Thuốc Tulextam tác dụng kháng viêm, kháng dị ứng và ức chế miễn dịch. Thuốc được chỉ định trong điều trị viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến và viêm da cơ toàn thân... Cùng tìm hiểu về các lưu ý khi sử dụng thuốc Tulextam qua bài viết dưới đây.
1. Tulextam là thuốc gì?
Thuốc Tulextam chứa hoạt chất Triamcinolone Acetonide, bào chế dưới dạng dung dịch tiêm truyền chứa 80mg/ 2ml.
Hoạt chất Triamcinolone Acetonide là 1 glucocorticoid tổng hợp có chứa Fluor tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Tác dụng giữ muối, giữ nước yếu hơn so với các Glucocorticoid khác nhưng kéo dài hơn so với Prednisolon. Với liều cao toàn thân, Triamcinolone tác dụng ức chế Hormon vỏ thượng thận từ tuyến yên, vỏ thượng thận ngừng bài tiết Corticosteroid.
Thuốc Tulextam được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Điều trị triệu chứng trong viêm khớp dạng thấp, viêm đốt sống do thấp, viêm mỏm lồi cầu, viêm khớp vảy nến và viêm da cơ toàn thân;
- Hội chứng Steven – Johnson, Pemphigus, vảy nến nặng, sẹo lồi, phù mạch, liken phẳng và hội chứng Hamman – Rich;
- Phối hợp với thuốc lợi tiểu trong điều trị xơ gan báng bụng và suy tim sung huyết;
- Phản ứng viêm sau phẫu thuật răng.
2. Liều dùng của thuốc Tulextam
Tulextam thuộc nhóm thuốc kê đơn, vì vậy liều sử dụng cần được chỉ định bởi bác sĩ dựa trên tình trạng người bệnh.
Một số khuyến cáo về liều thuốc Tulextam như sau:
- Đường toàn thân: Tiêm bắp 1 ống thuốc vào cơ mông, liều thuốc có thể lặp lại với khoảng cách 1 – 5 tuần;
- Đường tại chỗ: Tiêm thuốc vào khoang hoạt dịch, trực tiếp vào bao gân, nang hoặc sang thương với liều 20mg ở tổn thương nhỏ và 40 – 80mg đối với tổn thương lớn. Không tiêm thuốc vào nơi nhiễm trùng, không tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm trong da.
Lưu ý: Liều thuốc Tulextam trình bày ở trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều thuốc cụ thể trên từng người bệnh được chỉ định bởi bác sĩ dựa vào tình trạng bệnh.
3. Tác dụng phụ của thuốc Tulextam
Thuốc Tulextam có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
- Đường dùng tại chỗ: Thủng gân, hoại tử xương, đỏ da và teo da tại vị trí tiêm;
- Đường dùng toàn thân: Tăng huyết áp, phù, loét dạ dày – tá tràng, dễ nhiễm trùng, vết thương chậm lành sẹo, tăng đường huyết gây đái tháo đường hoặc nặng thêm tình trạng tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường, teo cơ, nhược cơ, mỏi cơ, xốp xương, loãng xương, suy thượng thận cấp khi ngưng thuốc đột ngột, mất ngủ, đục thủy tinh thể và rối loạn tâm thần.
Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng không mong muốn trong thời gian điều trị bằng thuốc Tulextam.
4. Lưu ý khi sử dụng
Chống chỉ định sử dụng thuốc Tulextam trong những trường hợp sau:
- Người bệnh mẫn cảm với Triamcinolone hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc;
- Người bệnh nhiễm lao, nhiễm siêu vi hoặc nấm toàn thân;
- Người bệnh bị ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
Thận trọng khi sử dụng thuốc Tulextam ở những người bệnh sau:
- Viêm loét dạ dày – tá tràng tiến triển;
- Tăng huyết áp;
- Suy tim sung huyết;
- Nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch;
- Viêm tĩnh mạch huyết khối;
- Co giật, suy thận, đái tháo đường, nhiễm trùng đề kháng thuốc kháng sinh;
- Nhược giáp, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú.
5. Tương tác thuốc
Thuốc Tulextam có thể gây tương tác với các thuốc Rifampicin, Barbiturate, Ketoconazole, thuốc ngừa thai dạng uống, Salicylate và Digitalis.
Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của thuốc Tulextam, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Tulextam.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Tulextam, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Tulextam là thuốc kê đơn, bạn tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.