Dầu ăn nào tốt cho tim mạch là vấn đề được rất nhiều người phụ nữ quan tâm. Ngày nay mọi người đều đang cố gắng thực hiện các chế độ ăn lành mạnh và tốt cho sức khỏe tim mạch.
Trong đó việc ăn thật nhiều trái cây, rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, thịt cá và thịt đỏ thường được mọi người quan tâm. Nhưng khi nhắc đến việc lựa chọn những loại dầu ăn tốt nhất cho sức khỏe tim mạch thì mọi người lại phân vân không biết chọn sản phẩm nào cho phù hợp.
Dù đã từng nghe qua dầu olive và dầu dừa rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Nhưng điều đó có đúng không, và nếu vậy thì dầu olive hay dầu dừa tốt hơn?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Cao Thanh Tâm, chuyên ngành Nội tim mạch, tại Vinmec Central Park
1. Khi xét về thành phần chất béo, dầu ăn nào tốt cho tim mạch hơn?
Nếu chỉ nhìn vào tỉ lệ thành phần có trên nhãn mác, hầu hết mọi người đều sẽ nghĩ dầu olive và dầu dừa rất giống nhau. Cả hai đều có cùng lượng calo (mỗi muỗng canh sẽ chứa 120 calo) và lượng chất béo (mỗi muỗng canh có chứa 12 gram chất béo). Chính vì thế, nhiều người sẽ đắn đo không biết dầu ăn nào tốt cho tim mạch hơn
Trên thực tế, không phải chất béo nào cũng giống như nhau. Sau khi phân tích kỹ các thành phần chất béo có trong hai loại dầu trên, chúng ta sẽ có đáp án cho câu hỏi “vì sao dầu olive được xem là thành phần chính của chế độ ăn Địa Trung Hải - được xem là chế độ ăn tốt nhất cho tim mạch - trong khi dầu dừa thì không.
Chất béo không bão hòa
Khi trộn salad với dầu ô liu nguyên chất, chất béo mà cơ thể chúng ta sẽ dung nạp hầu hết sẽ là chất béo không bão hòa - loại chất béo thường được gọi là chất béo “tốt” hoặc “lành mạnh”. Đây là loại chất béo có mặt rất nhiều trong bơ và các loại hạt.
Nhiều nghiên cứu cho biết việc lựa chọn chất béo không bão hòa thay thế cho nhóm chất béo bão hoà sẽ mang lại một số lợi ích cho tim mạch, trong đó gồm có chống viêm nhiễm, giảm nồng độ cholesterol có hại - LDL và giảm huyết áp.
Có hai loại chất béo không bão hòa: không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Trong dầu olive, hầu hết là chất béo không bão hòa đơn. Mỗi muỗng canh dầu olive chứa khoảng 10 hoặc 11 gram chất béo không bão hoà đơn, trong khi dầu dừa chỉ chứa khoảng 1 gram.
Chất béo không bão hòa đa có trong dầu olive bao gồm omega - 3 và một số acid béo omega - 6. Đây là 2 chất béo rất tốt cho sức khỏe tim mạch.
Chất béo bão hòa
Dầu dừa có hàm lượng chất béo bão hòa cao hơn nhiều so với dầu olive. Một muỗng canh dầu dừa có khoảng 13 gam chất béo bão hòa, trong khi lượng chất béo bão hòa trong dầu olive chỉ khoảng 1 gram.
Chất béo bão hòa hầu như không mang đến lợi ích nào đối với sức khỏe tim mạch. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy chất béo bão hoà còn góp phần làm tăng cholesterol LDL, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chất béo bão hòa cũng có khả năng làm tăng nồng độ cholesterol tốt - HDL, giúp cơ thể duy trì tỷ lệ cholesterol phù hợp. Hiện tại, ý kiến này vẫn cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để có thể đưa ra kết luận cụ thể.
Các bác sĩ không khuyên mọi người nên cắt hoàn toàn chất béo bão hoà ra khỏi bữa ăn hằng ngày. Nhưng theo các bác sĩ, mọi người hãy cố gắng thay thế chất béo bão hoà bằng chất béo không bão hoà bất kỳ lúc nào có thể.
2. Chọn loại dầu ít qua chế biến
Thực tế, có rất nhiều thành phẩm dầu olive và dầu dừa đang được kinh doanh tại các cửa hàng, siêu thị... thật khó để chúng ta biết được loại dầu ăn nào tốt cho tim mạch. Nhìn chung, dầu nguyên chất hoặc chưa tinh chế là những loại dầu được xử lý ít nhất và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhất.
Ví dụ, dầu olive nguyên chất chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn các dầu olive thông thường được bày bán trong cửa hàng. Cách sử dụng dầu olive tốt nhất là dùng trong các món nước sốt, làm nước chấm, trộn salad... dùng nguyên chất mà không chế biến qua nhiệt độ cao. Dầu olive nguyên chất sẽ cần được bảo quản cẩn thận hơn, đảm bảo tránh xa nhiệt độ, ánh sáng và không khí trực tiếp. So với dầu nguyên chất, dầu olive tinh chế có hương vị phù hợp với nhiều người hơn và có nhiều công dụng hơn, nhưng trong dầu đã tinh chế chứa ít chất chống oxy hóa hơn.
Dầu dừa cũng có loại tinh chế và chưa tinh chế. Dầu dừa chưa tinh chế hoặc nguyên chất có nhiều chất chống oxy hóa hơn và hương vị dừa đậm hơn dầu dừa tinh chế. Dầu tinh chế phải trải qua nhiều quá trình xử lý nhiều để trung hòa hương vị và phù hợp để nấu ăn ở nhiệt độ cao.
3. Việc xác định loại dầu ăn nào tốt cho tim mạch còn phụ thuộc vào lượng chất béo bản thân tiêu thụ mỗi ngày
Bên cạnh dầu ăn, trong bữa ăn hằng ngày của chúng ta còn có nhiều loại thực phẩm chứa chất béo khác. Chính vì thế, chúng ta cần phải lựa chọn dầu ăn phù hợp với chế độ ăn uống của mình, sao cho tổng lượng chất béo mà chúng ta dung nạp luôn nằm ở mức phù hợp với sức khỏe.
Hãy đặt mục tiêu duy trì lượng chất béo ở mức từ 25% đến 35% lượng calo hàng ngày của chúng ta và ưu tiên chất béo không bão hòa lành mạnh.
Bác sĩ khuyến cáo rằng các chất béo bão hòa (không chỉ có trong dầu ăn mà còn từ các thực phẩm như thịt, phô mai và các sản phẩm từ sữa khác) không được chiếm quá 10% lượng calo hàng ngày của cơ thể (hoặc 6% đối với người có cholesterol cao). Đối với người nạp khoảng 2.000 calo mỗi ngày, họ có thể dung nạp 22 gram chất béo bão hoà (hoặc 13 gram đối với người có nồng độ cholesterol cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.