Ghép tế bào gốc tạo máu, tủy trong ung thư - huyết học

Bài viết được viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Việt Hương - Bác sĩ Huyết học – Ung thư - Trung tâm Ung bướu xạ trị - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Ghép tế bào gốc tạo máu, tủy trong ung thư là một sự phát triển tiến bộ của nền y học. Hiện nay, phương pháp này đang dần được ứng dụng rộng rãi trong điều trị nhiều bệnh lý để nhằm thấy được kết quả tốt ở bệnh nhân.

1. Ghép tế bào gốc tạo máu là gì?

Ghép tế bào gốc tạo máu (gọi ngắn là ghép tế bào gốc) là một phương pháp điều trị được ứng dụng nhiều trong ngành huyết học và ung thư. Phương pháp này thực hiện quá trình cấy ghép tế bào gốc tạo máu lấy từ tủy xương hoặc từ máu ghép vào cơ thể người bệnh để chữa các bệnh lý huyết học, bệnh lý miễn dịch, di truyền và một số bệnh lý ung thư. Có hai phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu là đồng loại và tự thân.

  • Ghép tế bào gốc đồng loại là sử dụng tế bào gốc tạo máu tương thích về gen từ người cho ruột thịt hoặc không phải ruột thịt

Ghép tế bào gốc tự thân là sử dụng tế bào gốc tạo máu từ người bệnh để truyền trả lại cho chính người bệnh đó. Việc truyền trả lại tế bào gốc tạo máu của người bệnh giúp làm rút ngắn giai đoạn suy tủy sau hóa trị liệu trong ung thư. Hoặc thay thế tủy xương bất thường bằng tủy xương bình thường ở các rối loạn huyết học không ác tính.

2. Chỉ định ghép tế bào gốc cho những trường hợp nào?

Những trường hợp được chỉ định ghép tế bào gốc gồm:

2.1 Các bệnh ung thư máu chiếm chủ yếu (75%)

  • Lơ xê mi cấp dòng tủy
  • Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt
  • Lơ xê mi cấp dòng lympho
  • U lympho ác tính không Hodgkin
  • U lympho Hodgkin tái phát, dai dẳng.
  • Hội chứng rối loạn sinh tủy (MDS)
  • Hội chứng thực bào máu (HLH)
  • Lơ xê mi kinh dòng lympho...
  • Đa u tủy xương
  • U nguyên bào thần kinh
  • U nguyên bào tủy (u ác của não và/hoặc tủy sống)
  • U tế bào mầm nội sọ hoặc ngoài sọ
  • Một số bệnh máu khác
  • Những rối loạn sinh tủy, loạn sản tủy, suy tủy xương.

Bệnh nhân ung thư máu được chỉ định ghép tế bào gốc
Bệnh nhân ung thư máu được chỉ định ghép tế bào gốc

2.2 Các bệnh máu không phải là ung thư

Hội chứng thiếu hụt miễn dịch (bệnh Chediak-Higashi, hội chứng thiếu hụt miễn dịch kết hợp mức độ nặng), một số rối loạn tự miễn... Wiskott - Aldrich. Những khiếm khuyết về chuyển hoá ở trẻ sơ sinh: Bệnh rối loạn chuyển hóa đường (mucopolysaccharidose)...

3. Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp ghép tế bào gốc/tủy

Ưu điểm chính của phương pháp này chính là tránh và rút ngắn thời gian suy tủy, giúp người bệnh tham gia được vào các phác đồ hoá chất, xạ trị mạnh nhằm tiêu diệt được toàn bộ tế bào ung thư hơn điều trị thông thường, giảm nguy cơ tử vong do các biến chứng nhiễm trùng, xuất huyết... từ đó tăng cơ hội khỏi bệnh, tăng tỷ lệ và thời gian sống thêm lâu dài cho người bệnh.

Nhược điểm của phương pháp ghép tế bào gốc/tủy chính là, đây là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao, chuyên môn giỏi, thực hiện ở cơ sở y tế hiện đại có trang thiết bị đảm bảo. Việc chuẩn bị cho ghép tế bào gốc rất công phu, với nhiều xét nghiệm, cố gắng tìm người cho phù hợp nếu là ghép đồng loài và hóa trị/xạ trị bền bỉ trước ghép.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe