Viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay (Hội chứng De Quervain) là tình trạng viêm bao gân cơ duỗi ngắn ngón tay cái và cơ dạng dài, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 50, đặc biệt là ở người hoạt động nhiều vùng cổ tay. Bệnh lý được điều trị theo nhiều phương pháp và thực hiện các bài tập phục hồi sẽ giúp giảm các triệu chứng bệnh, đẩy nhanh quá trình phục hồi tổn thương.
1. Nguyên nhân gây viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay
Đối với người bình thường, cơ duỗi ngắn ngón cái và cơ dạng dài trượt trong hệ thống được bao bọc bởi bao hoạt dịch gân, bao hoạt dịch gân đem lại công dụng làm trơn giúp hai cơ trượt được dễ dàng. Trong trường hợp bao gân này bị viêm dẫn đến tình trạng sưng phồng lên và gây ra hiện tượng chèn ép, từ đó vận động của cơ trong đường hầm bị hạn chế. Triệu chứng như trên được gọi là viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay (Hội chứng De Quervain).
Bệnh lý thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 50 và hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây bệnh. Tuy nhiên, kết quả các nghiên cứu cho thấy viêm gân quay cổ tay có khả năng khởi phát bởi các yếu tố nguy cơ sau đây:
- Các chấn thương, va đập mạnh ở vùng cổ bàn tay
- Phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú có nguy cơ mắc bệnh cao
- Người có tính chất công việc phải hoạt động cổ tay nhiều như giáo viên, làm nông, cắt tóc, phẫu thuật, nội trợ...
- Các vi chấn thương lặp lại nhiều lần như nắm, cầm, vặn ngón cái hay cổ tay... là điều kiện thuận lợi dẫn đến viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay.
- Người mắc bệnh lý về xương khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp...
2. Triệu chứng viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay
Người bệnh mắc viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay thường có các triệu chứng như sau:
- Các cơn đau, sưng đỏ vùng mỏm trâm xương quay, cơn đau xảy ra liên tục, tăng lên vào ban đêm và khi vận động ngón cái, cổ tay. Các cơn đau nhức có thể lan lên cẳng tay và lan ra ngón cái.
- Bao gân phía ngoài mỏm trâm quay cổ tay có biểu hiện nóng đỏ và khi sờ thấy dày hơn so với bình thường, ấn thấy đau.
3. Chẩn đoán viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay
Chẩn đoán viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay dựa vào triệu chứng lâm sàng của người bệnh và kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng.
3.1. Chẩn đoán lâm sàng
Bác sĩ kiểm tra tình trạng lâm sàng của người bệnh theo những nguyên tắc sau đây:
- Kiểm tra và đánh giá cơn đau vùng mỏm trâm quay cổ tay, cơn đau có tăng lên khi vận động ngón cái, tính chất cơn đau có tăng lên về ban đêm và có lan lên vùng cẳng tay hay ngón cái không.
- Vùng mỏm trâm quay bị sưng nề
- Người bệnh có đang mang thay thai hoặc đang cho con bú
- Bao gân sưng, nóng, đỏ và khi sờ thấy dày lên
- Test Finkelstein: Được thực hiện bằng bằng cách gấp ngón cái về phía ngón 5 vào trong lòng bàn tay. Các ngón tay còn lại nắm trùm lên ngón cái, cổ tay uốn về phía xương trụ. Nếu người bệnh có triệu chứng đau nhói vùng gân dạng dài và gân duỗi ngắn ngón cái hoặc đau ở mặt quay của cổ tay là nghiệm pháp dương tính.
3.2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Dựa vào triệu chứng lâm sàng và tổn thương, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện một trong những xét nghiệm cận lâm sàng như sau:
- Siêu âm vùng mỏm trâm quay: Kết quả cho thấy hình ảnh gân duỗi ngắn ngón cái và gân dạng dài dày lên, bao gân dày và có dịch quanh gân.
- Siêu âm Dopper năng lượng (PW) cho thấy hình ảnh tăng sinh mạch máu trong gân hoặc bao gân.
- Xét nghiệm chức năng cơ bản như đường máu, xét nghiệm chức năng thận, gan...
3.3. Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán xác định viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay dựa vào chẩn đoán cận lâm sàng và khám lâm sàng, trong đó kết quả test Finkelstein dương tính là yếu tố bắt buộc phải có để chẩn đoán xác định bệnh.
Ngoài ra cần đánh giá các yếu tố nguyên nhân và yếu tố gây bệnh như chấn thương vùng cổ bàn tay, tiền sử nghề nghiệp, các bệnh lý về xương khớp kèm theo như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp...
3.4. Chẩn đoán phân biệt
Bệnh lý được chẩn đoán phân biệt với thoái hóa khớp gốc ngón tay cái, viêm bao hoạt dịch gân cơ duỗi cổ tay quay dài và ngắn, viêm màng hoạt dịch khớp cổ tay, chèn ép nhánh nông thần kinh quay.
4. Điều trị viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay
Viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay được điều trị bằng các phương pháp gồm điều trị không dùng thuốc, dùng thuốc, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu và ngoại khoa.
4.1. Điều trị không dùng thuốc
Một số phương pháp điều trị không dùng thuốc như sau:
- Giảm hoạt động hoặc ngừng hoạt động cổ tay và ngón tay cái trong khoảng 4 -6 tuần.
- Trường hợp người bệnh sưng đau nhiều nên dùng băng nẹp ngón cái và cổ tay liên tục từ 3 – 6 tuần với tư thế cổ tay để nguyên, ngón cái gấp 10 độ và dạng 45 độ so với trục xương quay.
- Chườm lạnh
- Phương pháp điều trị bằng siêu âm, laser màu, kích thích xung điện thần kinh qua da để giảm đau và chống viêm.
4.2. Điều trị dùng thuốc
Điều trị dùng thuốc có thể bằng đường bôi ngoài da, đường uống hoặc đường tiêm.
Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) bôi ngoài da: Diclofenac bôi 2 – 3 lần/ngày.
Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) đường uống: Bác sĩ thường chỉ định uống một trong những loại thuốc sau: Diclofenac 50mg x 2 viên/24h, celecoxib 200mg x 1 – 2 viên/24h, meloxicam 7,5 mg x 1 – 2 viên/24h.
Thuốc corticoid dùng đường tiêm trong bao gân De Quervain: Phương pháp này nên được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm để đảm bảo độ chính xác và an toàn cao, tránh nguy cơ tiêm vào mạch máu. Các loại thuốc được bác sĩ chỉ định như sau:
- Hydrocortison acetat: Thời gian bán hủy ngắn, thời gian tác dụng nhanh. Mỗi lần tiêm 0,3ml và không tiêm quá 3 lần trong mỗi đợt điều trị.
- Methyl prednisolon acetat: Tác dụng kéo dài, mỗi lần tiêm 0,3ml và không tiêm quá 2 lần trong mỗi đợt điều trị.
- Betamethason pripionate: Liều 0,3ml mỗi lần tiêm.
4.3. Điều trị ngoại khoa
Phương pháp điều trị ngoại khoa chỉ áp dụng ở những người bệnh điều trị không dùng thuốc và điều trị dùng thuốc nhưng không đem lại hiệu quả cao. Phẫu thuật tạo nhiều không gian giúp gân hoạt động và không cọ xát vào đường hầm. Người bệnh sau khi thực hiện phẫu thuật và cắt chỉ, cần luyện tập các bài tập phục hồi chức năng nhằm tăng cường biên độ cũng như sức mạnh của các cơ.
5. Bài tập phục hồi
Một trong những phương pháp giúp tăng cường hiệu quả của quá trình chữa bệnh, giảm triệu chứng viêm bao gân De Quervain là các bài tập tăng cường và phục hồi. Người bệnh nên tập từ 1 – 2 lần mỗi ngày và không tập quá nhiều lần trong ngày vì có thể làm tăng áp lực lên bao gân tổn thương.
5.1. Bài tập nâng ngón tay cái
Các bước thực hiện bài tập:
- Đặt bàn tay lên một mặt phẳng, lòng bàn tay hướng lên.
- Đầu ngón tay cái được đặt đối chiếu sang gốc ngón IV và giữ nguyên vị trí trên trong khoảng 6 giây.
- Lặp lại động tác trên 8 đến 12 lần.
5.2. Bài tập đối chiếu ngón V
Các bước thực hiện bài tập:
- Đặt bàn tay lên bàn, lòng bàn tay hướng lên.
- Ngón tay cái được nâng chạm đầu ngón V và giữ nguyên vị trí này trên trong 6 giây.
- Lặp lại động tác 10 lần.
5.3. Bài tập uốn cong ngón cái
Các bước thực hiện bài tập:
- Mở rộng bàn tay theo hướng như đang bắt tay với người khác.
- Sử dụng tay còn lại uốn cong ngón tay cái hướng xuống cổ tay trong phạm vi không gây đau. Người bệnh có thể có cảm giác căng bên trong cổ tay và gốc ngón tay cái. Giữ tay ở tư thế trên trong khoảng 15 – 30 giây.
- Động tác được lặp lại từ 5 đến 10 lần.
5.4. Bài tập kéo dài Finkelstein
Các bước thực hiện bài tập:
- Mở rộng bàn tay theo hướng như đang bắt tay với người khác.
- Ngón cái được gập qua lòng bàn tay
- Sử dụng tay còn lại kéo nhẹ nhàng cổ tay và ngón cái xuống trong phạm vi không gây đau. Người bệnh có thể có cảm giác căng phía ngón tay cái của cổ tay. Giữ tay ở tư thế trên trong khoảng 15 đến 30 giây.
- Lặp lại động tác trên 2 đến 4 lần.
5.5. Bài tập khỏe cơ gập cổ tay
Các bước thực hiện bài tập:
- Mở rộng bàn tay với lòng bàn tay hướng lên trên.
- Cầm quả tạ nhỏ (0,5kg, 1kg, 1.5kg) và nâng cổ tay lên. Người bệnh sẽ có cảm giác căng ở mu bàn tay.
- Hạ cổ tay từ từ để đưa trọng lượng về vị trí ban đầu
- Thực hiện bài tập 2 lần, mỗi lần 15 động tác.
- Mức độ nặng của tạ có thể được tăng dần khi người bệnh tập dễ dàng.
5.6. Bài tập khỏe cơ duỗi cổ tay
Các bước thực hiện bài tập:
- Mở rộng bàn tay với lòng bàn tay hướng xuống dưới.
- Cầm quả tạ nhỏ và uốn cong từ từ cổ tay lên. Người bệnh sẽ có cảm giác căng ở cổ tay và mu bàn tay.
- Đưa cổ tay từ từ về vị trí ban đầu.
- Thực hiện bài tập 2 lần, mỗi lần 15 động tác.
- Mức độ nặng của tạ có thể được tăng dần khi người bệnh tập dễ dàng.
5.7. Bài tập tăng cường độ nghiêng quay cổ tay
Các bước thực hiện bài tập:
- Ngồi trên ghế với tư thế dang rộng hai chân.
- Sử dụng tay đau nắm một đầu của sợi dây thun.
- Người nghiêng về phía trước, khuỷu tay đau đặt lên đùi và để cẳng tay thả xuống giữa hai gối.
- Giữ chặt đầu dây còn lại bằng chân đối diện với tay đau.
- Lòng bàn tay được đặt hướng xuống và uốn cong từ từ cổ tay đau sang một bên cách xa đầu gối của chân đối diện. Người bệnh sẽ cảm thấy căng phía trong và phía bên bàn tay.
- Lặp lại động tác trên 8 đến 12 lần.
6. Phòng bệnh viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay
Một số biện pháp phòng ngừa viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay như sau:
- Hạn chế lặp đi lặp lại các hoạt động cổ tay và lòng bàn tay trong thời gian dài, cần xen kẽ giữa thời gian nghỉ ngơi và hoạt động hợp lý.
- Tập luyện các bài tập dành cho các gân khớp vùng cổ tay.
- Không dùng rượu hay dầu nóng để xoa bóp vào vị trí đau vì có thể làm tình trạng viêm nặng thêm và tránh nắn bẻ khớp vì sẽ làm tổn thương thêm gân cốt.
- Chế độ ăn uống đầy đủ vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng. Đối với người cao tuổi cần bổ sung thêm calci, sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua...
Viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay (Hội chứng De Quervain) là tình trạng viêm bao gân cơ duỗi ngắn ngón tay cái và cơ dạng dài, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 50, đặc biệt là ở người hoạt động nhiều vùng cổ tay. Có nhiều các phương pháp điều trị khác nhau, tuy nhiên nếu các biện pháp điều trị nội khoa không cải thiện thì người bệnh cần thực hiện các biện pháp điều trị nội khoa theo chỉ định của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.