Dị ứng xà phòng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Dị ứng xà phòng là tình trạng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của người bệnh. Tình trạng này có thể gặp ở mọi đối tượng, tuy nhiên những người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất do tính chất công việc hoặc sinh hoạt hàng ngày có nguy cơ mắc cao hơn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng dị ứng xà phòng. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Vũ Thị Mai, chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dị ứng xà phòng

Dị ứng xà phòng là một dạng viêm da tiếp xúc dị ứng, xuất phát từ việc da phản ứng với các thành phần trong xà phòng khi tiếp xúc trực tiếp. Theo thống kê, có khoảng hơn 5% dân số thế giới gặp phải tình trạng này.

Đối với những người có làn da khỏe mạnh, việc tiếp xúc với xà phòng thường không gây ảnh hưởng đáng kể, do hàm lượng hóa chất trong xà phòng thường ở mức an toàn. Tuy nhiên, với người có làn da nhạy cảm, hệ miễn dịch có thể coi xà phòng là tác nhân gây hại, từ đó giải phóng các chất trung gian hóa học, gây ra các phản ứng kích ứng trên da như sưng, đỏ và ngứa. Ngoài ra, một số người có thể phản ứng với mùi hương hoặc các thành phần phụ gia khác có trong xà phòng.

Triệu chứng của dị ứng xà phòng bao gồm ngứa, khô, sưng đỏ. Dù các triệu chứng này có thể tự giảm sau vài giờ nhưng trong nhiều trường hợp có thể để lại hậu quả lâu dài như da trở nên dày hơn, bong tróc hoặc thậm chí sạm màu. 

Những người bị dị ứng xà phòng thường gặp triệu chứng như da bị đỏ.
Những người bị dị ứng xà phòng thường gặp triệu chứng như da bị đỏ.

2. Các thành phần trong xà phòng có thể gây dị ứng

2.1 Sodium lauryl sulfate (SLS)

Sodium lauryl sulfate (SLS) là một chất tẩy rửa mạnh thường có mặt trong thành phần của xà phòng và dầu gội đầu do khả năng loại bỏ dầu mỡ hiệu quả. Tuy nhiên, SLS cũng làm mất lớp dầu tự nhiên trên da gây suy yếu hàng rào bảo vệ da. Khi lớp dầu này bị phá vỡ, da trở nên nhạy cảm hơn và dễ dàng bị các chất gây dị ứng khác xâm nhập. Việc tiếp xúc lâu dài với SLS có thể khiến da phát sinh phản ứng với các chất mà trước đây không gây dị ứng.

2.2 Chất tạo hương (Fragrance)

Chất tạo hương (Fragrance) là hỗn hợp các hóa chất tổng hợp dùng để tạo mùi thơm cho sản phẩm như hương hoa, trái cây hoặc các mùi dễ chịu khác. Tuy không có vai trò làm sạch nhưng fragrance lại là một trong những tác nhân gây dị ứng da phổ biến nhất.  

Fragrance thường chứa nhiều hợp chất như este, aldehyde và cồn, giúp tạo ra mùi đặc trưng cho xà phòng. Chất tạo hương nhân tạo có thể gây kích ứng da, nổi mẩn đỏ, viêm da và chàm, đặc biệt là ở những người có làn da nhạy cảm. Do đó, khi người bệnh bị dị ứng với xà phòng, nguyên nhân rất có thể là do sự hiện diện của các hợp chất tạo hương này trong xà phòng.

2.3 Paraben

Paraben là một chất bảo quản tổng hợp được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc cơ thể nhằm ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Ngoài việc có thể gây phản ứng dị ứng da ở một số người, paraben còn ảnh hưởng đến nội tiết tố, gây ra nguy cơ mất cân bằng hormone. Việc tích tụ paraben trong cơ thể có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư liên quan đến hormone, đặc biệt là ung thư vúung thư buồng trứng

Một số thành phần có trong xà phòng có thể là nguyên gây dị ứng.
Một số thành phần có trong xà phòng có thể là nguyên gây dị ứng.

3.Triệu chứng dị ứng xà phòng

Khi da tay phản ứng với một số loại xà phòng nhất định, bệnh nhân có thể mắc một trong hai dạng viêm da: viêm da tiếp xúc kích ứng hoặc viêm da tiếp xúc dị ứng.

3.1 Viêm da tiếp xúc kích ứng

Viêm da tiếp xúc kích ứng xảy ra khi da bị tổn thương trực tiếp bởi các hóa chất trong xà phòng. Các triệu chứng thường xuất hiện ngay tại vùng da tiếp xúc trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi sử dụng. Triệu chứng bao gồm:

  • Phát ban tại vùng da tiếp xúc
  • Ngứa da
  • Khô và nứt nẻ da
  • Da bong tróc hoặc sưng đỏ
  • Cảm giác nóng rát tại vùng tiếp xúc
  • Đau hoặc khó chịu

3.2 Viêm da tiếp xúc dị ứng

Triệu chứng viêm da tiếp xúc dị ứng ít gặp hơn trong trường hợp dị ứng xà phòng. Khi xảy ra các triệu chứng có thể xuất hiện chậm hơn, từ vài phút đến vài ngày sau khi tiếp xúc. Các dấu hiệu thường gặp bao gồm phát ban ngứa, có thể lan rộng ra ngoài vùng tiếp xúc. Trong các trường hợp nặng, viêm da tiếp xúc dị ứng có thể gây sưng ở mặt, sưng môi, thậm chí khó thở. Khi những biểu hiện nghiêm trọng xuất hiện, người bị dị ứng cần được theo dõi y tế kịp thời. 

Tình trạng dị ứng xà phòng có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như sưng môi.
Tình trạng dị ứng xà phòng có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như sưng môi.

4. Cách điều trị dị ứng xà phòng

4.1 Trường hợp dị ứng nhẹ

Với các trường hợp dị ứng xà phòng ở mức độ nhẹ, thường chỉ xuất hiện các triệu chứng như ngứa, mẩn đỏ hoặc nổi mụn nước, không gây tổn thương nghiêm trọng và có xu hướng tự biến mất trong thời gian ngắn.

Hướng dẫn xử lý:

  • Rửa sạch vùng da bị kích ứng: Ngay khi nhận thấy dấu hiệu kích ứng, cần rửa vùng da đó nhiều lần bằng nước sạch để loại bỏ hoàn toàn xà phòng, chú ý đến các vùng có nếp gấp hoặc phần móng tay nơi xà phòng dễ bám lại.
  • Chườm lạnh hoặc ngâm da vào nước lạnh: Để giảm ngứa và cảm giác nóng rát, có thể chườm lạnh hoặc ngâm da vào nước mát khoảng 10-15 phút. Trước khi áp lạnh lên da, nên bọc đá trong một lớp vải mỏng để tránh làm tổn thương da.
  • Dưỡng ẩm da: Sau khi giảm ngứa, sử dụng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ phù hợp cho da nhạy cảm để bổ sung độ ẩm, giúp da khô và bong tróc mau chóng hồi phục.
  • Tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng: Trong thời gian này, cần tránh xa các sản phẩm chứa hóa chất mạnh để hạn chế nguy cơ kích ứng tái phát. 
Ngay khi có dấu hiệu kích ứng trên da, hãy rửa sạch với nước nhiều lần để loại bỏ hoàn toàn xà phòng.
Ngay khi có dấu hiệu kích ứng trên da, hãy rửa sạch với nước nhiều lần để loại bỏ hoàn toàn xà phòng.

4.2 Trường hợp dị ứng nặng

Nếu xuất hiện các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng hơn, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe cụ thể để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Các phương pháp điều trị thường được áp dụng:

  • Thuốc bôi: Các loại kem như hydrocortisone thường được chỉ định để giảm ngứa và viêm da. Các loại thuốc corticosteroid dạng bôi có thể được dùng để kiểm soát tình trạng viêm và ngăn ngừa phản ứng dị ứng.
  • Thuốc uống: Đối với các trường hợp nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống như corticosteroid hoặc thuốc kháng histamin để giảm viêm và ức chế phản ứng miễn dịch dưới da.
  • Thuốc tiêm: Trong các trường hợp dị ứng cấp tính, bác sĩ có thể chỉ định thuốc tiêm để mang lại hiệu quả điều trị nhanh chóng, giúp cải thiện triệu chứng tức thời.

5. Cách phòng ngừa dị ứng xà phòng

Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa dị ứng xà phòng mà người bệnh có thể áp dụng:

  • Giảm tiếp xúc với các chất kích ứng: Hạn chế sử dụng các loại xà phòng chứa hóa chất mạnh, ưu tiên lựa chọn sản phẩm có thành phần tự nhiên, dịu nhẹ và an toàn cho da.
  • Kiểm tra phản ứng da trước khi sử dụng sản phẩm mới: Trước khi dùng một loại xà phòng hoặc sữa tắm mới, hãy thử một lượng nhỏ lên vùng da ở cổ tay. Theo dõi trong 24 giờ để đảm bảo không có phản ứng dị ứng xảy ra trước khi sử dụng lên toàn bộ cơ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe