Viêm tụy hoại tử là biến chứng nguy hiểm của viêm tụy cấp, xảy ra khi các tế bào tụy bị chết do viêm và có thể bị nhiễm trùng. Tình trạng này do men tụy hoạt hóa ngay trong lòng tuyến thay vì đổ vào ống tiêu hóa, gây tổn thương mô. Vi khuẩn xâm nhập vào mô chết, dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Viêm tụy hoại tử là gì?
Tuyến tụy, bộ phận nằm sau dạ dày, đảm nhận vai trò sản xuất các enzym hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Khi tuyến tụy hoạt động bình thường, những enzym này được vận chuyển qua ống dẫn chuyên biệt đến ruột non. Tuy nhiên, khi tuyến tụy bị viêm, các enzym có thể rò rỉ ra ngoài, gây tổn thương mô tụy.
Viêm tụy cấp thường do hai nguyên nhân chính: lạm dụng rượu bia và sỏi mật. Sỏi mật thường do cholesterol tích tụ, hình thành trong túi mật.
Ngoài sỏi mật và lạm dụng rượu bia, viêm tụy còn có thể do một số yếu tố khác như:
- Chấn thương ở tuyến tụy.
- Khối u trong tuyến tụy.
- Nồng độ canxi và triglyceride trong máu cao.
- Tác dụng phụ của thuốc gây tổn thương tuyến tụy.
- Tình trạng tự miễn dịch.
- Một số bệnh di truyền, như bệnh xơ nang, có thể ảnh hưởng đến tuyến tụy.
Khi tổn thương tụy quá nặng, tình trạng thiếu hụt oxy và máu cung cấp cho các bộ phận trong tuyến tụy có thể xảy ra, dẫn đến chết mô. Do đó, việc theo dõi sức khỏe và điều trị kịp thời viêm tụy hoại tử là vô cùng quan trọng.
2. Triệu chứng
Triệu chứng nổi bật nhất của viêm tụy hoại tử là cơn đau bụng dữ dội, dai dẳng trong nhiều ngày. Vị trí đau bụng có thể xuất hiện ở các khu vực sau:
- Trước bụng.
- Vùng thượng vị.
- Đau lan ra sau lưng.
Các triệu chứng đi kèm thường gặp là:
- Chướng bụng.
- Sốt.
- Buồn nôn và nôn.
- Mất nước.
- Tụt huyết áp.
- Nhịp tim nhanh.
- Khó chịu, bí trung đại tiện.
3. Biến chứng viêm tụy hoại tử
Biến chứng viêm tụy hoại tử nguy hiểm như sau:
- Viêm tụy hoại tử nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn và nhiễm trùng huyết.
- Nhiễm trùng huyết làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan chính, gây ra sốc, đe dọa tính mạng người bệnh, dẫn đến tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn.
- Hình thành áp xe tụy.
- Gây ra suy hô hấp, rối loạn tuần hoàn và hệ tiết niệu.
- Người bệnh có thể nôn ói dịch mật hoặc dịch dạ dày, dịch này có thể kèm theo máu hoặc không.
4. Viêm tụy hoại tử có chữa khỏi được không?
Viêm tụy hoại tử có nguy hiểm không và chữa khỏi được không là thắc mắc của nhiều người. Tuy là biến chứng nguy hiểm của viêm tụy cấp, nhưng bệnh hoàn toàn có thể điều trị thành công nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Phương pháp điều trị sẽ tập trung vào kiểm soát tình trạng viêm tụy, loại bỏ mô chết và điều trị nhiễm trùng (nếu có). Nhờ vậy, cơ hội phục hồi hoàn toàn cho bệnh nhân viêm tụy hoại tử là hoàn toàn khả thi.
5. Chẩn đoán và điều trị
5.1 Phương pháp chẩn đoán
Để xác định chính xác tình trạng viêm tụy cấp hoại tử, bác sĩ sẽ thực hiện một số phương pháp sau:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ khám bụng và hỏi về các triệu chứng cụ thể mà bệnh nhân đang gặp phải.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra các chỉ số như nồng độ men tụy, kali, natri hoặc glucose, nồng độ triglyceride.
- Chẩn đoán hình ảnh: Qua siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính (CT) ổ bụng, chụp cộng hưởng từ (MRI).
Trường hợp các xét nghiệm cho thấy tuyến tụy bị hoại tử một phần, sinh thiết có thể được thực hiện để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng.
5.2 Phương pháp điều trị
Viêm tụy cấp tính hoại tử được điều trị theo hai giai đoạn: điều trị tình trạng viêm tụy và xử lý phần tụy hoại tử.
Điều trị viêm tụy:
- Truyền dịch qua tĩnh mạch.
- Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống buồn nôn và nôn.
- Nghỉ ngơi hợp lý.
- Truyền thức ăn qua đường dạ dày.
- Truyền thức ăn qua đường mũi, giúp tuyến tụy được nghỉ ngơi, giảm tiết enzym tiêu hóa.
Điều trị mô tụy hoại tử: Loại bỏ mô chết và chống nhiễm trùng
- Mô hoại tử cần được loại bỏ triệt để, trong khi mô tụy bị nhiễm trùng có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
- Bác sĩ có thể áp dụng phương pháp mổ nội soi để loại bỏ mô tụy chết. Tuy nhiên, nếu phương pháp này không mang lại kết quả như mong muốn, phẫu thuật mổ hở có thể được cân nhắc.
- Phẫu thuật viêm tụy hoại tử thường được thực hiện 3 đến 4 tuần sau khi bệnh khởi phát. Tuy nhiên, trong trường hợp sức khỏe bệnh nhân suy yếu, việc phẫu thuật loại bỏ mô chết hoặc mô bị nhiễm trùng có thể cần được thực hiện sớm hơn.
Điều trị nhiễm trùng huyết:
Viêm tụy hoại tử có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng huyết và đe dọa tính mạng bệnh nhân. Phương pháp điều trị nhiễm trùng huyết do viêm tụy hoại tử bao gồm:
- Truyền dịch tĩnh mạch.
- Sử dụng kháng sinh.
- Hỗ trợ hô hấp.
Cách tốt nhất để phòng ngừa nhiễm trùng huyết là chữa trị các triệu chứng ban đầu của nhiễm trùng.
6. Biện pháp phòng ngừa bệnh
Mặc dù không thể đảm bảo hoàn toàn việc phòng ngừa viêm tụy và các biến chứng nguy hiểm đi kèm, việc duy trì sức khỏe tuyến tụy sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là những bí quyết giúp mọi người có được một tuyến tụy khỏe mạnh:
- Hạn chế rượu bia.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Tránh ăn kiêng quá mức và bỏ bữa.
- Hạn chế các thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ.
- Tập thể dục thường xuyên tốt cho sức khỏe của cơ thể và tuyến tụy.
Viêm tụy hoại tử là tình trạng bệnh lý vô cùng nghiêm trọng, đòi hỏi sự quan tâm và điều trị y tế kịp thời. Do bản chất nguy hiểm của bệnh, việc chủ động kiểm soát diễn biến là vô cùng quan trọng. Điều trị viêm tụy càng sớm sẽ càng giúp hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng như nhiễm trùng huyết và hình thành áp xe tụy.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.