Đường ruột tác động đến sức khỏe tim mạch như thế nào?

Khoa học từ lâu đã công nhận rằng những gì chúng ta ăn đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Do đó, việc đường ruột tác động đến sức khỏe tim mạch như thế nào ngày càng trở thành chủ đề được quan tâm. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu tại sao đường ruột ảnh hưởng đến trái tim và hệ mạch máu cũng như cách để hạn chế vi khuẩn đường ruột ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.

1. Sự liên quan giữa sức khỏe đường ruột và tim mạch

Thật khó để tưởng tượng, nhưng hệ thống ruột của bạn, từ dạ dày đến ruột, là nơi chứa hàng tỷ vi khuẩn. Mặc dù nghe có vẻ đáng sợ, nhưng vi khuẩn trong đường ruột tác động đến sức khoẻ tim mạch theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Chúng có thể bảo vệ sức khỏe của trái tim và cơ thể bạn nhưng cũng gây nên những bệnh lý về tim mạch nếu không được chăm sóc đúng cách.

Trong ruột của người khỏe mạnh sẽ tồn tại cả vi khuẩn có "lợi" và có "hại". Những vi khuẩn có lợi có khả năng giải phóng các chất có ích từ thực phẩm và kiểm soát những chất có thể gây hại cho sức khỏe. Các nhà khoa học gọi nhóm vi khuẩn nhỏ bé này trong ruột của bạn là microbiome và nhận thấy rằng nó ảnh hưởng đến mọi thứ, từ cân nặng đến tâm trạng của bạn, hay việc bạn bị cảm lạnh. Do đó, điều quan trọng là trong ruột của bạn cần có đủ lượng vi khuẩn có lợi để ngăn chặn sự gây hại của vi khuẩn có hại.


Đường ruột tác động đến sức khỏe tim mạch thông qua hệ vi sinh
Đường ruột tác động đến sức khỏe tim mạch thông qua hệ vi sinh

1.1. Đường ruột tác động đến sức khỏe tim mạch, gây xơ cứng động mạch

Vi khuẩn đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tim mạch. Hệ vi sinh vật đường ruột không chỉ giúp tiêu hóa thức ăn mà còn sản xuất các chất hóa học quan trọng có thể tác động đến mạch máu và tim. Việc duy trì sự cân bằng của vi khuẩn tốt và vi khuẩn xấu là cần thiết để hạn chế viêm nhiễm và các tình trạng bệnh lý khác liên quan đến tim mạch.

Các nhà nghiên cứu ở Anh gần đây đã tìm thấy mối liên hệ giữa vi khuẩn trong đường ruột và tình trạng xơ cứng động mạch. Động mạch trở nên xơ cứng khi mảng bám có hại bắt đầu tích tụ trong thành động mạch. Mảng bám dày lên theo thời gian sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người mắc bệnh tim do có nhiều mảng bám trong động mạch thì sẽ có nhiều loại vi khuẩn có hại hơn trong ruột hơn so với những người khoẻ mạnh, không mắc bệnh tim mạch.

1.2. Đau tim và đột quỵ: TMAO

Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện từ một số nghiên cứu liên quan đến người và động vật về việc hệ vi sinh vật đường ruột trực tiếp thay đổi chức năng của tiểu cầu trong máu, ảnh hưởng đến nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Cách thức chúng hoạt động như sau: Khi chúng ta hấp thụ một số chất dinh dưỡng nhất định, chẳng hạn như choline (có nhiều trong thịt đỏ, và các sản phẩm từ sữa) và L-Carnitine (có trong thịt đỏ cũng như một số nước tăng lực và chất bổ sung), vi khuẩn đường ruột sẽ phá vỡ nó tạo ra một hợp chất gọi là trimethylamine (TMA). Gan sau đó chuyển hóa TMA thành hợp chất triethylene N-oxide (TMAO).

Nồng độ TMAO trong máu cao góp phần làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng liên quan đến cục máu đông như đau tim và đột quỵ. Mặt khác, nồng độ TMAO cao cũng dẫn đến tỷ lệ tử vong sớm cao hơn đối với người mắc bệnh động mạch vành.


Thịt đỏ chứa nhiều choline và L-Carnitine tạo nên trimethylamine và được gan chuyển hóa thành hợp chất T-MAO
Thịt đỏ chứa nhiều choline và L-Carnitine tạo nên trimethylamine và được gan chuyển hóa thành hợp chất T-MAO

Để giảm mức TMAO, hãy cân nhắc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm từ sữa nguyên chất béo bao gồm sữa nguyên chất, lòng đỏ trứng, phô mai kem và bơ, thịt đỏ đã qua chế biến và chưa qua chế biến (thịt bò, thịt lợn, thịt cừu và thịt bê), cũng như các chất bổ sung dinh dưỡng và nước tăng lực có chứa choline, phosphatidylcholine (lecithin) và/hoặc L-Carnitine.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc kiểm soát lượng TMAO có thể là một phương pháp quan trọng trong việc quản lý rủi ro tim mạch. Điều này cũng cho thấy việc điều chỉnh chế độ ăn uống và sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột có thể có tác động tích cực đối với sức khỏe tim mạch.

2. Cách để hạn chế vi khuẩn đường ruột tác động đến sức khỏe tim mạch

Để tạo điều kiện cho số lượng vi khuẩn tốt chiếm ưu thế trong ruột của mình và tăng số lượng các loại vi khuẩn tốt khác nhau sống ở đó, bạn hãy bắt đầu với các bước sau:

  • Lựa chọn chế độ ăn uống thân thiện với đường ruột.

Vi khuẩn tốt phát triển tốt khi bạn ăn thực phẩm làm từ thực vật và có chất xơ. Những bệnh xấu thường phát triển khi bạn ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đường, muối, thực phẩm chế biến sẵn và chất béo bão hòa (trong thịt đỏ và thực phẩm từ sữa).

Vi khuẩn tốt cũng phát triển tốt với thực phẩm lên men như tempeh (một sản phẩm đậu nành có thể trộn vào món xào) và các món ăn có chứa vi khuẩn tốt, chẳng hạn như sữa chua có chứa vi khuẩn tốt, kefir, sữa uống lên men.

  • Nuôi dưỡng những vi khuẩn tốt

Prebiotic đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng cho vi khuẩn có lợi. Những chất này có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như hành, tỏi, atisô, đậu xanh, đậu tuyết, măng tây, đậu đỏ, đậu lăng, đào trắng, quả hồng, dưa hấu và bưởi.

  • Bổ sung thêm men vi sinh

Men vi sinh sẽ giúp cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột

  • Tránh một số chất có trong thực phẩm bổ sung và nước tăng lực

Một số chất bổ sung và nước tăng lực có chứa phosphatidylcholine, lecithin, choline hoặc L-Carnitine và có thể làm tăng TMAO. Mức TMAO cao có liên quan đến bệnh tim.

  • Giảm căng thẳng của bạn

Căng thẳng làm giảm số lượng vi khuẩn có ích và số lượng các loại vi trùng khác nhau trong ruột. Ngoài ra, căng thẳng đã được chứng minh là làm tăng vi khuẩn xấu. Do đó, tập thể dục, yoga và thiền có thể giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn và cũng có thể giúp ích cho hệ vi sinh vật đường ruột của bạn.


Kết hợp nhiều yếu tố như chế độ ăn lành mạnh cùng hoạt động thể chất để bảo vệ sức khỏe tim mạch
Kết hợp nhiều yếu tố như chế độ ăn lành mạnh cùng hoạt động thể chất để bảo vệ sức khỏe tim mạch

Tóm lại, đường ruột tác động đến sức khỏe tim mạch thông qua nhiều cách thức khác nhau, từ việc ảnh hưởng đến chuyển hóa chất béo và cholesterol cho đến việc gây ra các phản ứng viêm và ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột không chỉ quan trọng đối với sức khỏe tiêu hóa mà còn có vai trò quyết định đối với sức khỏe tim mạch. Thông qua việc hiểu rõ hơn về mối quan hệ này, chúng ta có thể phát triển các chiến lược mới để phòng ngừa và điều trị các bệnh tim mạch, nhấn mạnh tầm quan trọng của một chế độ ăn uống cân đối và lành mạnh.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe