Dị ứng sưng môi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sưng phù môi, mắt, hoặc một vị trí bất kỳ trên cơ thể là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh dị ứng sưng môi, không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn triệu chứng dị ứng này.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Thục Thanh Huyền, chuyên ngành Dị ứng-Miễn dịch, tại Bệnh viện Vinmec Times city.

1.Các nguyên nhân gây sưng phù do bệnh dị ứng (phù mạch)

1.1 Dị ứng thực phẩm

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến sưng môi do dị ứng. Hệ miễn dịch có thể coi một số protein trong thực phẩm là chất gây hại và tiết histamin để phản ứng, nhất là ở những người có hệ miễn dịch nhạy cảm. Các thực phẩm thường gây ra tình trạng này bao gồm hải sản, một số trái cây, bột mì, sữa bò, trứng, đậu phộng, và các loại hạt khác.

Dị ứng thực phẩm là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến dị ứng sưng môi.
Dị ứng thực phẩm là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến dị ứng sưng môi.

1.2 Dị ứng thuốc

Nhiều người có thể phản ứng với các loại thuốc nhất định, đặc biệt là thuốc giảm đau, kháng sinh, và thuốc chống viêm.

1.3 Dị ứng mỹ phẩm

Sử dụng mỹ phẩm, nhất là son môi cũng có thể là nguyên nhân khiến môi bị thâm đen và sưng tấy. Chất lượng và thành phần hóa học trong son, đặc biệt là những loại son chống nước chứa lượng chì cao, có thể gây dị ứng. Việc sử dụng mỹ phẩm quá hạn cũng có thể dẫn đến phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

1.4 Phù mạch di truyền

Phù mạch di truyền (HAE) là bệnh lý di truyền gen trội trên nhiễm sắc thể, rất hiếm gặp, do đột biến gen quy định sản xuất protein C1INH, dẫn đến tạo ra một protein bất thường. Các triệu chứng thường xuất hiện từ tuổi nhỏ và thường trở nên nặng hơn vào tuổi dậy thì. Bệnh có thể khởi phát tự nhiên hoặc sau các yếu tố kích hoạt như căng thẳng tâm lý, các thủ thuật nha khoa, sử dụng các thuốc nội tiết có estrogen...

Ngoài ra, C1INH cũng có thể bị giảm hoặc rối loạn chức năng do các nguyên nhân mắc phải.

1.5 Các nguyên nhân khác

Có nhiều yếu tố môi trường khác như thay đổi thời tiết, chất lượng không khí kém, nước bị ô nhiễm, côn trùng đốt, phấn hoa và lông thú cưng như chó mèo cũng có thể gây dị ứng. Do da môi rất mỏng và chứa nhiều mạch máu nên rất dễ bị sưng phù khi tiếp xúc với các tác nhân này.

2. Triệu chứng của dị ứng sưng môi

Không nên xem thường dị ứng sưng môi vì những biểu hiện của nó có thể đơn giản nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng. Khi mắc phải dị ứng này, bạn có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Môi bị sưng tấy, thâm đen, đau nhức và ngứa nghiêm trọng.
  • Sưng phù ở miệng và lưỡi, cảm giác khó thở, ngứa rát ở cổ họng.
  • Cơ thể đau rát, phát ban mề đay ở nhiều khu vực và ngứa dữ dội.
  • Nôn mửatiêu chảy không kiểm soát, huyết áp giảm đột ngột.

Nếu không được điều trị kịp thời, những triệu chứng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy tim hoặc đột quỵ, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe của người bệnh.

Nếu không được điều trị kịp thời, những triệu chứng dị ứng sưng môi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng
Nếu không được điều trị kịp thời, những triệu chứng dị ứng sưng môi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng

3. Xử lý dị ứng sưng môi như thế nào?

Phù mạch ở các vị trí sống còn như đường thở (thanh quản) gây tắc đường trao đổi khi có thể gây tử vong (thường trong bệnh cảnh sốc phản vệ), do đó nếu sưng môi kèm theo các triệu chứng nói khó, khàn giọng, khó thở cần được xử trí cấp cứu ngay lập tức.Trong trường hợp nhẹ, dị ứng sưng môi có thể tự giảm dần và biến mất trong vài ngày hoặc một đến hai tuần. Mặc dù vậy, nó vẫn gây khó khăn trong ăn uống và giao tiếp hàng ngày. Để giảm thời gian phục hồi, có thể áp dụng một số biện pháp sau:

3.1 Phương pháp điều trị tại nhà

  • Tránh tiếp xúc với yếu tố dị nguyên nghi ngờ.
  • Tránh chà xát, bôi/đắp mà không có sự tư vấn của bác sĩ/ dược sĩ.
  • Hạn chế ăn các đồ cay, nóng, nhiều gia vị.
Hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều gia vị khi bị dị ứng sưng môi
Hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều gia vị khi bị dị ứng sưng môi

3.2 Điều trị bằng phương pháp y tế

Nếu các triệu chứng dị ứng vẫn tiếp diễn và tình trạng sưng môi vẫn không thuyên giảm, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đối với hầu hết các ca dị ứng sưng môi, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc sau:

  • Thuốc kháng histamin: Loại thuốc này có hiệu quả trong việc giảm sưng, đau và ngứa. Bệnh nhân có thể cảm nhận sự khác biệt chỉ sau 1-2 giờ sử dụng. Các loại thuốc như loratadin, cetirizin và fexofenadin thường được sử dụng rộng rãi.
  • Thuốc uống hoặc bôi chứa corticoid: Đây là loại thuốc được sử dụng rộng rãi cho các tình trạng dị ứng ngoài da, có chứa corticoid – một hoạt chất kháng viêm và chống dị ứng, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nên không được tự ý sử dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.
  • Đối với phù mạch do rối loạn C1INH, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị riêng biệt như bổ sung C1INH đông lạnh, huyết tương tươi đông lạnh, C1INH tái tổ hợp giúp làm nhanh triệu chứng.

Nếu bạn hoặc người thân của bạn có biểu hiện sưng phù môi tái đi tái lại, hoặc kèm theo những dấu hiệu cảnh báo nêu trên, đừng ngần ngại đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn đầy đủ, kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe