Sống chung với viêm khớp dạng thấp (RA) là một thách thức lớn khi bệnh không chỉ gây đau đớn và khó khăn trong di chuyển mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, với những lời khuyên hữu ích và phương pháp đúng đắn, bệnh nhân có thể cải thiện chất lượng cuộc sống đáng kể.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa viêm khớp
Chăm sóc bản thân và kiểm soát bệnh tốt là một phần của việc sống chung với viêm khớp dạng thấp. Luôn đảm bảo dùng thuốc theo chỉ dẫn, không bỏ qua liều lượng hàng ngày. Nếu có tác dụng phụ, bệnh nhân cần ngay lập tức liên hệ với bác sĩ. Ngay cả khi không còn đối mặt với cơn đau và tình trạng cứng khớp, việc duy trì các cuộc hẹn khám bệnh định kỳ vẫn rất quan trọng - từ hai đến bốn lần mỗi năm.
Đặc biệt, bác sĩ chuyên khoa về viêm khớp sẽ rất hữu ích trong các cuộc gặp mặt này, vì họ có thể đưa ra các phương pháp điều trị mới hoặc thay đổi kế hoạch hiện tại sao cho hợp lý. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tham gia tư vấn với bác sĩ chuyên khoa về viêm khớp một số lần trong năm sẽ mang lại kết quả tích cực cho người bệnh viêm khớp.
2. Các bài tập khi sống chung với viêm khớp dạng thấp
Cảm giác đau và cứng khớp chắc chắn sẽ khiến người bệnh trở nên khó chịu và không muốn di chuyển nhiều. Duy trì hoạt động rất quan trọng, giúp giảm bớt các triệu chứng và ngăn ngừa các vấn đề lâu dài. Những bài tập được khuyến khích cho người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp thường là:
- Kéo giãn cơ: Duy trì sự linh hoạt của cơ bắp, thường được thực hiện sau khi tập luyện để giảm căng thẳng.
- Các bài tập Cardio nhẹ: Đi bộ, đạp xe và bơi lội đều là lựa chọn lý tưởng cho người mắc bệnh viêm khớp.
- Tăng cường cơ bắp: Có thể dùng máy tập, dây kháng lực và tạ nhẹ để tăng cường sức mạnh cơ bắp.
- Các bài tập bổ sung: Yoga, Pilates và thái cực quyền thường được những người sống chung với viêm khớp dạng thấp áp dụng để tăng cường sự linh hoạt và thăng bằng, đồng thời giảm đau, giảm căng thẳng.
Tất cả những bài tập kể trên không chỉ tốt cho sức khỏe tinh thần mà còn duy trì khả năng vận động, xây dựng thể lực cho người bệnh. Nhưng nếu cảm thấy đau trong quá trình tập, nên trao đổi với bác sĩ trước khi tiếp tục.
3. Chế độ ăn uống lành mạnh để duy trì cân nặng
Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh luôn mang lại lợi ích, đặc biệt đối với người mắc viêm khớp dạng thấp vì giúp hạn chế tình trạng viêm.
Theo nghiên cứu, có đến 2/3 số người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bị thừa cân hoặc béo phì. Thừa cân có thể làm giảm hiệu quả của các liệu pháp điều trị, đặc biệt là dược phẩm sinh học và một số loại thuốc chống viêm.
Omega-3 có trong các loại cá giúp giảm đau khớp và rút ngắn thời gian bị cứng khớp vào buổi sáng. Trái cây và rau củ quả chứa các chất chống oxy hóa để đối phó với những phân tử gốc tự do gây hại trong cơ thể.
4. Áp dụng các biện pháp giảm căng thẳng
Sống chung với viêm khớp dạng thấp có thể gây ra căng thẳng. Người bệnh có thể giải quyết bằng các biện pháp sau:
- Trao đổi với bác sĩ thường xuyên: Quá trình này có thể nhận được những tư vấn để điều chỉnh lối sống và quy trình điều trị sao cho thích hợp.
- Dành thời gian nghỉ ngơi: Cân bằng giữa vận động và nghỉ ngơi là một phần quan trọng khi đang điều trị viêm khớp dạng thấp.
- Học các kỹ thuật thư giãn: Hít thở sâu, tập Yoga hoặc thiền có thể giúp thư giãn tốt hơn, giảm bớt căng thẳng.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ: Gia đình, bạn bè và các nhóm cộng đồng là những người có thể giúp bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cảm thấy thoải mái hơn.
5. Thực hiện thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày
Những thay đổi nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày, từ làm việc nhà, làm việc trên máy tính đến đi mua sắm, có thể giúp giảm bớt triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
5.1. Lên kế hoạch mỗi ngày
Viêm khớp dạng thấp làm giảm năng lượng hoạt động, vì vậy cần lập kế hoạch hợp lý cho công việc hàng ngày. Phân chia thời gian cho từng việc để không quá sức. Nếu buổi sáng có nhiều năng lượng hơn, hãy làm nhiều việc hơn và nghỉ ngơi vào buổi chiều.
5.2. Điều chỉnh khu vực làm việc
Tư thế ngồi làm việc rất quan trọng. Giữ đầu, cổ và vai thẳng khi ngồi, tạo không gian thoải mái cho đầu gối. Đừng ngồi yên cả ngày, hãy đứng dậy, đi lại, nằm nghỉ khi cần. Chú ý đến tư thế gõ phím và vị trí đặt màn hình để tránh gây khó chịu.
5.3. Hoạt động ngoài trời
Người đang phải sống chung với viêm khớp dạng thấp nếu cần đi ra ngoài sẽ phải lên kế hoạch cẩn thận, có sự chuẩn bị đầy đủ. Điều này giúp cho bệnh không ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm của bản thân. Mang túi mua đồ trên cẳng tay để tránh các khớp yếu ở ngón tay và cổ tay hoặc cất vào ba lô, túi xách có dây đeo vai.
Khi đi ăn ngoài, mang theo đồ dùng cá nhân nếu cần và nhờ nhân viên cắt nhỏ thức ăn. Đi du lịch cần chọn thời điểm phù hợp, chuẩn bị vali, mang theo thuốc và thiết bị hỗ trợ cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.