Gót chân bị đau nhói, vì sao?

Đau gót chân là một tình trạng phổ biến, có thể gây đau nhói, âm ỉ, bỏng rát và làm cho việc đi lại trở nên khó khăn, hạn chế vận động. Tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý liên quan đến xương khớp. Vì thế, hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến gót chân bị đau là gì thông qua bài viết dưới đây.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Biểu hiện bị đau gót chân

Đau gót chân là một tình trạng khá phổ biến, có thể gây ra cảm giác đau nhói, âm ỉ, bỏng rát, khó khăn khi đi lại hoặc đi khập khiễng, đặc biệt khi di chuyển hoặc vận động mạnh.  

Xương gót chân, nằm ở vùng mu bàn chân dưới mắt cá chân cùng với các mô xung quanh, có vai trò tạo sự cân bằng và chuyển động từ bên này sang bên kia của bàn chân. Khi các cấu trúc xương hoặc các dây thần kinh ở bàn chân hay mắt cá chân bị nhiễm trùng hoặc chấn thương, tình trạng đau gót chân sẽ xảy ra.

Trong một số trường hợp, đau gót chân có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhiều. Tuy nhiên, đôi khi cơn đau kéo dài và có thể tiến triển thành đau gót chân mãn tính.

2. Nguyên nhân gót chân bị đau

Hai nguyên nhân chính gây đau gót chân là viêm cân gan bàn chân và viêm gân gót chân. Một số nguyên nhân phổ biến khác dẫn đến tình trạng đau gót chân bao gồm:

  • Viêm gân gót chân: Còn gọi là viêm gân Achilles, liên quan đến gân lớn nhất của cơ thể, kéo dài từ bắp chân đến gót chân. Người bệnh thường cảm thấy đau thắt hoặc đau rát quanh khu vực gót chân và bắp chân, kèm theo cảm giác tê cứng ở gót. Tình trạng này có thể xảy ra khi hoạt động quá mức, không khởi động kỹ trước khi tập luyện hoặc do đi giày chật. Trong một số trường hợp hiếm gặp, gân gót chân có thể bị đứt, thường xảy ra ở những người hoạt động thể chất mạnh hoặc khi bàn chân xoay đột ngột.
  • Viêm cân gan bàn chân: Đây là tình trạng viêm ở dải cơ bám dưới lòng bàn chân. Người bệnh thường cảm thấy đau nhói dưới gót chân. Đặc biệt vào buổi sáng khi thức dậy, khi di chuyển, sử dụng lực mạnh hoặc đứng lên sau khi ngồi lâu. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng đau có thể tiến triển thành gai xương gót, một mẩu xương nhỏ nhô ra ở mặt dưới gót chân. Cân gan bàn chân cũng có thể bị rách hoặc vỡ, gây đau đột ngột kèm theo bầm tím và sưng.
  • Hội chứng ống cổ chân: Xảy ra khi dây thần kinh lớn phía sau bàn chân bị chèn ép, gây ra cảm giác bỏng rát, đau nhức, tê từ gót chân đến lòng bàn chân và các ngón chân. Người bệnh thường trải qua các cơn đau vào ban đêm.
  • Gãy xương: Xương bàn chân có thể bị gãy do vận động liên tục mà không nghỉ ngơi.
  • Bầm tím gót chân: Phần đệm của gót chân có thể xuất hiện những vết bầm gây đau, thường do tập luyện hoặc chấn thương.
  • Teo mô mỡ: Thường gặp ở người cao tuổi hoặc vận động viên chạy bộ với các triệu chứng như đau sâu và nhức giữa gót chân.
  • Sưng gót chân: Vết sưng ở phần xương nhô ra sau gót chân do bệnh nhân đi giày cứng hoặc chật.
  • Viêm bao hoạt dịch: Xảy ra khi mô mềm quanh vết sưng ở gót chân bị nhiễm trùng, gây viêm bao hoạt dịch và đau ở xương gót chân.
  • Tổn thương mắt cá chân: Mắt cá chân, dù nhỏ, chứa các dây chằng, mô mỡ, gân, dây thần kinh và mạch máu. Khi bị tổn thương, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại.

3. Điều trị bị đau gót chân

Bị đau gót chân nên làm gì? Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị đau gót chân, bao gồm:

  • Trước hết, người bệnh cần nghỉ ngơi, giữ chân bất động bằng nẹp ở tư thế trung gian và chườm túi đá tại vùng gót chân.  
  • Người gặp tình trạng gót chân bị đau nên tập các bài tập duỗi cơ cẳng chân như kéo các ngón chân về phía trước cẳng chân nhiều lần vào buổi sáng.  
  • Đi giày dép có lót đế mềm hoặc giày chỉnh hình cũng giúp giảm đau, đặc biệt khi có bất thường ở xương bàn chân.
  • Nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng, có thể sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không steroid như aspirin, meloxicam, diclofenac hoặc tiêm corticoid tại chỗ theo chỉ định của bác sĩ.
  • Để giảm sưng, giảm đau gót chân liên quan đến đau cơ bệnh nhân có thể sử dụng băng dán cố định cơ Rocktape.
  • Đối với trường hợp gót chân bị đau do viêm cân gan chân gây ra, bệnh nhân cần dùng đế chỉnh hình bàn chân để điều trị. Công cụ này giúp tái tạo vòm bàn chân và ngăn ngừa các biến chứng do bàn chân bẹt gây ra.
  • Nếu đã áp dụng các biện pháp trên nhưng không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để điều chỉnh lại cấu trúc xương gót chân.  

Trong một số trường hợp chấn thương khác gây đau gót chân vẫn có thể tự khỏi sau vài ngày nghỉ ngơi mà không cần can thiệp.

Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không steroid để điều trị cơn đau gót chân nghiêm trọng.
Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không steroid để điều trị cơn đau gót chân nghiêm trọng.

4. Các biện pháp phòng ngừa

Bất kỳ ai cũng có thể gặp phải tình trạng gót chân bị đau, vì vậy cần thực hiện một số dưới đây để phòng ngừa hiệu quả:

  • Giữ cân nặng luôn ở mức hợp lý.
  • Lựa chọn giày vừa với chân, gót hoặc đế giày không bị mòn.
  • Nếu dễ gặp phải tình trạng gót chân bị đau, hãy ngồi thay vì đứng.
  • Trước khi chơi thể thao nên khởi động đúng cách để giảm áp lực lên gót chân.
  • Mang giày phù hợp với từng môn thể thao.

Tóm lại, đau gót chân là tình trạng phổ biến với nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, khi bị đau gót chân, nên đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định nguyên nhân đau gót chân và có biện pháp điều trị phù hợp. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe