Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Hoàng - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Vũ Huy Hoàng đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Phương pháp chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) và lấy huyết khối qua ống thông được thực hiện bằng cách đưa ống thông có đường kính phù hợp vào tới vị trí cục huyết khối, sau đó tiến hành hút áp lực âm để loại bỏ cục huyết khối.
1. Huyết khối cấp tính động mạch chi là gì?
Huyết khối cấp tính động mạch chi là tình trạng tắc động mạch nuôi chi gây thiếu máu chi cấp tính, ảnh hưởng tới khả năng bảo tồn chi. Đây là cấp cứu ngoại khoa tim mạch, hậu quả làm thiếu máu nuôi cấp tính phần chi mà động mạch đó nuôi dưỡng. Nếu không lấy huyết khối cấp tính động mạch chi nhanh chóng thì phần chi bị thiếu máu nuôi sẽ hoại tử.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng huyết khối cấp tính động mạch chi gồm:
- Chấn thương thành mạch: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất trong huyết khối cấp tính động mạch. Trường hợp này hay xảy ra đối với người bệnh bị chấn thương mạch trên động mạch và có thể kèm gãy xương dài ở chi.
- Chấn thương do các thủ thuật trên động mạch: Chụp X quang động mạch, thông tim, tạo hình động mạch xuyên lòng động mạch qua da.
- Cục máu đông trên các vết loét của mảng xơ vữa động mạch: Sự hình thành cục máu động cũng chiếm một tỉ lệ đáng kể trong huyết khối cấp tính động mạch chi.
Dấu hiệu nhận biết tắc động mạch nuôi chi do huyết khối cấp tính động mạch chi:
- Thay đổi màu da ở chi: Khi động mạch chi bị tắc, da ở vùng chi bị thiếu máu nuôi trở nên tái nhợt, có đốm tím rải rác do sự xuất huyết hoại tử ở vùng mô thiếu máu nuôi.
- Đau dữ dội: Đau thường xảy ra đột ngột ở chi bị tắc mạch.
- Tê bì: Người bệnh thường có cảm giác tê bì, kiến bò. Lúc đầu sẽ có cảm giác nông ngoài da, sau đó người bệnh mất luôn cảm giác sâu.
- Chi lạnh: Tại vùng chi bị tắc động mạch do huyết khối thì chi thường lạnh hơn bên không bị.
- Mất mạch dưới chỗ động mạch tắc: Đây là dấu hiệu khách quan để xác định tắc động mạch chi cấp tính do huyết khối.
- Dấu hiệu liệt cơ: Thông thường sau khi động mạch bị tắc các cơ bị thiếu máu sẽ bị giảm chức năng, cử động các ngón ở chi bị tắc động mạch yếu hơn và sau đó bị liệt hoàn toàn.
2. Điều trị lấy huyết khối cấp tính động mạch chi
Hiện nay, đã có nhiều phương pháp điều trị khác hiệu quả cao như: Phẫu thuật lấy huyết khối, tiêu sợi huyết trực tiếp qua ống thông, đặt stent giá đỡ lòng mạch.... Các phương pháp có thể được áp dụng độc lập hay kết hợp.
Tuy nhiên, phương pháp chụp số nền (DSA) hút huyết khối qua ống thông để điều trị huyết khối cấp tính động mạch chi là phương pháp tối ưu.
Phương pháp chụp DSA hút huyết khối qua ống thông được thực hiện bằng cách đưa ống thông có đường kính phù hợp vào tới vị trí cục huyết khối, sau đó tiến hành hút áp lực âm để loại bỏ cục huyết khối.
2.1. Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định thực hiện:
- Huyết khối cấp tính động – tĩnh mạch chi < 3 tuần
- Chiều dài huyết khối không quá 3cm
Chống chỉ định thực hiện:
- Huyết khối mạn tính động – tĩnh mạch chi > 3 tuần
- Cục huyết khối có chiều dài hơn 3cm.
- Dị ứng thuốc đối quang i-ốt
- Suy thận độ IV
- Rối loạn đông máu và mất kiểm soát
- Phụ nữ mang thai.
2.2. Các bước thực hiện
- Bước 1: Chuẩn bị máy chụp DSA, máy bơm điện chuyên dụng, hệ thống lưu trữ hình ảnh, bộ che chắn tia X; thuốc gây tê, gây mê, chống đông, trung hòa thuốc chống đông và thuốc đối quang iod tan trong nước; dung dịch sát khuẩn da, niêm mạc; vật tư y tế chuyên dụng; vật liệu gây tắc mạch.
- Bước 2: Yêu cầu người bệnh nằm ngửa, lắp máy theo dõi nhịp thở, mạch, huyết áp, điện tâm đồ, SpO2, sau đó sát trùng da và phủ khăn phủ vô khuẩn có lỗ.
- Bước 3: Vô cảm: Người bệnh nằm ngửa trên bàn chụp và đặt đường truyền tĩnh mạch rồi gây tê tại chỗ.
- Bước 4: Chọc động mạch: Đa số chọc vào động mạch đùi, có thể chọc ngược dòng hoặc xuôi dòng. Trường hợp đặc biệt có thể chọc từ động mạch cánh tay.
- Bước 5: Chụp DSA động mạch và luồn chọn lọc động mạch tổn thương. Sau đó, xác định mạch máu tổn thương, sau đó đưa ống thông có đường kính phù hợp vào tới vị trí cục huyết khối, tiến hành hút áp lực âm để loại bỏ cục huyết khối. Có thế thực hiện nhiều lần cho tới khi hết huyết khối.
3. Theo dõi và xử trí tai biến
3.1. Theo dõi sau điều trị
- Cho người bệnh nằm tại giường bệnh, bất động chân bên điều trị
- Theo dõi biến chứng chảy máu trong 6 giờ.
- Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, hô hấp.
- Dùng kháng sinh 3-5 ngày.
- Dùng giảm đau trong trường hợp cần thiết.
3.2. Xử trí tai biến
- Suy thận: Sau thực hiện thủ thuật truyền dịch cho người bệnh rồi theo dõi tình trạng tại ổ bụng, bởi có 1 số trường hợp gây tắc các mạch máu đường tiêu hóa dẫn đến thiếu máu tại ruột.
- Tai biến chung: Một số tai biến chung như bóc tách động mạch, thủng mạch, chảy máu. Lúc này cần theo dõi hoặc điều trị can thiệp nội mạch, phẫu thuật
- Co thắt mạch: Dùng thuốc giãn mạch chọn lọc sau 10 - 15 phút theo dõi.
- Đứt gãy ống thông, dây dẫn trong lòng mạch: Trường hợp này cần dùng dụng cụ chuyên biệt lấy qua đường can thiệp nội mạch hoặc phải phẫu thuật.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM
- Xơ vữa động mạch chi dưới: Dấu hiệu và điều trị
- Bệnh động mạch biên chi dưới: Điều trị thế nào?
- Cảnh giác với tắc động mạch ngoại biên chi dưới