Thuốc Letrozole được biết đến là thuốc điều trị ung thư vú từ giai đoạn xâm nhiễm sớm đến khi tiến triển, di căn. Việc dùng thuốc Letrozole trong điều trị bắt buộc phải có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.
1. Thuốc Letrozole có tác dụng gì?
Letrozole thuộc nhóm thuốc chống ung thư, thuốc ức chế aromatase và tác động vào hệ thống miễn dịch, có thành phần chính là Letrozole. Letrozole có tác dụng ức chế sinh tổng hợp oestrogen và kháng ung thư.
Letrozole được bào chế dưới dạng viên nén bao phim 2,5mg và được chỉ định dùng trong những trường hợp sau:
- Điều trị ung thư vú giai đoạn tiến triển ở phụ nữ đã mãn kinh, nhưng trước đó gặp thất bại trong việc điều trị bằng thuốc oestrogen hoặc tamoxifen.
- Điều trị ung thư vú giai đoạn xâm nhiễm sớm ở phụ nữ đã mãn kinh, nhưng trước đó đã được điều trị với tamoxifen.
- Điều trị trước khi tiến hành phẫu thuật để giữ nhũ hoa ở phụ nữ ung thư vú nhưng đã mãn kinh và dương tính với receptor hormone.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Letrozole
Letrozole được dùng theo đường uống, nên uống thuốc trước hoặc sau khi ăn để thức ăn không ảnh hưởng đến khả năng hấp thu thuốc. Trong quá trình dùng thuốc, cần bổ sung canxi và vitamin D hàng ngày để dự phòng loãng xương.
Liều dùng thuốc Letrozole được khuyến cáo là 2,5mg/lần/ngày. Nếu người bệnh không đáp ứng với thuốc hoặc bệnh trở nên nặng hơn thì cần ngừng dùng thuốc.
Tiếp tục điều trị bằng thuốc Letrozole ở người bệnh ung thư vú đã di căn hoặc giai đoạn muộn đến khi thấy rõ khối u tiến triển. Việc điều trị có thể kéo dài trong 5 năm hoặc tái phát khối u ở người bệnh sử dụng thuốc để điều trị hỗ trợ và hỗ trợ kéo dài.
Letrozole được dùng từ 4 - 8 tháng để làm giảm kích thước khối u như là một biện pháp tân bổ trợ. Tuy nhiên, có thể ngừng thuốc khi khả năng đáp ứng thuốc kém, thay vào đó nên tiến hành phẫu thuật hoặc các biện pháp điều trị khác.
Ở một số nhóm đối tượng khác, bệnh nhân cao tuổi không cần điều chỉnh liều dùng. Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc Letrozole ở bệnh nhân suy gan mức độ nhẹ và trung bình, nhưng giảm liều 50% ở bệnh nhân suy gan, xơ gan nặng. Đối với bệnh nhân suy thận có độ thanh thải Clcr trên 10ml/phút không cần điều chỉnh liều dùng.
Trong trường hợp quá liều thuốc Letrozole, người bệnh cần được điều trị triệu chứng, theo dõi dấu hiệu sống và cách chăm sóc hỗ trợ. Nếu phát hiện sớm tình trạng quá liều, có thể tiến hành gây nôn.
3. Tác dụng phụ của thuốc Letrozole
Letrozole có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn với tần suất xuất hiện như sau:
- Thường gặp: Tăng huyết áp, đau ngực, phù, bốc hỏa, tắc mạch ngoại biên. Chóng mặt, đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi, trầm cảm. Tăng canxi và mỡ máu. Đau bụng, chán ăn, nôn, tiêu chảy, táo bón, tăng hoặc sụt cân. Tăng transaminase, bilirubin máu trên mức bình thường, chủ yếu ở người bệnh có khối u ác tính di căn gan. Loãng xương, đau mỏi tay, chân, đau lưng, đau xương khớp, yếu cơ, viêm khớp. Letrozole thường gây ho, khó thở, tràn dịch màng phổi. Khô ngứa âm đạo, chảy máu âm đạo, nhiễm trùng đường tiết niệu. Giảm bạch cầu lympho, tiểu cầu. Nổi mẩn đỏ, ngứa, rụng tóc, đổ mồ hôi, đặc biệt là về đêm.
- Ít gặp: Letrozole ít gây mất ngủ, buồn ngủ, suy giảm trí nhớ, rối loạn cảm giác, rối loạn trương lực cơ, viêm gân, hội chứng ống cổ tay. Giảm bạch cầu, lo lắng, cáu kỉnh, đau khối u. Thiếu máu cục bộ ở tim, tai biến mạch máu não, viêm tắc tĩnh mạch, nhịp tim nhanh. Mờ mắt, kích ứng mắt, đục thủy tinh thể. Viêm miệng, khô miệng.
- Chưa xác định tần suất: Phản ứng phản vệ, nổi hồng ban đa dạng, phù mạch, hoại tử biểu bì nhiễm độc, viêm gan.
Nếu thấy có bất kỳ biểu hiện lạ nào sau khi dùng thuốc Letrozole, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ hoặc sớm đến cơ sở y tế để được kiểm tra.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Letrozole
- Không dùng thuốc Letrozole ở người bị quá mẫn với thành phần của thuốc, phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai, phụ nữ đang nuôi con cho bú, phụ nữ chưa đến giai đoạn mãn kinh.
- Việc bảo quản hay vận chuyển, tiêu hủy thuốc Letrozole cần thận trọng.
- Bệnh nhân suy gan cần sử dụng thuốc Letrozole thận trọng và được điều chỉnh liều dùng.
- Phụ nữ chưa đến giai đoạn mãn kinh cần sử dụng Letrozole thận trọng và trước khi điều trị cần được xét nghiệm kiểm tra nồng độ estradiol, FSH, LH.
- Thuốc Letrozole chưa được sử dụng ở trẻ em, vì độ an toàn và tính hiệu quả chưa được nghiên cứu, thiết lập.
- Phụ nữ đang mang thai chỉ được sử dụng thuốc Letrozole trong trường hợp thật sự cần thiết khi tình trạng nguy hiểm mà không có thuốc điều trị khác thay thế. Còn phụ nữ đang nuôi con cho bú muốn dùng thuốc thì phải ngừng cho con bú.
- Hạn chế hoạt động lái xe hoặc điều khiển, vận hành máy móc khi dùng Letrozole vì thuốc có thể gây mệt mỏi, chóng mặt, ngủ gà.
- Letrozole có thể tương tác với các thuốc sau: giảm nồng độ của thuốc khi dùng đồng thời với Tamoxifen, thuốc điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen; giảm tác dụng dược lý của thuốc khi dùng cùng với các estrogen; chuyển hóa thuốc thay đổi nếu dùng cùng với isoenzym 3A4 và 2A6, CYP2A6 và CYP2C19.
- Để hạn chế những ảnh hưởng do tương tác thuốc gây ra, trước khi điều trị với Letrozole, người bệnh cần cho bác sĩ biết tình trạng bệnh và các loại thuốc đang sử dụng hoặc điều trị trước đó.
Công dụng của thuốc Letrozole là ức chế sinh tổng hợp oestrogen và kháng ung thư. Với công dụng này, thuốc chủ yếu được dùng trong điều trị ung thư vú ở phụ nữ đã mãn kinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.