Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hồ Ngọc Minh - Giám đốc Điều hành Lab Phòng Motion Lab Vinmec Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao miền Bắc Vinmec kiêm Bác sĩ Ngoại khoa Nội soi khớp và Y học thể thao Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Đa phần các trường hợp đứt dây chằng chéo sau vừa phải, không kèm các tổn thương phối hợp thì bệnh nhân có thể tự lành nếu áp dụng các bài luyện tập thích hợp, giúp khối gân cơ phía sau gối trở nên chắc khỏe để hỗ trợ thêm cho dây chằng trong các vận động hằng ngày. Vậy trường hợp nào đứt dây chằng chéo sau cần phẫu thuật?
1. Vai trò của dây chằng chéo sau
Vị trí của dây chằng chéo sau là ở trung tâm khớp gối, trong khoang gian lồi cầu xương đùi và nằm ngay phía sau của dây chằng chéo trước. Cấu tạo của dây chằng chéo sau gồm hai bó sợi dày, chạy từ trước ra sau nên nó chắc chắn hơn dây chằng chéo trước.
Dây chằng chéo sau (PCL) là 1 trong các dây chằng chính của khớp gối, cùng với dây chằng chéo trước và 2 dây chằng bên giúp giữ vững khớp gối trong các vận động sinh hoạt hằng ngày cũng như các hoạt động thể thao. Trong đó, chức năng chính của dây chằng chéo sau là ngăn sự trượt ra sau của mâm chày so với lồi cầu đùi trong quá trình vận động.
2. Chẩn đoán tổn thương dây chằng chéo sau
Các bác sĩ chuyên khoa với nhiều kinh nghiệm có thể chẩn đoán chính xác đứt dây chằng chéo sau qua thăm khám lâm sàng. Bác sĩ thực hiện nghiệm pháp ngăn kéo sau và so sánh tìm sự khác biệt giữa hai khớp gối của bệnh nhân để xác định có hay không đứt dây chằng chéo sau.
Một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh được chỉ định như:
- Chụp X-quang khớp gối thường quy có thể phát hiện hiện tượng bong điểm bám kèm theo xương của dây chằng chéo sau cũng như phát hiện các gãy xương kèm theo.
- Chụp X-quang với thanh ép từ trước ra sau để phát hiện dấu hiệu ngăn kéo sau để củng cố chẩn đoán.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) thấy được hình ảnh đứt dây chằng cũng như đánh giá mức độ và các tổn thương phối hợp như rách sụn chêm, gãy xương và đứt dây chằng khác ở khớp gối.
3. Đứt dây chằng chéo sau, khi nào cần phẫu thuật?
Điểm khác nhau giữa tổn thương đứt dây chằng chéo sau và dây chằng chéo trước đó là việc dây chằng chéo sau nằm ngoài màng hoạt dịch khớp gối, khi bị đứt 2 đầu của dây chằng vẫn có cục máu đông hình thành giúp tăng khả năng liền lại, khác với dây chằng chéo trước nằm hoàn toàn trong màng hoạt dịch, dịch khớp ngăn cản cục máu đông hình thành vì vậy diện đứt sẽ không thể tự liền lại.
Do đó, đối với những trường hợp tổn thương dây chằng chéo sau không kèm theo các cấu trúc khác, mức độ lỏng gối trên lâm sàng không nhiều, thang điểm chức năng khớp gối còn tốt thì có thể không cần can thiệp phẫu thuật mà chỉ cần luyện tập để làm khỏe các khối cơ, gân phía sau để hỗ trợ thêm cho dây chằng là có thể đạt được yêu cầu.
Đứt dây chằng chéo sau có nên mổ không? Nếu tổn thương dây chằng chéo sau mà có kèm theo các tổn thương khác, ảnh hưởng đến vận động, sinh hoạt hoặc các vận động viên có cường độ vận động cao thì có thể phải cân nhắc điều trị. Tuy nhiên, chỉ định và kỹ thuật tạo hình dây chằng chéo sau chặt chẽ và phức tạp hơn dây chằng chéo trước. Do đó, bệnh nhân nên được tư vấn trực tiếp và kỹ càng.
Một số trường hợp đứt dây chằng chéo sau có chỉ định bắt buộc phải phẫu thuật. Các chỉ định phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo sau bao gồm đứt dây chằng chéo sau kèm rách sụn chêm, đứt dây chằng khác ở gối hoặc bệnh nhân trẻ, vận động viên thể thao chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, nội soi tái tạo dây chằng là một phẫu thuật rất khó, vì phẫu thuật viên vừa phải cố định dây chằng chéo sau thật vững, đặt đúng vị trí dây chằng ban đầu, vừa phải tránh làm tổn thương dây chằng chéo trước. Mặt khác, dây chằng chéo sau lại nằm gần với động mạch khoeo nên trong quá trình mổ có thể sẽ làm làm tổn thương bó mạch khoeo, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Sau phẫu thuật, nếu kỹ thuật mổ tái tạo dây chằng tốt kèm theo việc bệnh nhân tuân thủ luyện tập các bài tập vật lý trị liệu thì khả năng cao bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn sau từ 6-8 tháng. Do đó, việc lựa chọn địa chỉ thực hiện phẫu thuật có chuyên môn tốt rất quan trọng.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.
Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:
- Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
- Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
- Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
- Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
- Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
- Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
- Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.
Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.