"Bệnh ung thư phổi sống được bao lâu?" là thắc mắc của nhiều bệnh nhân và gia đình khi đối mặt với chẩn đoán nghiêm trọng này. Ung thư phổi giai đoạn tiến xa di căn là thời điểm bệnh đã lan rộng khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn và tỷ lệ sống sót thấp. Bài viết dưới đây sẽ giúp mọi người có cái nhìn rõ hơn về tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn tiến xa di căn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK I Tô Kim Sang - Bác sĩ Nội Ung bướu tại Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Ung thư phổi giai đoạn tiến xa di căn là gì
Giai đoạn tiến xa di căn (hay còn gọi là ung thư giai đoạn trễ) của ung thư phổi là khi tế bào ung thư đã lan rộng ra khỏi phổi, di căn đến các cơ quan khác như phổi đối bên, não, gan, xương và tuyến thượng thận hoặc lan đến các hạch bạch huyết ở xa so với u phổi ban đầu. Trong giai đoạn này, khả năng điều trị bệnh khỏi hoàn toàn không còn và các biện pháp can thiệp chủ yếu nhằm kéo dài sự sống, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm bớt các triệu chứng cho bệnh nhân.
Theo hướng dẫn của Ủy ban Liên hợp về Ung thư Hoa Kỳ (AJCC), phiên bản thứ 8, ung thư phổi không tế bào nhỏ được phân loại theo ba yếu tố chính: T (Tumor) chỉ vị trí và kích thước, mức độ xâm lấn của khối u, N (Node) cho biết tình trạng di căn đến các hạch bạch huyết lân cận và M (Metastasis) đánh giá tình trạng di căn xa đến các cơ quan khác hoặc các hạch bạch huyết ngoài vùng. Ung thư phổi được phân loại từ giai đoạn 0 đến IV, trong đó ung thư phổi giai đoạn IV là các ung thư đã có tình trạng di căn, cụ thể như sau:
- Giai đoạn IVA: Có di căn đến phổi đối bên, màng phổi, màng ngoài tim hoặc có tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng ngoài tim ác tính hoặc di căn đến một vị trí hoặc cơ quan ở ngoài lồng ngực.
- Giai đoạn IVB: Di căn đến nhiều vị trí hoặc cơ quan cụ thể ngoài lồng ngực.
Vậy bệnh ung thư phổi sống được bao lâu?
2. Bệnh ung thư phổi sống được bao lâu?
Trong trường hợp ung thư phổi giai đoạn tiến xa di căn, tại thời điểm hiện tại, khả năng điều trị khỏi hoàn toàn bệnh là không còn. Mục đích của việc điều trị chủ yếu là giảm bớt đau đớn, cải thiện chất lượng cuộc sống, ngăn chặn sự phát triển của bệnh và kéo dài thêm thời gian sống cho người bệnh.
Nhờ những tiến bộ trong các phương pháp điều trị mới, tuổi thọ của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn tiến xa di căn đã được nâng cao đáng kể. Thời gian sống còn có thể được kéo dài vài năm sau khi chẩn đoán. Tuổi thọ của bệnh nhân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe tổng thể, loại giải phẫu và đặc điểm lâm sàng của ung thư, các đột biến gene, cách thức và hiệu quả của điều trị, các bệnh kèm theo, tâm lý và mức độ tuân thủ điều trị của người bệnh.
Theo nhiều số liệu, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa di căn là vào khoảng 8%. Tuy nhiên, nếu không áp dụng các phương pháp đặc hiệu thì trung bình người bệnh thường chỉ có thể sống khoảng 7 tháng đến 1 năm.
3. Triệu chứng ung thư phổi giai đoạn tiến xa di căn
Các dấu hiệu của bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa di căn có thể bao gồm:
- Ho kéo dài hoặc tái phát, tình trạng có thể kéo dài hoặc trở nặng hơn, không giảm dù đã được điều trị khiến cho người bệnh luôn mệt mỏi và khó chịu. Người bệnh có thể ho ra máu như có máu trong đờm hoặc máu chảy từ họng.
- Đau ngực liên tục, khó thở thường xuyên. Bệnh nhân cảm thấy đau tức và khó thở ngay cả khi nằm nghỉ hoặc đôi khi cần dùng máy hỗ trợ hô hấp để giảm triệu chứng.
- Mệt mỏi, chán ăn và giảm cân. Các triệu chứng suy nhược cơ thể như giảm khối lượng cơ và xương có thể xảy ra và không hồi phục, dẫn đến tình trạng suy kiệt ngày càng nghiêm trọng của người bệnh.
Tùy vào vị trí và mức độ xâm lấn của khối u, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng khác như:
- Đau ngực, đau xương sườn, đau vai, và đau lưng do khối u xâm lấn vào thành ngực và cột sống;
- Khó nuốt, nghẹn do khối u xâm nhập vào thực quản;
- Khàn tiếng do khối u xâm lấn thần kinh quặt ngược thanh quản.
Các triệu chứng do di căn bao gồm:
- Tràn dịch màng phổi hoặc màng ngoài tim do tế bào ung thư lan đến các màng này, gây ứ dịch và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp hoặc chèn ép tim;
- Di căn não gây yếu liệt tay chân, đau đầu, nôn, mất thăng bằng, co giật;
- Di căn xương gây đau lưng, đau cột sống, gãy xương, chèn ép tủy sống hoặc tăng canxi máu;
- Di căn gan gây đau vùng hạ sườn phải, tràn dịch bụng, vàng da hoặc tình trạng lú lẫn, hôn mê.
4. Điều trị ung thư phổi giai đoạn tiến xa di căn
Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn tiến xa di căn thường phải đối mặt với nhiều triệu chứng khó chịu về thể chất từ bản thân căn bệnh như đau nhức, khó thở, suy nhược cơ thể cùng với những tác dụng phụ và biến chứng từ các phương pháp điều trị. Họ cũng trải qua những khó khăn về mặt tâm lý, xã hội. Do đó, cần có một chiến lược chăm sóc toàn diện, tích hợp các phương pháp điều trị ung thư và chăm sóc giảm nhẹ.
Những phương pháp chính trong điều trị ung thư phổi giai đoạn tiến xa di căn có thể kể đến bao gồm sử dụng thuốc trên toàn thân như hóa trị, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm trúng đích. Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, các phương pháp điều trị hiện đại đã giúp cải thiện đáng kể tuổi thọ của bệnh nhân.
- Hóa trị: Sử dụng các loại thuốc hóa học, qua đường truyền tĩnh mạch hoặc uống, tác động đến tế bào ung thư theo nhiều cơ chế khác nhau. Hóa trị được tiến hành theo chu kỳ, với thời gian nghỉ giữa các chu kỳ để bệnh nhân có thời gian hồi phục.
- Liệu pháp nhắm trúng đích: Thuốc nhắm vào các đột biến gen cụ thể trong tế bào ung thư. Việc xét nghiệm gen cần thiết để xác định liệu pháp phù hợp cho từng bệnh nhân.
- Liệu pháp miễn dịch: Tăng cường khả năng của hệ miễn dịch nhận diện và tấn công tế bào ung thư. Liệu pháp này có thể được dùng độc lập hoặc kết hợp với hóa trị. Các liệu pháp điều trị mới như liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch sẽ giúp giảm các tác dụng phụ liên quan đến hoá trị cho người bệnh, giúp cải thiện thời gian sống còn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Một số loại thuốc mới cho hiệu quả vượt trội trên thời gian sống còn của người bệnh.
- Xạ trị: Dùng trong các trường hợp cụ thể để giảm triệu chứng hoặc điều trị biến chứng, ví dụ như xạ trị giảm đau, xạ trị chống chèn ép tủy, và xạ trị trong các hội chứng chèn ép mạch máu chủ…
- Chăm sóc giảm nhẹ: Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chăm sóc giảm nhẹ là nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân và gia đình họ bằng cách giảm thiểu và ngăn ngừa khổ đau thông qua việc nhận biết sớm, đánh giá toàn diện và điều trị các vấn đề liên quan đến bệnh. Đồng thời, chăm sóc giảm nhẹ giúp giảm các triệu chứng cho người bệnh như giảm đau, giảm khó thở, giảm buồn nôn, nôn ói, giảm chán ăn,... nhằm nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Đôi khi, bệnh nhân không thể tiếp tục các phương pháp điều trị đặc hiệu hoặc chọn không điều trị do tình trạng đã quá yếu hoặc suy kiệt. Trong những trường hợp này, điều trị tập trung vào chăm sóc giảm nhẹ để giảm đau và cải thiện chất lượng đời sống hằng ngày của bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.