Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu và cách ngăn ngừa bệnh

Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu là một câu hỏi khiến nhiều bệnh nhân lo lắng khi đối mặt với căn bệnh đáng sợ này. Việc tìm hiểu về nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh sẽ giúp chúng ta có thể chủ động hạn chế rủi ro và phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc tầm soát và sàng lọc ung thư đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Tô Kim Sang, chuyên ngành Nội Ung bướu, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. Tổng quan về ung thư biểu mô tuyến phổi

Trước khi tìm hiểu ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu, mọi người cần biết về căn bệnh ung thư biểu mô tuyến phổi. Ung thư phổi thường bắt nguồn từ lớp biểu mô, được gọi là carcinôm phổi. 

Ung thư biểu mô tuyến phổi (thuộc loại ung thư phổi không tế bào nhỏ) là một trong những loại ung thư phổi thường gặp. Biểu hiện của bệnh rất đa dạng, từ không có triệu chứng (chỉ được phát hiện qua phim ảnh) đến khó thở, ho, thậm chí là ho ra máu. 

Hầu hết các trường hợp ung thư phổi đều liên quan đến hút thuốc lá. Chính vì thế, không hút thuốc hoặc bỏ hút thuốc lá là cách giúp phòng tránh căn bệnh này hiệu quả.

2. Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu? 

Ung thư biểu mô tuyến phổi là một loại bệnh ác tính có tiên lượng xấu so với nhiều loại ung thư khác ở cùng giai đoạn (ví dụ như: ung thư da, ung thư vú…). Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, khả năng sống sót lâu dài vẫn có thể cao.

Thực tế, hầu hết các trường hợp ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn muộn, do chương trình sàng lọc chưa triển khai đầy đủ và sự chủ quan trong quá trình kiểm tra, điều trị của bệnh nhân. Chính vì thế, tỷ lệ sống sót và hiệu quả điều trị thường rất thấp (dưới 1 - 2 năm). 

Với những trường hợp phát hiện ở giai đoạn sớm, khoảng 40 - 50% bệnh nhân có thể sống sót sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Trong khi đó, với những trường hợp phát hiện muộn, hơn 85% bệnh nhân sẽ qua đời sau 5 năm từ khi biết mình mắc bệnh.

Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh.
Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh.

Phương pháp điều trị ung thư phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, loại mô ung thư và điều kiện kinh tế. Các phương pháp bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm trúng đích. 

Sự kết hợp giữa các phương pháp điều trị đã cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót của bệnh nhân trong những năm gần đây. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng, do đó, bác sĩ và bệnh nhân cần thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định điều trị

Dù ở giai đoạn nào, sau khi điều trị, việc tuân thủ lịch tái khám đều đặn là rất quan trọng để theo dõi tác dụng phụ của điều trị và phát hiện sớm các tình huống tái phát.

3. Triệu chứng 

Triệu chứng của ung thư biểu mô tuyến phổi có thể không xuất hiện rõ ràng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể có các triệu chứng sau:

Ho dai dẳng và ra máu những triệu chứng của bệnh ung thư biểu mô tuyến phổi.
Ho dai dẳng và ra máu những triệu chứng của bệnh ung thư biểu mô tuyến phổi.
  • Khó thở.

  • Ho dai dẳng.

  • Ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu.

  • Viêm phổi tái đi tái lại.

  • Chán ăn và sụt cân không rõ nguyên nhân.

  • Suy dinh dưỡng và suy nhược.

  • Triệu chứng tại các cơ quan khác (trong trường hợp ung thư di căn).

4. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh 

Nguyên nhân chính của ung thư phổi thường liên quan đến hút thuốc lá, cả hút chính và hít phụ.
Nguyên nhân chính của ung thư phổi thường liên quan đến hút thuốc lá, cả hút chính và hít phụ.

Hiểu rõ về nguyên nhân và yếu tố gây bệnh ung thư biểu mô tuyến phổi sẽ giúp chúng ta có thể chủ động phòng ngừa và hạn chế rủi ro mắc bệnh một cách hiệu quả.

Ở thời điểm hiện tại, nguyên nhân cụ thể gây bệnh ung thư biểu mô tuyến phổi vẫn chưa được xác định rõ ràng. Những nghiên cứu trước đây cho thấy có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh bao gồm: 

  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra 80 - 90% trường hợp ung thư biểu mô phổi.

  • Tiếp xúc với các chất gây ung thư: Tiếp xúc sớm và liên tục với các chất gây ung thư như amiang, bụi gỗ, khói than.

  • Tiền sử bệnh của gia đình: Khi một người có nhiều người thân trong gia đình (cha mẹ, anh chị em ruột) mắc bệnh, nguy cơ mắc ung thư phổi của người đó có thể tăng lên.

  • Tiền căn xạ trị vùng ngực: Tiền căn xạ trị vùng ngực, đặc biệt là khi còn trẻ, cũng được xem là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.

5. Cách phòng ngừa bệnh ung thư biểu mô tuyến phổi

Để phòng ngừa ung thư biểu mô tuyến phổi, biện pháp hiệu quả nhất cho đến thời điểm hiện tại là tránh xa khói thuốc lá, kể cả hút chủ động hay thụ động. Ngoài ra, mọi người cần cẩn trọng với khói củi, khói than, mùi hóa chất, và khí xăng dầu, tất cả đều có nguy cơ gây ra loại ung thư này. Các nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với các chất hóa học độc hại cũng cần tuân thủ các quy tắc an toàn lao động.

Đối với những người có thói quen hút thuốc lá trong thời gian dài nên sàng lọc ung thư phổi theo hướng dẫn của bác sĩ. Đây là một phương pháp có thể giúp phát hiện sớm ung thư, giúp việc điều trị có thể mang lại hiệu quả cao nhất. 

Tóm lại, ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn của bệnh, tình trạng sức khoẻ bệnh nhân, phản ứng với điều trị,... Tuy nhiên, do nhiều bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn cuối, lựa chọn điều trị thường bị hạn chế. Vì thế, mọi người cần chú ý sức khỏe và tầm soát ung thư sớm để được điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe