Thuốc Cefoxitin là thuốc kháng sinh được sử dụng rộng rãi trong điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn gây ra bởi những vi khuẩn nhạy cảm, hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Vậy thuốc Cefoxitin có tác dụng gì?
1. Tác dụng của thuốc Cefoxitin
Trước khi đi tìm hiểu về công dụng của thuốc Cefoxitin, chúng ta hãy cùng đi tìm câu trả lời Cefoxitin là thuốc gì? Thuốc Cefoxitin là một loại kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 2, hoạt động theo cơ chế ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn, được sử dụng trong điều trị những tình trạng nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, Cefoxitin cũng có thể được sử dụng trước và trong quá trình phẫu thuật nhằm giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Thuốc Cefoxitin có phổ tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn gram dương và gram âm nhưng mạnh hơn với những vi khuẩn kỵ khí, đặc biệt là bacteroides fragilis. Cefoxitin bền với nhiều loại beta-lactamase kể cả bacteroides spp, tuy nhiên đã xuất hiện đề kháng ở B.fragilis và có thể xảy ra đề kháng chéo với những kháng sinh khác.
Thuốc Cefoxitin được chỉ định trong điều trị các loại nhiễm khuẩn như:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới như áp xe phổi, viêm phổi,...
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
- Nhiễm khuẩn ổ bụng như áp xe ổ bụng, viêm phúc mạc
- Phụ khoa: viêm nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, viêm mô tế bào chậu (tuy nhiên Cefoxitin không có tác dụng đối với viêm vùng chậu do chlamydia trachomatis)
- Xương khớp
- Nhiễm trùng huyết
- Da và cấu trúc da
Ngoài ra, một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt, nhưng một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc Cefoxitin. Vì vậy, trước khi sử dụng thuốc hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
2. Cách sử dụng thuốc Cefoxitin
Thuốc Cefoxitin được bào chế dưới dạng bột pha tiêm do vậy đường dùng có thể là tiêm bắp sâu hoặc tiêm tĩnh mạch chậm, truyền tĩnh mạch không liên tục. Ngoài ra, đường tiêm truyền tĩnh mạch liên tục sẽ được áp dụng nếu cần một liều cao Cefoxitin. Liều lượng sử dụng thuốc sẽ dựa trên tình trạng bệnh và độ tuổi của người bệnh.
- Đối với trường hợp nhiễm trùng nhẹ và không có biến chứng: 1gram tiêm tĩnh mạch chậm trong 6-8 giờ và liều tối đa là 3-4gram/ngày.
- Đối với nhiễm trùng trung bình hoặc nặng: 1 gram tiêm tĩnh mạch mỗi 4 giờ hoặc 2 gram tiêm tĩnh mạch mỗi 6-8 giờ, liều tối đa từ 6-8 gram/ngày.
- Đối với hoại tử khí: nhiễm trùng thường cần được sử dụng kháng sinh ở liều cao hơn, 2 gram tiêm tĩnh mạch mỗi 4 giờ đồng hồ hoặc 3 gram tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ, liều tối đa là 12 gram/ngày.
- Dự phòng trong phẫu thuật:
- Phẫu thuật mổ ruột thừa hoặc cắt bỏ tử cung sử dụng liều từ 1-2 gram tiêm tĩnh mạch.
- Trường hợp nội tạng bị vỡ sử dụng liều từ 1-2 gram tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ.
- Suy thận:
- Với độ thanh thải từ 30-50ml/phút sử dụng liều từ 1-2 gram trong mỗi 8-12 giờ.
- Với độ thanh thải từ 10-30ml/phút sử dụng liều từ 1-2 gram trong mỗi 12-24 giờ.
- Với độ thanh thải từ 5-9ml/phút sử dụng liều từ 500 mg - 1 gram trong mỗi 24-28 giờ.
- Với độ thanh thải dưới 5ml/phút sử dụng liều từ 500 mg - 1 gram trong mỗi 24-48 giờ.
- Đối với trẻ em điều trị tình trạng nhiễm trùng tiêm tĩnh mạch 80-160 mg/kg/ngày và chia ra mỗi 4-6 giờ, liều lượng cao hơn chỉ nên dùng điều trị khi nhiễm trùng nặng hơn. Dự phòng phẫu thuật dùng liều từ 30-40mg/kg tiêm 30-60 phút trước khi phẫu thuật và 30-40mg/kg mỗi 6 giờ trong 24 giờ sau đó. Trẻ bị suy thận điều chỉnh liều lượng như ở người lớn.
3. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Cefoxitin
Thuốc Cefoxitin có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong và thường gặp có thể kể đến như:
- Phản ứng tại chỗ như mềm cơ, đau cơ, co cứng cơ khi tiêm bắp hoặc viêm tắc tĩnh mạch huyết khối khi tiêm tĩnh mạch.
- Dị ứng: có cảm giác khó thở, nổi ban da, ban đỏ, nổi mề đay, viêm da tróc vảy, ngứa, tăng bạch cầu ái toan, sốt,... Phản ứng quá mẫn như phù mạch, shock phản vệ, hoại tử thượng bì nhiễm độc hiếm khi xảy ra.
- Hạ huyết áp
- Tiêu hoá: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, viêm đại tràng màng giả
- Máu: giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu, thiếu máu bao gồm thiếu máu tán huyết, suy tủy xương, chứng tan máu, thời gian prothrombin kéo dài.
- Tại gan: vàng da, tăng transaminase
- Thận: tăng creatinin huyết tương, tăng ure huyết, nhiễm độc tại thận, viêm thận kẽ và giảm niệu ít xảy ra.
- Bệnh nhược cơ như yếu cơ, khó nhai, thay đổi thị lực, khó nuốt, khó thở.
4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Cefoxitin
Một số lưu ý khi sử dụng Cefoxitin bao gồm:
- Thông báo tiền sử dị ứng với Cefoxitin phản ứng quá mẫn với bất kỳ dị ứng nào khác cụ thể là những kháng sinh nhóm cephalosporin nói riêng và beta-lactam nói chung. Cefoxitin có thể chứa các thành phần của thuốc không hoạt động và có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.
- Thông báo các loại thuốc bạn đang sử dụng bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng, các loại thực phẩm, thuốc nhuộm hay chất bảo quản.
- Thận trọng sử dụng thuốc Cefoxitin cho những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicillin, đặc biệt là phản ứng quá mẫn như phù mạch, shock phản vệ, nổi mề đay hoặc có tiền sử về bệnh đường tiêu hoá như viêm đại tràng, có tiền sử rối loạn co giật ở mức độ cao, suy giảm chức năng thận.
- Đối với trẻ trên 3 tháng tuổi nếu dùng liều lượng cao hơn khuyến có có liên quan tăng tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu ái toan và tăng AST.
- Đối với người cao tuổi do thuốc đào thải qua thận mà người cao tuổi lại dễ bị suy giảm chức năng thận.
- Không nên sử dụng thuốc trong thời gian dài bởi vì có thể dẫn tới bội nhiễm nấm hoặc vi khuẩn. Những triệu chứng có thể xuất hiện bao gồm tiêu chảy, viêm đại tràng giả mạc có liên quan tới C.difficile (đã ghi nhận trường hợp khi điều trị sau phẫu thuật trên 2 tháng).
- Thuốc Cefoxitin có đi qua nhau thai nhưng hiện nay chưa ghi nhận các kết quả chứng minh tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh lớn hoặc những tác dụng bất lợi khác mà thai nhi hoặc mẹ sau khi sử dụng. Cefoxitin còn là một trong những loại kháng sinh được khuyến cáo sử dụng dự phòng trước khi tiến hành sinh mổ.
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc Cefoxitin, hãy thông báo ngay với nhân viên y tế để được bổ sung lại trong thời gian càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu thời điểm bạn nhớ ra gần với thời điểm của liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và tiêm thuốc như lịch trình ban đầu. Không được sử dụng với lượng thuốc nhiều hơn so với phác đồ điều trị. Sử dụng thuốc quá liều Cefoxitin hoặc nuốt phải có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng như buồn nôn, nôn, đau bụng, khó thở, ngất đi,...
5. Tương tác thuốc
Một số loại thuốc có thể gây tương tác với Cefoxitin bao gồm:
- Thuốc Cefoxitin có thể làm giảm hiệu quả của việc tiêm chủng vaccine BCG và BCG trị liệu, vaccine dịch tả, vaccine thương hàn (cần hoãn sử dụng vaccine thương hàn ít nhất 3 ngày và vaccine dịch tả trong vòng 14 ngày kể từ khi sử dụng kháng sinh), lactobacillus, natri picosulfat và estriol.
- Thuốc Cefoxitin có thể làm tăng tác dụng của sminoglycosid (tăng tính độc tại thận), thuốc đối kháng vitamin K như warfarin làm tăng đông máu.
- Probenecid có thể làm tăng nồng độ trong huyết thanh của cephalosporin.
6. Cách bảo quản thuốc Cefoxitin
Bảo quản thuốc Cefoxitin với dạng bột pha tiêm ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C, tránh ánh sáng và tránh những nơi ẩm ướt. Không bảo quản Cefoxitin ở nơi ẩm thấp hay trong ngăn đá và tránh xa nguồn nhiệt và ngọn lửa. Mỗi loại thuốc khác nhau sẽ có những cách bảo quản khác nhau, vì vậy hãy đọc kỹ hướng dẫn bảo quản thuốc Cefoxitin trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Để thuốc Cefoxitin tránh xa tầm với của trẻ em và thú nuôi trong gia đình. Khi thuốc đã quá hạn sử dụng hoặc đã bị hỏng không thể dùng được nữa hãy vứt bỏ và xử lý thuốc đúng quy trình.
Để sử dụng thuốc an toàn hãy sử dụng thuốc Cefoxitin theo đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, không sử dụng quá liều, nhỏ hơn hoặc lâu hơn so với chỉ định. Sử dụng thuốc Cefoxitin thường xuyên để có được nhiều lợi ích nhất từ nó và có thể ngưng dùng thuốc nếu thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào mới xuất hiện hay tình trạng bệnh không bớt sau 7 ngày. Người bệnh tuyệt đối không lạm dụng thuốc quá lâu trong thời gian dài. Điều này không làm cho tình trạng bệnh của bệnh nhân được tiến triển tốt hơn mà còn làm tăng nguy cơ mắc phải những tác dụng không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.