Hen suyễn và ung thư phổi đều là những bệnh lý liên quan đến đường hô hấp nhưng hai bệnh lý này có cơ chế và nguyên nhân phát triển khác nhau. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, những người mắc hen suyễn kéo dài có nguy cơ cao phát triển thành ung thư phổi. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa hen suyễn và ung thư phổi.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK I Tô Kim Sang - Bác sĩ Nội Ung bướu tại Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Tổng quan về hen suyễn và ung thư phổi
1.1. Bệnh hen suyễn là gì?
Bệnh hen suyễn (còn gọi là hen phế quản) là một tình trạng bệnh lý phổi mạn tính biểu hiện bởi tình trạng viêm mạn tính, tắc nghẽn đường thở. Tình trạng viêm này thường được kích thích bởi các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn hoặc ô nhiễm không khí, dẫn đến các cơn hen suyễn khi bệnh nhân tiếp xúc với những tác nhân này.
1.2. Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi là bệnh lý liên quan đến tình trạng viêm đường hô hấp, góp phần phát triển các khối u. Một số nghiên cứu đã phát hiện rằng, viêm mạn tính do hen suyễn có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi do tình trạng viêm trong niêm mạc phế quản của bệnh nhân hen suyễn, và tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các tế bào ung thư. Một nghiên cứu phân tích tổng hợp trên 24 nghiên cứu và hơn 1 triệu bệnh nhân cho thấy rằng những người mắc bệnh hen suyễn có tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, chủ yếu là ung thư phổi loại tế bào gai. Nguy cơ mắc ung thư phổi chủ yếu xảy ra ở những người mắc bệnh hen suyễn không được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nhiều yếu tố khác như hút thuốc, di truyền và môi trường sống cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư phổi. Do đó, việc theo dõi sức khỏe và điều trị hen suyễn một cách hiệu quả là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ này.
2. Các triệu chứng thể hiện mối liên hệ giữa hen suyễn và ung thư phổi
2.1. Triệu chứng của bệnh hen suyễn nặng
Các triệu chứng của hen suyễn nặng thường bao gồm:
- Ho kéo dài.
- Khó thở.
- Khò khè (tiếng thở có âm thanh).
- Tức ngực.
Ngoài ra, người mắc hen suyễn nặng có thể gặp thêm các dấu hiệu như:
- Thở nhanh.
- Thay đổi nhịp tim.
- Căng cơ vùng đầu và cổ khi ho hoặc cố gắng hít thở thêm không khí.
2.2. Triệu chứng của ung thư phổi
Ung thư phổi chủ yếu chia thành hai loại là ung thư phổi loại tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ có các loại ung thư thường gặp nhất là ung thư biểu mô tuyến (chiếm khoảng 85% trường hợp) và ung thư tế bào gai, ung thư phổi tế bào nhỏ thường ảnh hưởng đến khoảng 15% bệnh nhân và phát triển rất nhanh.
Người mắc hen suyễn nặng có nguy cơ cao hơn mắc ung thư phổi, đặc biệt là ung thư phổi không tế bào nhỏ (loại carcinôm tế bào gai).
Các triệu chứng của ung thư phổi có thể bao gồm:
- Ho kéo dài hoặc trở nên nặng hơn.
- Đau ngực.
- Khó thở.
- Ho ra máu.
- Cảm thấy mệt mỏi cực độ.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, người bệnh nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Một số triệu chứng của ung thư phổi khá giống với các dấu hiệu của bệnh hen suyễn, khiến nhiều người có thể nhầm lẫn giữa hen suyễn và ung thư phổi. Do đó, bệnh nhân hen suyễn cần thông báo nhanh chóng với bác sĩ khi có những biểu hiện mới đáng lo ngại.
3. Sàng lọc ung thư phổi
Hiện nay, các đối tượng được khuyến nghị sàng lọc ung thư phổi bao gồm các yếu tố sau đây:
- Có lịch sử hút thuốc tương đương với 20 gói-năm hoặc hơn.
- Hiện đang hút thuốc hoặc đã từng hút trong vòng 15 năm qua.
- Thuộc độ tuổi từ 50 đến 80.
Tuy nhiên, việc đánh giá nguy cơ mắc ung thư phổi có thể khác nhau tùy theo từng cá nhân. Vì vậy, bệnh nhân nên dựa trên tình trạng sức khỏe cá nhân để đưa ra quyết định phù hợp và tuân theo các khuyến nghị của bác sĩ. Bệnh nhân cũng nên thảo luận với bác sĩ nếu gia đình có tiền sử mắc ung thư phổi.
4. Làm thế nào để giảm nguy cơ ung thư phổi khi bị hen suyễn nặng?
- Theo dõi triệu chứng của bản thân một cách cẩn thận: Người có triệu chứng ung thư phổi không được kiểm soát tốt có nguy cơ cao phát triển ung thư phổi so với những người có hen suyễn được kiểm soát tốt. Do đó, kiểm soát tốt triệu chứng hen suyễn có thể giúp giảm nguy cơ tổn thương mô phổi.
- Hạn chế hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc từ người khác.
- Đảm bảo môi trường sống an toàn: Khí radon có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Vì thế, hãy kiểm tra nhà ở và môi trường xung quanh để xác định khí radon và có cách xử lý kịp thời để bảo môi trường sống.
- Giảm thiểu tiếp xúc với các chất gây ung thư tại nơi làm việc: Khí thải từ động cơ diesel là một ví dụ mọi người cần hạn chế tiếp xúc để giảm thiểu nguy cơ ung thư phổi.
- Chế độ ăn lành mạnh: Bổ sung hoa quả và rau vào chế độ ăn hàng ngày. Những thực phẩm này chứa các hợp chất mạnh mẽ có tính chất bảo vệ như bông cải xanh, cà tím, bắp cải, cải bắp có chứa sulforaphane, giúp giảm nguy cơ ung thư. Ngoài ra, các loại rau xanh lá như cải xanh cũng giàu axit folic giúp phòng ngừa bệnh. Hãy ăn thêm thực phẩm màu cam như cam, quýt, đào, đu đủ, ớt chuông đỏ và cà rốt, vì những thực phẩm này chứa beta-cryptoxanthin một chất sắc tố được biết đến với khả năng chống ung thư.
- Thực hiện các hoạt động thể chất thường xuyên phù hợp với khả năng: Tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về các bài tập nhẹ nhàng không gây khó thở.
Bài viết trên đã cho thấy mối liên hệ giữa bệnh hen suyễn và ung thư phổi thông qua các triệu chứng. Đồng thời, những người bị bệnh hen suyễn nặng có nguy cơ chẩn đoán mắc ung thư phổi cao. Vì thế, hãy khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ chế độ sống khoa học để giảm nguy cơ mắc ung thư phổi, đảm bảo một cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.