Một trong những nguyên nhân gây đau thần kinh tọa là do thoát vị đĩa đệm, bệnh có thể gặp ở cả người trẻ lẫn người già gây ra cảm giác đau vùng thắt lưng hoặc lan đến một số vị trí khác, gây khó khăn cho việc vận động. Đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm tuy không đe dọa tính mạng người bệnh nhưng cần được phát hiện và điều trị sớm để nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
1. Đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm là gì?
Dây thần kinh tọa là một dây thần kinh lớn và dài nhất trong cơ thể, bao gồm nhiều rễ thần kinh tạo thành như: L4, L5, S1, S2 và S3; trong đó L5 và S1 là 2 rễ thần kinh cơ bản nhất dễ gây đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm nhất.
Khi bị tổn thương dây thần kinh tọa sẽ ảnh hưởng đến cảm giác, dinh dưỡng và vận động của những cấu trúc chi dưới, nhất là vùng cẳng chân. Bệnh nhân đau thần kinh tọa thường sẽ hạn chế cho việc đi đứng, đi bằng gót và mũi chân. Một số động tác như gấp duỗi bàn chân, xoay ngoài hoặc xoay trong bàn chân và co duỗi các ngón chân sẽ bị hạn chế.
Đau thần kinh tọa là triệu chứng rất hay gặp gây cho người bệnh cảm giác đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, bắt đầu từ vùng cột sống thắt lưng sau đó lan đến mặt ngoài của đùi, mặt trước ngoài vùng cẳng chân, rồi đến vị trí mắt cá ngoài và tận những ngón chân trên bàn chân cùng bên.
2. Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa
Đau dây thần kinh tọa do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng trong đó chủ yếu là do tình trạng thoát vị đĩa đệm, vì vậy bệnh lý này thường được gọi là đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm.
Nguyên nhân của thoát vị đĩa đệm được nghiên cứu là có liên quan đến một số yếu tố như chấn thương, thoái hóa đĩa đệm... Bệnh thường xuất hiện trên những bệnh nhân trong độ tuổi từ 30 đến 60, và tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
Bệnh đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm thường có xu hướng xuất hiện nhiều ở những bệnh nhân làm công việc nặng như: Khuân vác vật nặng, lái tàu xe, ngồi sai tư thế... đều là những yếu tố nguy cơ gây khởi phát một cơn đau thần kinh tọa.
3. Điều trị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm
Điều trị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm nên được thực hiện sớm để giúp bệnh nhân cải thiện được những hạn chế đi lại và hạn chế vận động vùng chi dưới, từ đó có thể tham gia sinh hoạt và làm việc một cách dễ dàng hơn.
Nguyên tắc để điều trị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm bao gồm:
- Điều trị nguyên nhân thoát vị đĩa đệm
- Giảm đau
- Phục hồi vận động
- Điều trị nội khoa nếu các triệu chứng của bệnh ở mức độ nhẹ và vừa
- Nếu khả năng vận động và cảm giác chi dưới của bệnh nhân bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thoát vị đĩa đệm thì cần điều trị bằng ngoại khoa.
- Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tại giường, không thực hiện những công việc nặng nề.
Điều trị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm cụ thể như sau:
3.1 Điều trị nội khoa
- Bệnh nhân được nghỉ ngơi tại giường, tránh mang vác nặng hoặc đứng và ngồi một chỗ quá lâu
- Sử dụng một số thuốc giảm đau như Paracetamol 1 – 3g/ngày uống 2 – 4 lần, hoặc Codein và Tramadol 2 – 4 viên/ngày.
- Một số bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc giảm đau kháng viêm nhóm NSAID như: Ibuprofen 400mg x 3 – 4 lần/ngày, meloxicam 15mg/ngày, celecoxib 200mg/ngày... và cần thận trọng khi sử dụng những thuốc này vì nó sẽ gây một số tác dụng không mong muốn lên các hệ cơ quan như tiêu hóa và tim mạch, vì vậy trên lâm sàng bệnh nhân thường được dùng kết hợp thuốc nhóm NSAID với thuốc có tác dụng bảo vệ dạ dày như thuốc ức chế bơm Proton.
- Sử dụng một số loại thuốc giãn cơ như Tolperisone 100 – 150mg x 3 lần/ngày và Eperisone 50mg x 2 – 3 lần/ngày.
- Một số thuốc giảm đau thần kinh như Gabapentin 600 – 1200 mg/ngày và Pregabalin 150 – 300mg/ngày
- Nếu cần thiết có thể thực hiện tiêm Corticosteroid ngoài màng cứng nếu bệnh nhân uống thuốc nhưng không cải thiện được các triệu chứng của đau thần kinh tọa.
Phương pháp tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng:
- Các bài tập cho bệnh lý đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm như kéo giãn cột sống, xà đơn treo người mức độ vừa phải, bơi, các bài tập cơ vùng thắt lưng, đai đeo cột sống thắt lưng
- Phương pháp vật lý trị liệu như điện xung, nhiệt trị liệu với parafin, tia hồng ngoại, từ trường, siêu âm trị liệu...
3.2 Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa được chỉ định khi bệnh nhân có những triệu chứng của hội chứng chùm đuôi ngựa, hẹp ống sống, teo cơ...
Các kỹ thuật được thực hiện bao gồm:
- Phẫu thuật lấy bỏ nhân đệm tại vị trí mà thoát vị đĩa đệm gây chèn ép các rễ thần kinh
- Phẫu thuật cắt cung đốt sống trên những bệnh nhân bị hẹp ống sống
- Nẹp vít cột sống để cố định đốt sống trong trường hợp thoát vị đĩa đệm nặng gây trượt đốt sống
Đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý khá phổ biến hiện nay, gây cản trở rất lớn đến hoạt động sinh hoạt cũng như đi lại của bệnh nhân. Vì vậy, khi có bất cứ triệu chứng nghi ngờ nào thì người bệnh không nên chủ quan mà cần đến ngay những cơ sở chuyên khoa cơ xương khớp để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM
- Chẩn đoán và điều trị đau thần kinh tọa
- Điều trị đau lưng do thoái hoá ở người cao tuổi
- Phòng ngừa đau lưng và thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng