Điều trị giảm đau cột sống dưới hướng dẫn chụp số hóa xóa nền

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh.

Đau cột sống bao gồm đau cột sống cổ, đau cột sống lưng là bệnh lý ngày càng phổ biến, không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi mà còn có thể gặp ở người trẻ tuổi. Giảm đau cột sống có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó, sử dụng máy chụp số hóa xóa nền đề điều trị là kỹ thuật hiện đại và an toàn, đồng thời hiệu quả điều trị cao.

1. Tổng quan về đau cột sống

Đau cột sống là tình trạng cột sống bị tổn thương và gây đau. Đau cột sống là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi chủ yếu do thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, ... tuy nhiên cũng có thể gặp ở người trẻ tuổi do tai nạn hoặc chấn thương gây ra.

Đau cột sống thường xuất hiện ở 3 vị trí sau trên xương cột sống, đó là cổ, phần lưng trên và lưng dưới. Dù ở vị trí nào, chứng đau cột sống đều gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

2. Nguyên nhân gây đau cột sống


Đau thần kinh tọa có thể gây đau cột sống
Đau thần kinh tọa có thể gây đau cột sống

Có nhiều nguyên nhân gây đau cột sống như:

  • Tuổi tác: Người cao tuổi bị thoái hóa xương khớp là một trong những nguyên nhân chính gây ra chứng đau cột sống. Thoái hóa xương khớp cũng dẫn đến thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, viêm khớp, ... và gây đau ở vùng thắt lưng cột sống.
  • Chấn thương, tai nạn: Tai nạn do sinh hoạt hoặc lao động có thể gây chấn thương ở cột sống làm căng cơ, căng dây chằng, co thắt cơ bắp, gãy xương, ... và dẫn đến đau cột sống.
  • Bất thường ở cột sống: Cấu trúc xương gặp các vấn đề như loãng xương, đĩa đệm bị vỡ hoặc phồng, viêm khớp, đau thần kinh tọa, cong vẹo cột sống bẩm sinh, ... đều có thể gây đau ở cột sống.
  • Bệnh lý: Các bệnh lý ở dạ dày (đau dạ dày, viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày, ...), hệ tiết niệu (sỏi thận, viêm thận, lao thận, ứ nước ở thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, ung thư thận, ...), đều có thể gây ra các cơn đau cột sống vùng thắt lưng.
  • Thói quen sinh hoạt: Trong sinh hoạt hàng ngày, các thói quen ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, hoặc ngồi sai tư thế khi làm việc, nâng hoặc đẩy, kéo sai cách, nệm ngủ quá mềm hoặc quá cứng, ... cũng có thể ảnh hưởng đến cột sống và gây đau:

Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như nhiễm trùng cột sống, ung thư xương cột sống hay bệnh lý thần kinh gây chèn ép, ... cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chứng đau cột sống.

3. Biểu hiện của đau cột sống

Tùy vào nguyên nhân gây đau cột sống, bệnh sẽ biểu hiện ở hai mức độ là cấp tính và mãn tính:

  • Cấp tính: Cơn đau cấp tính thường xảy ra một cách đột ngột, chủ yếu do mang vác vật nặng, gắng sức khi lao động, hoặc do ngồi sai tư thế, đứng quá lâu, cúi người trong thời gian dài. Hoặc các bệnh lý ở hệ tiết niệu như sỏi thận, viêm thận, thận ứ nước, ... đều có thể gây đau cột sống đột ngột.
  • Mãn tính: Đau cột sống nếu không tìm hiểu nguyên nhân và điều trị có thể dẫn đến tình trạng mãn tính với các cơn đau kéo dài, hay tái phát, mức độ tăng lên thành đau dữ dội và lan tỏa vùng xung quanh. Thậm chí, cơn đau có thể khiến người bệnh gặp khó khăn trong các cử động bình thường như xoay người, ngồi hoặc đứng, hoặc không thể cử động được.

Điều trị giảm đau cột sống dưới hướng dẫn chụp số hóa xóa nền
Điều trị giảm đau cột sống dưới hướng dẫn chụp số hóa xóa nền

4. Điều trị giảm đau cột sống dưới hướng dẫn chụp số hóa xóa nền

Đau cột sống cần được thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp. Nếu đau cột sống là do các bệnh lý ở dạ dày, thận, khi được điều trị có thể làm giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn các cơn đau.

Ở người cao tuổi, nếu đau cột sống, thắt lưng không được điều trị có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như teo cơ, thậm chí có thể bị liệt.

Ngoài phương pháp điều trị tiêm đau cột sống dưới X-quang tăng sáng thì phương pháp điều trị giảm đau cột sống dưới hướng dẫn chụp số hóa xóa nền (chụp DSA) cũng được đánh giá là một kỹ thuật an toàn và hiện đại, mang lại hiệu quả cao khi sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính có tăng sáng để tiêm thẩm thấu ngoài màng cứng, xung quanh rễ hoặc khe khớp liên mấu.

4.1 Quy trình điều trị giảm đau cột sống dưới hướng dẫn chụp số hóa xóa nền

Quy trình điều trị giảm đau cột sống dưới hướng dẫn của máy chụp DSA được thực hiện như sau:

  • Bước 1: Người bệnh nằm ngửa trên bàn chụp, thiết lập đường truyền tĩnh mạch.
  • Bước 2: Vô cảm người bệnh bằng kỹ thuật gây tê toàn thân hoặc tại chỗ.
  • Bước 3: Sát khuẩn vùng cột sống cần chọc kim.
  • Bước 4: Dùng kim chọc vào khoang ngoài màng cứng, tùy vào chỉ định, bác sĩ sẽ chọc vào lỗ tiếp hợp hoặc khe khớp dưới hướng dẫn màn tăng sáng của máy chụp DSA. Cần lưu ý, hút lại nếu chọc vào khoang ngoài màng cứng, trường hợp hút ra được dịch não tủy thì có nghĩa là chọc nhầm vào khoang dưới nhện, trường hợp hút ra dịch máu thì có nghĩa là chọc nhầm vào mạch máu.
  • Bước 5: Tiến hành bơm thử 1ml thuốc cản quang để khẳng định vị trí mũi kim khi đã chọc vào.
  • Bước 6: Bơm 1,5ml dung dịch Depo-Medrol 40mg và 1ml dung dịch Lidocain 2%.
  • Bước 7: Rút kim ra và băng lại vị trí đã chọc kim.

Viêm màng não tủy là tai biến hiếm gặp trong quá trình điều trị giảm đau cột sống
Viêm màng não tủy là tai biến hiếm gặp trong quá trình điều trị giảm đau cột sống

4.2 Nhận định kết quả và một số tai biến, hướng xử trí khi điều trị giảm đau cột sống dưới hướng dẫn của máy chụp số hóa xóa nền

Kết quả điều trị giảm đau cột sống dưới hướng dẫn chụp số hóa xóa nền phải là kim chọc vào đúng vị trí, người bệnh không gặp biến chứng và được giảm đau hiệu quả ngay sau khi thực hiện thủ thuật.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị giảm đau cột sống bằng kỹ thuật này có thể xảy ra một số tai biến và hướng xử trí như sau:

  • Chảy máu tại vị trí chọc kim: Băng ép vị trí chọc khi phát hiện chảy máu tại vị trí chọc kim.
  • Tụ máu phần mềm: Nếu phát hiện tình trạng tụ máu phần mềm ở cạnh vị trí chọc kim cần theo dõi người bệnh trong một thời gian.
  • Mất cảm giác chi dưới: Đây là tai biến hiếm gặp trong điều trị giảm đau cột sống bằng máy số hóa xóa nền do người bệnh bị nhạy cảm với Lidocain, tuy nhiên, hiện tượng này thường chỉ xuất hiện thoáng qua và người bệnh có thể quay về trạng thái bình thường sau khoảng 1 giờ.
  • Viêm màng não tủy: Đây cũng là tai biến hiếm gặp và người bệnh cần được thăm khám chuyên khoa để xử trí phù hợp.

Điều trị giảm đau cột sống dưới hướng dẫn chụp số hóa xóa nền là một kỹ thuật hiện đại, an toàn, chính xác và mang lại hiệu quả cao trong điều trị giảm đau cho người bệnh.

Điều trị giảm đau cột sống dưới hướng dẫn chụp số hóa xóa nền là kỹ thuật đòi hỏi cần có trình độ kinh nghiệm cao của bác sĩ thực hiện cùng với sự phối hợp hoàn hảo của bệnh nhân. Để đạt hiệu quả chẩn đoán cao thì bệnh nhân cần chọn các địa chỉ uy tín có máy chụp số hóa xóa nền và có trang thiết bị y tế hiện đại, đạt chuẩn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe