Bài viết được viết bởi ThS, BS Đặng Mạnh Cường, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Cộng hưởng từ ruột non là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đặc biệt, giúp bác sĩ quan sát được chi tiết cấu trúc các quai ruột non từ đó chẩn đoán được chính xác các bệnh lý như: áp xe ruột non, tắc ruột, biến chứng bệnh Crohn và các bệnh viêm ruột khác.
1. Cộng hưởng từ (MRI) ruột non là gì?
Cộng hưởng từ ruột non (MR enterography) là một phương pháp hình ảnh đặc biệt, sử dụng cộng hưởng từ (MRI) với chất cản quang để tạo ra hình ảnh chi tiết của ruột non giúp bác sĩ đánh giá được các tình trạng bệnh lý của ruột non.
Phương pháp này sử dụng từ trường để tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan trong cơ thể của bạn. Sau đó máy tính phân tích các hình ảnh. Trước khi khám xét, bệnh nhân sẽ được uống thuốc cản quang và chất tương phản tĩnh mạch để làm nổi bật ruột non. Một loại thuốc cũng sẽ được tiêm để giảm nhu động của ruột để tăng chất lượng hình ảnh.
Đây không phải là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có sử dụng tia X và nó không có liên quan đến bất kỳ tia bức xạ nào. Thuốc cản quang uống cũng không chứa bất kỳ chất phóng xạ nào. Chụp MRI ruột non cho hình ảnh khá chi tiết về cấu trúc các quai ruột non. Thời gian khám có thể mất khoảng 45 phút.
2. Tại sao phải sử dụng cộng hưởng từ ruột non?
Phương pháp này được sử dụng để:
- Chẩn đoán sự hiện diện và các biến chứng của bệnh Crohn và các bệnh viêm ruột khác;
- Xác định nguồn gốc chảy máu và bất thường mạch máu của ruột non;
- Khối u ruột non;
- Áp xe và các lỗ dò;
- Tắc ruột.
Đặc biệt trong bệnh Crohn, phương pháp này thường được khuyến cáo thực hiện khi nghi ngờ bị Crohn vì bệnh Crohn có xu hướng tấn công những người trẻ tuổi, những người có nhiều nguy cơ gặp các vấn đề do tiếp xúc với bức xạ nhiều lần. Phương pháp này có thể giúp tránh tia X không cần thiết. Ngoài ra, phương pháp này cũng là phương pháp đánh giá vấn để mô mềm tốt hơn các phương pháp khác.
3. Chụp MRI ruột non có nguy cơ gì không?
- Từ trường của máy MRI có thể thay đổi hoạt động của bất kỳ thiết bị y tế nào được cấy ghép trong cơ thể.
- Thuốc tương phản từ có thể gây xơ hóa hệ thống thận nếu chức năng thận của bạn không hoạt động bình thường.
- Một số người có phản ứng dị ứng với thuốc tương phản từ mặc dù rất hiếm khi xảy ra.
- Có thể còn có những rủi ro khác, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý cụ thể của bạn. Do vậy, hãy chắc chắn thảo luận về bất kỳ mối lo lắng nào với bác sĩ của bạn trước khi thực hiện chụp.
4. Bạn cần phải chuẩn bị gì trước khi chụp MRI ruột non?
Trước khi thực hiện phương pháp này, bạn có thể cần phải:
- Làm bất kỳ xét nghiệm máu hoặc các xét nghiệm khác do bệnh viện nơi bạn thực hiện chụp yêu cầu.
- Thông báo cho bác sĩ hoặc kỹ thuật viên biết nếu bạn đang hoặc có thể mang thai.
- Thông báo cho bác sĩ hoặc kỹ thuật viên biết nếu bạn có hoặc sử dụng bất kỳ thiết bị y tế cấy ghép nào, chẳng hạn như máy trợ thính... Nếu bạn có các thiết bị như vậy, bạn không nên thực hiện phương pháp này. Ví dụ: nếu bạn có máy khử rung tim, máy tạo nhịp tim, cấy ghép điện cực ốc tai, kẹp mạch máu trong phình động mạch não... bạn không nên thực hiện khám xét này hoặc vào khu vực chụp MRI trừ khi bác sĩ X quang của bạn cho biết là có thể thực hiện được. .
- Hỏi bác sĩ xem bạn có nên ngừng bất kỳ loại thuốc đang dùng nào không.
- Hỏi bác sĩ khi nào nên ngừng ăn và uống. Bạn có thể được yêu cầu tránh một số loại thực phẩm hoặc đồ uống, chẳng hạn như đồ uống có ga. Bạn cũng có thể được yêu cầu không ăn hoặc uống trong 6 giờ trước khi thực hiện khám xét.
- Thông báo cho bác sĩ của bạn biết về bất kỳ tình hình dị ứng hoặc tình trạng sức khỏe khác của bạn, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc bệnh lý thận.
- Nói cho bác sĩ của bạn về việc bạn có thể cần một loại thuốc an thần để thư giãn trong quá trình kiểm tra hay không.
- Không đeo bất kỳ đồ trang sức trên cơ thể, hoặc mang theo bất kỳ vật dụng cá nhân nào khi thực hiện khám xét.
- Không mang bất kỳ vật dụng kim loại nào vào phòng chụp, bao gồm cả kẹp tóc và dây kéo khóa kim loại.
- Nếu bạn có thính giác nhạy cảm, hãy yêu cầu đeo nút tai trong quá trình thực hiện. Máy MRI có thể tạo ra tiếng ồn lớn mà một số người có thể thấy khó chịu.
- Nếu bạn có thể về nhà ngay trong ngày, trong trường hợp bạn được tiêm thuốc an thần trước khi thực hiện thủ thuật, hãy đảm bảo rằng bạn có người chở bạn về nhà.
5. Quá trình được thực hiện như thế nào?
- Bạn sẽ được thay áo choàng của bệnh viện trước khi vào phòng chụp;
- Bạn sẽ được cho uống chất cản quang trước khi thực hiện chụp. Quá trình chụp sẽ bắt đầu sau khi bạn uống cản quang khoảng một giờ;
- Kỹ thuật viên sẽ giúp cố định và định vị bạn trên bàn trong phòng chụp. Bạn càng nằm yên thì hình ảnh chụp sẽ càng đẹp và rõ nét;
- Điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên sẽ tiêm thuốc tương phản từ tĩnh mạch trong quá trình chụp;
- Máy MRI sẽ thực hiện chụp hình ảnh trước và sau khi thuốc cản quang được tiêm qua đường tĩnh mạch. Bạn sẽ ở một mình trong phòng, nhưng bạn vẫn có thể nói chuyện được với mọi người ở ngoài phòng chụp thông quan loa. Máy chụp có thể tạo ra một số tiếng ồn ào trong khi chụp. Điều này là bình thường;
- Nếu trong quá trình chụp, bạn sẽ được yêu cầu nín thở trong khoảng thời gian ngắn, cố gắng nhịn thở để có hình ảnh tốt;
- Bạn cần giữ nguyên vị trí trong suốt quá trình chụp.
6. Các vấn đề sau khi chụp
Một số người bị buồn nôn nhẹ, chuột rút hoặc tiêu chảy do chất tương phản hoặc các thuốc khác được tiêm vào trong cơ thể. Hãy thông báo cho bác sĩ của bạn biết nếu bạn có bất kỳ khó chịu trong cơ thể nào.
7. Một số hạn chế của chụp MRI ruột non
- Muốn có hình ảnh chất lượng cao phụ thuộc vào khả năng nằm yên tĩnh của bạn và làm theo hướng dẫn nín thở trong khi chụp. Nếu bạn lo lắng, bối rối hoặc đau dữ dội, bạn có thể cảm thấy khó nằm yên trong khi chụp, do đó ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh.
- Một người quá kích cỡ có thể không phù hợp với một số loại máy MRI.
- Cấy ghép và các vật thể kim loại khác trong cơ thể có thể gây khó khăn cho việc thu được hình ảnh rõ nét. Cử động của bệnh nhân có thể có ảnh hưởng tương tự.
- Nhịp tim rất bất thường có thể ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh. Điều này là do một số kỹ thuật hình ảnh có dựa trên hoạt động điện của tim.
- Mặc dù chưa có bằng chứng gì để thấy rằng MRI gây hại cho thai nhi, do vậy phụ nữ mang thai không nên chụp MRI trong 3 tháng đầu tiên trừ khi có chỉ định cần thiết về mặt y tế.
- Để có kết quả tối ưu, bệnh nhân nên sử dụng toàn bộ lượng thuốc cản quang đường uống, nằm yên và tuân theo hướng dẫn thở của kỹ thuật viên. Hơn nữa, kết quả có thể bị ảnh hưởng nếu bệnh nhân không thể sử dụng được chất cản quang tĩnh mạch (gadolinium).
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đưa vào sử dụng máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla công nghệ Silent. Máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla với công nghệ Silent của hãng GE Healthcare (Hoa Kỳ).
- Công nghệ Silent đặc biệt có lợi cho các trường hợp người bệnh là trẻ em, người già, người bệnh sức khỏe yếu và người bệnh đang phẫu thuật
- Hạn chế gây ra tiếng ồn, tạo sự thoải mái và giảm căng thẳng cho khách hàng trong quá trình chụp, giúp cho việc thu hình đạt chất lượng tốt hơn và rút ngắn thời gian chụp.
- Công nghệ chụp cộng hưởng từ là công nghệ được áp dụng trong phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến, an toàn bậc nhất hiện nay bởi sự chính xác, không xâm lấn và không dùng tia X.
Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình đảm bảo an toàn cộng hưởng từ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.