Đầu gối bị yếu có nên đi bộ không?

Khi đầu gối bị yếu, lỏng lẻo hay thoái hóa thì bạn vẫn có thể đi bộ dưới nước và đi bộ chậm rãi trên cỏ. Vì những tác động của các bài tập này lên khớp gối sẽ giảm và tránh được tình trạng thoái hóa khớp gối.

1. Tác dụng của đi bộ với sức khỏe xương khớp

Trước khi tìm hiểu “đầu gối bị yếu có nên đi bộ không” thì bạn cần biết đặc điểm của khớp gối. Khớp gối là bộ phận chịu tác động mạnh nhất khi đi lại, vì khớp gối là khớp vận động nhiều nhất và là bộ phận chịu sức nặng của cả cơ thể nên rất dễ bị chấn thương gây tình trạng đầu gối lỏng lẻo. Tuy nhiên, đi bộ nhẹ nhàng trong thời gian hợp lý sẽ giúp khớp nhanh chóng phục hồi nhờ các ưu điểm:

  • Giúp tăng tuần hoàn máu sụn khớp;
  • Tăng tính linh hoạt và đàn hồi của sụn khớp;
  • Kiểm soát trọng lượng và giảm áp lực của cơ thể lên khớp gối.

Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp tập yoga, bơi lội, đạp xe,... Khi tập thể dục, đi bộ, người bệnh cần nhớ không thực hiện các bài tập cường độ cao, thời gian dài hoặc phức tạp. Hạn chế nâng tạ, leo cầu thang, làm việc quá sức sẽ khiến đầu gối bị yếu đi. Hãy nghỉ ngơi một chút và chú ý đến tác dụng của bài tập.

2. Nên đi bộ thế nào để tránh đầu gối yếu?

Để đốt cháy mỡ thừa, cơ thể cần đốt cháy lượng đường dự trữ trong cơ thể, sau đó cơ thể sẽ sử dụng mỡ làm năng lượng. Thời gian tập luyện để đốt mỡ và tạo năng lượng khoảng 30 - 60 phút. Tất nhiên, việc đi bộ thường xuyên sẽ nhanh chóng làm hỏng sụn, khiến đầu gối yếu. Các dấu hiệu quan trọng nhất của quá tải sụn là đau đầu gối và mệt mỏi khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi.

Vì cấu tạo cơ thể của mỗi người là khác nhau nên vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi “nên đi bộ trong bao lâu để tránh đầu gối yếu đi”. Rất khó để xác định khoảng cách giới hạn đi bộ cho tất cả mọi người, vì nó còn liên quan đến nhiều yếu tố, chẳng hạn như tốc độ đi bộ, trọng lượng của người đi, tình trạng đầu gối lỏng lẻo không, vị trí địa hình khi đi bộ và bề mặt đi bộ ra sao.

Do đó, cần phải lắng nghe cơ thể khi đi lại, nếu cảm thấy đầu gối không còn nhẹ nhàng, thoải mái mà thay vào đó là thấy mỏi và đau khớp gối, tức là đầu gối của bạn đang bị quá tải, yếu và cần được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu đầu gối bị thoái hóa hay lỏng lẻo, bạn vẫn có thể đi bộ dưới nước và đi bộ chậm rãi trên cỏ, vì tác động lên khớp gối sẽ giảm và tránh được tình trạng thoái hóa khớp gối.

Trong trường hợp bong gân, đứt một phần dây chằng và rách nhỏ hoặc tổn thương sụn chêm thường có thể được giải quyết mà không cần phẫu thuật. Trường hợp phải phẫu thuật thì bạn cần thực hiện kế hoạch nghỉ ngơi và phục hồi dần dần trước khi làm phẫu thuật.


Hạn chế nâng tạ, leo cầu thang, làm việc quá sức sẽ khiến đầu gối bị yếu đi
Hạn chế nâng tạ, leo cầu thang, làm việc quá sức sẽ khiến đầu gối bị yếu đi

3. Một số lưu ý dành cho người đầu gối bị yếu khi đi bộ

Trong trường hợp đầu gối bị yếu và muốn thực hiện đi bộ, bạn cần ghi nhớ một số lưu ý sau để đảm bảo an toàn cho khớp:

  • Nếu khớp sưng, đau, nóng, đỏ, hạn chế gập, duỗi (nhất là khớp gối) thì không nên bắt đầu đi bộ luôn;
  • Các cơ cần được khởi động nhẹ nhàng trong khoảng 10 - 15 phút trước khi đi bộ;
  • Không đi chân đất mà nên sử dụng giày thể thao mềm, nhẹ, vừa chân và không trơn trượt;
  • Nên chọn cung đường đi bộ với vỉa hè phải bằng phẳng, không ồn ào, không khí trong lành, nhiều cây xanh bóng mát;
  • Thời gian đi bộ chỉ nên giới hạn trong 30-45 phút, chia làm hai buổi, sáng và tối trước khi đi ngủ;
  • Nếu đang đi bộ mà cơn đau khớp ngày càng nặng thì bạn nên dừng lại;
  • Kết hợp các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đạp xe, bơi lội, các phương pháp tẩm bổ,..;
  • Kết hợp chế độ ăn uống khoa học, hợp lý khi đi bộ: Tăng cường rau xanh, trái cây, các sản phẩm từ sữa và thực phẩm giàu omega 3; hạn chế ăn quá mặn, quá ngọt, nhiều dầu mỡ, bia rượu;
  • Thay đổi giày tập khi nó mất lớp lót;
  • Nếu bạn có xu hướng cong hoặc cúi thấp (nghĩa là xoay bàn chân vào trong khi đi bộ) hay bị bàn chân bẹt, giày có đế chỉnh hình là giải pháp tốt để tăng khả năng nâng đỡ chân.
  • Luôn bắt đầu từ từ, khởi động dần dần và cố gắng đi bộ trong ngày khi bạn không cảm thấy đau đầu gối. Bắt đầu một cuộc đi bộ ngắn và sắp xếp thời gian càng nhiều càng tốt thay vì bắt đầu đi bộ 30 phút ngay lập tức.

Tóm lại, đi bộ là một môn thể thao nhẹ nhàng, dễ thực hiện và phù hợp với nhiều đối tượng, trong đó có những người đầu gối bị yếu. Tuy nhiên, những người đầu gối lỏng lẻo, yếu thì cần chú ý hơn để đảm bảo sức khỏe xương khớp, không làm trầm trọng thêm các triệu chứng và tốt nhất là tham khảo bác sĩ để có chế độ luyện tập phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe