Catoprine thuộc nhóm thuốc chống ung thư và tác động vào hệ thống miễn dịch. Catoprine có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy người bệnh cần dùng thuốc Catoprine theo đúng chỉ định của bác sĩ.
1. Catoprine là thuốc gì?
Catoprine là thuốc độc bảng A, có dạng bào chế viên nén, quy cách đóng gói là hộp 10 vỉ x 10 viên. Catoprine có thành phần chính là Mercaptopurine.
Thành phần Mercaptopurin trong thuốc Catoprine là 1 trong những chất tương tự purin, có khả năng ngăn cản sinh tổng hợp acid nucleic. Mercaptopurin cạnh tranh với guanin và hypoxanthin về enzym hypoxanthin-guanin phosphoribosyltransferase (HGPRTase). Khi được hấp thụ, Catoprine được chuyển hoá trong tế bào và trở thành 1 ribonucleotid, có công dụng đối kháng purin. Kết quả là sẽ tổng hợp DNA và RNA bị ức chế.
Đặc biệt, Mercaptopurin cũng được biết đến là 1 thuốc giảm miễn dịch mạnh. Thuốc có khả năng ức chế mạnh đáp ứng miễn dịch ban đầu, 1 ít tác dụng ức chế đáp ứng miễn dịch tế bào và ức chế chọn lọc miễn dịch thể dịch.
2. Chỉ định của thuốc Catoprine
Thuốc Catoprine được chỉ định để điều trị:
- Các thể bạch cầu cấp;
- Bệnh sarcôm;
- Bệnh bạch cầu tủy mạn;
- Các bệnh tự miễn.
3. Chống chỉ định của thuốc Catoprine
Chống chỉ định sử dụng thuốc Catoprine trong trường hợp:
- Phụ nữ đang cho con bú;
- Người bị giảm bạch cầu nặng;
- Người đang bị giảm tiểu cầu kèm chảy máu;
- Người đang bị tổn thương gan.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Catoprine
Cách sử dụng: Thuốc Catoprine dùng bằng đường uống.
Liều dùng:
- Đối với người lớn: Từ 2- 2,5mg/ kg/ ngày x 2 lần.
- Mỗi đợt điều trị bằng thuốc Catoprine khoảng 3 - 4 tuần.
Cách xử trí khi quên liều, quá liều thuốc Catoprine:
- Trong trường hợp quên liều thuốc Catoprine thì nên bổ sung bù càng sớm càng tốt. Tuy nhiên nếu thời gian gần đến lần sử dụng tiếp theo thì nên bỏ qua liều Catoprine đã quên và sử dụng liều mới.
- Khi sử dụng thuốc Catoprine quá liều thì có thể gây chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn hoặc chậm như rối loạn chức năng gan, suy tủy và viêm dạ dày - ruột. Người bệnh cần ngừng thuốc ngay lập tức và đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Catoprine
Ở liều điều trị, thuốc Catoprine được dung nạp tốt. Tuy nhiên, quá trình sử dụng Catoprine, người bệnh vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ như:
- Thường gặp: Tăng bilirubin huyết, tăng GOT, tăng phosphatase kiềm, ứ mật trong gan, vàng da, tăng acid uric huyết, tăng sắc tố mô, buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn, viêm miệng, đau dạ dày, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu, viêm niêm mạc và nhiễm độc thận.
- Ít gặp: Da khô, sốt do thuốc, bong tróc vảy, phân hắc ín, viêm lưỡi và tăng bạch cầu ưa eosin.
Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Catoprine và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
5. Tương tác của thuốc Catoprine
Catoprine có thể xảy ra phản ứng tương tác nếu dùng đồng thời với:
- Thuốc Allopurinol;
- Thuốc chống đông warfarin.
Để tránh tình trạng tương tác, trước khi được kê đơn Catoprine thì người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Catoprine phù hợp.
6. Thận trọng khi dùng thuốc Catoprine
- Người bệnh chỉ nên dùng thuốc Catoprine theo chỉ định của bác sĩ.
- Catoprine có thể gây suy tủy nặng, do đó quá trình sử dụng người bệnh phải kiểm tra máu thường xuyên. Nếu bị giảm bạch cầu và tiểu cầu thì cần ngừng thuốc Catoprine.
- Catoprine có khả năng gây độc cho gan. Vì vậy cần thường xuyên kiểm tra chức năng gan trong quá trình sử dụng thuốc.
- Thận trọng khi sử dụng Catoprine cho phụ nữ đang mang thai và nuôi con bú.
- Thuốc có thể gây đột biến, hư hại nhiễm sắc thể trong cơ thể người bệnh. Do đó cần thận trọng khi dùng Catoprine.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Catoprine, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Catoprine điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.