U xương dạng xương là một khối u xương lành tính, thường gặp ở độ tuổi thanh thiếu niên. Bệnh gây đau nhiều, nhất là về đêm, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt và sự phát triển chung của người mắc.
1. Tổng quan
1.1. Định nghĩa
U xương dạng xương (Osteoid osteoma) là một tổn thương xương lành tính, khi một vùng xơ cứng phản ứng, bao quanh là một ổ có kích thước rất nhỏ khoảng 1.5 - 2cm. Bệnh xuất hiện chủ yếu tại:
- Các thân xương dài của chi dưới: Chiếm khoảng 80 - 90%;
- Cột sống: Chiếm 7 - 20%;
- Ở khớp, xương sọ: Hiếm gặp.
U xương dạng xương chiếm khoảng 10% trường hợp khối u lành tính và 5% các u xương nguyên phát. Độ tuổi mắc bệnh chủ yếu là dưới 25 (chiếm 90%), trong đó nam giới dễ mắc bệnh này hơn phụ nữ.
1.2. Nguyên nhân
Hiện nay nguyên nhân gây u xương dạng xương vẫn chưa được hiểu rõ, tuy nhiên di truyền được cho là một trong những yếu tố chính. Một số chuyên gia còn cho rằng căn nguyên gây bệnh cũng có thể là do virus, viêm nhiễm, hoặc liên quan đến hệ miễn dịch. U xương dạng xương đôi khi sẽ tự thoái triển ở vài trường hợp bệnh nhân sau một thời gian nhất định.
1.3. Điều trị
Phương pháp điều trị nội khoa hay ngoại khoa (phẫu thuật lấy bỏ tổ chức u) từ lâu đã được áp dụng để chữa căn bệnh này. Cụ thể:
- Điều trị nội khoa: Cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), hiệu quả trong thời gian dài;
- Điều trị ngoại khoa: Chỉ định cho những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa và hạn chế vận động nhiều. Bao gồm phẫu thuật mở, phẫu thuật ít xâm lấn, phẫu thuật dưới da với sự hỗ trợ của chụp CT hoặc máy tính, phẫu thuật cắt bỏ khối u có sự tham gia của chất đồng vị phóng xạ... Yếu tố quan trọng nhất cho sự thành công của phương pháp phẫu thuật nói chung là xác định đúng vị trí khối u.
Ngoài ra, điều trị u xương bằng điện quang can thiệp dưới hướng dẫn chụp số hóa xóa nền chính là một lựa chọn mới. Kỹ thuật này có ưu điểm xâm nhập tối thiểu, thực tế đã cho thấy hiệu quả thành công cao.
2. Các bước chuẩn bị
2.1. Người thực hiện
- Bác sĩ chuyên khoa và kỹ thuật viên điện quang can thiệp;
- Bác sĩ hỗ trợ;
- Điều dưỡng viên.
2.2. Phương tiện
- Máy chụp số hóa xóa nền (chụp mạch DSA);
- Phim và máy in phim;
- Hệ thống lưu trữ hình ảnh;
- Bộ áo chì và tạp dề để bảo hộ, che chắn tia X.
2.3. Thuốc men
- Thuốc gây tê tại chỗ;
- Thuốc phá đông khớp;
- Thuốc cản quang Iod tan trong nước;
- Dung dịch sát khuẩn da và niêm mạc.
2.4. Vật tư y tế thông thường
- Bơm tiêm các cỡ 3 - 5 - 10ml;
- Bơm tiêm chuyên dụng máy bơm điện;
- Nước cất hoặc nước muối sinh lý;
- Găng tay, áo, mũ và khẩu trang phẫu thuật;
- Bộ dụng cụ can thiệp vô trùng: Dao, kéo, kẹp, bát kim loại, khay quả đậu và khay đựng dụng cụ;
- Bông băng và gạc phẫu thuật.
- Hộp cấp cứu tai biến thuốc đối quang.
2.5. Vật tư y tế đặc biệt
- Kim chọc xương 11G hoặc 13G;
- Búa phẫu thuật.
2.6. Người bệnh
- Được giải thích kỹ càng về kỹ thuật để phối hợp với bác sĩ;
- Cần nhịn ăn và uống trước 6 giờ, có thể uống ≤ 50ml nước;
- Cho thuốc an thần nếu quá kích thích, không nằm yên...
2.7. Phiếu xét nghiệm
- Hồ sơ bệnh án điều trị u xương nội trú;
- Phiếu chỉ định thực hiện thủ thuật chụp số hóa xóa nền đã được thông qua;
- Phim ảnh chụp X quang, CT Scan hoặc MRI nếu có.
3. Các bước tiến hành
3.1. Phương pháp vô cảm
- Gây tê tại chỗ với Lidocain 2%, liều lượng 2 - 10ml tùy thuộc vào vị trí sinh thiết;
- Sử dụng thuốc giảm đau toàn thân nếu người bệnh đau nhiều hoặc đối với những bệnh nhân nhạy cảm;
- Gây mê toàn thân cho người bệnh là trẻ em, không hợp tác được.
3.2. Kỹ thuật
- Đặt bệnh nhân lên bàn tăng sáng;
- Thiết lập đường truyền tĩnh mạch;
- Định vị nơi tổn thương;
- Sát khuẩn vùng bị tổn thương;
- Bác sĩ rửa tay phẫu thuật, mặc áo, đeo găng rồi trải toan vô khuẩn có lỗ lên vị trí cần sinh thiết;
- Gây tê tại chỗ theo từng lớp;
- Chọc kim cắt xương theo đường dự kiến, đồng thời kiểm soát đường chọc dưới màn tăng sáng;
- Khi kim chọc đã vào đúng vị trí tổn thương, tiến hành cắt toàn bộ nhân u xương dạng xương;
- Rút kim, lấy bệnh phẩm trong kim, đồng thời cố định phoóc-môn (formol);
- Băng vị trí chọc.
4. Kết quả
Kỹ thuật được nhận định là thành công nếu:
- Kim chọc vào đúng vị trí;
- Lấy bỏ được nhân u xương dạng xương;
- Không xuất hiện biến chứng sau thủ thuật;
- Phát huy hiệu quả giảm đau rõ ràng.
Một số tai biến có nguy cơ xảy ra và các xử trí là:
- Chảy máu tại nơi chọc kim: Xử trí bằng cách băng ép vị trí chọc;
- Tụ máu phần mềm cạnh chỗ chọc kim: Theo dõi sát và đưa ra hướng xử trí phù hợp;
- Chọc kim vào nhầm các cơ quan, hay cấu trúc nguy hiểm: Xử lý theo phác đồ đối với từng trường hợp cụ thể;
- Không có hiệu quả giảm đau: Xem xét điều trị điều trị u xương lần 2, hoặc hội chẩn ngoại khoa.
Có nhiều phương pháp điều trị u xương khác nhau, để lựa chọn cần ưu tiên yếu tố đơn giản, chính xác, hiệu quả và ít tốn kém nhất. Trong đó, kỹ thuật điều trị u xương dạng xương dưới hướng dẫn chụp số hóa xóa nền ngày càng được ứng dụng rộng rãi nhờ vào những ưu điểm nổi bật.