpistad. Nhưng nếu thấy xuất hiện một trong các tác dụng phụ không muốn này thì cần phải thông báo cho bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời can thiệp, cải thiện.

8. Chú ý đề phòng khi sử dụng thuốc Sulpistad

Trong quá trình sử dụng thuốc Sulpistad để điều trị bệnh người bệnh cần chú ý những điều sau:

  • Khi sử dụng thuốc điều trị phải ngưng dùng tất cả các loại thuốc tâm thần nếu xảy ra hội chứng thần kinh ác tính như: Sốt cao, cứng cơ, không ổn định, tăng CPK,...Đặc biệt trong trường hợp bị sốt cao khi sử dụng thuốc ở liều cao.
  • Cần thận trọng sử dụng thuốc Sulpistad cho người bệnh có tiền sử động kinh. Vì thành phần Amisulprid trong thuốc sẽ làm hạ thấp ngưỡng động kinh.
  • Đối với bệnh nhân Parkinson chỉ dùng thuốc Sulpistad để điều trị khi thật sự cần thiết. Vì thuốc sẽ làm cho tình trạng bệnh Parkinson xấu đi.
  • Trong trường hợp trình trạng người bệnh muốn ngưng sử dụng thuốc, cần phải giảm liều dần dần, tránh ngưng dùng một cách đột ngột.
  • Đối với người bệnh bị bệnh chậm nhịp tim < 55 nhịp/phút, giảm kali huyết, đoạn QT kéo dài bẩm sinh. Cần thận trọng khi sử dụng thuốc vì Amisulprid sẽ làm kéo dài đoạn QT, có nguy cơ gây loạn nhịp thất nặng như xoắn đỉnh tim cho người bệnh.
  • Cần lưu ý khi sử dụng thuốc cho người bệnh có nghề nghiệp lái xe, vận hành máy móc. Vì Amisulprid làm ảnh hưởng đến phản xạ, nên có ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
  • Chú ý để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em.

Lưu ý: Thuốc Sulpistad là dòng thuốc kê theo đơn của bác sĩ, người bệnh không tự ý dùng thuốc Sulpistad.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe