Cadifamo là thuốc thuộc nhóm thuốc chẹn histamine, phát huy tốt hiệu quả trong việc giảm sản xuất axit dạ dày để góp phần điều trị và ngăn ngừa loét dạ dày – tá tràng. Ngoài ra, thuốc được sử dụng phổ biến cho bệnh nhân mắc hội chứng tăng tiết axit dạ dày cùng một số bệnh lý thường gặp khác.
1. Thuốc Cadifamo có tác dụng gì?
Thuốc Cadifamo có tác dụng gì? Thuốc Cadifamo có chứa thành phần chính là Famotidin 40mg - hoạt chất có công thức tương tự như histamin được cơ thể sản sinh.
Cơ chế hoạt động của hoạt chất Famotidin là gây ức chế cạnh tranh tác dụng của histamin ở thụ thể H2 tại vị trí tế bào vách. Từ đây, Famotidin có khả năng giảm tiết và giảm nồng độ acid dạ dày, đặc biệt ngay khi bị kích thích do thức ăn, histamin hoặc pentagastrin. Tuy nhiên, do thuốc tách chậm khỏi thụ thể nên dẫn đến hoạt tính đối kháng histamin ở thụ thể H2 của Famotidin phục hồi chậm.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Cadifamo
2.1. Chỉ định
Thuốc Cadifamo được chỉ định sử dụng trong những trường hợp sau:
- Bệnh nhân bị loét dạ dày cấp tính lành tính hoặc loét tá tràng cấp tính.
- Cadifamo hỗ trợ điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
- Bệnh lý tăng tiết đường tiêu hóa (Thường gặp ở các hội chứng Zollinger - Ellison, đa u tuyến nội tiết).
Ngoài ra, thuốc Cadifamo có thể được sử dụng trong một số trường hợp khác khi có chỉ định của bác sĩ.
2.2. Chống chỉ định
Cadifamo chống chỉ định với các trường hợp sau:
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng và mẫn cảm với thành phần Famotidin trong thuốc hoặc có tiền sử dị ứng với thuốc chẹn histamin H2.
- Người được chẩn đoán suy giảm hệ miễn dịch, suy gan, thận nặng.
- Người có khối u ác tính ở dạ dày, mắc bệnh hen suyễn nặng hoặc tắc nghẽn phổi mãn tính.
Để giảm thiểu rủi ro khi dùng thuốc Cadifamo, bạn nên thông báo cho bác sĩ về tiền sử dị ứng và tình trạng bệnh lý để được cân nhắc sử dụng.
3. Cách dùng và liều dùng Cadifamo
Cadifamo được sử dụng qua đường uống, người bệnh nên dùng thuốc ngay sau khi ăn với liều dùng tham khảo như sau:
- Bệnh nhân bị loét dạ dày cấp tính lành tính: Sử dụng thuốc với liều dùng 1 viên/ ngày vào giờ đi ngủ.
- Bệnh nhân bị loét tá tràng cấp tính: Sử dụng thuốc với liều dùng 1 viên/ ngày vào giờ đi ngủ, uống trong từ 4 - 8 tuần.
- Bệnh nhân bị viêm thực quản có trợt loét kèm theo trào ngược: Sử dụng thuốc với liều dùng 1 viên x2 lần/ ngày, duy trì thuốc cho tới 12 tuần.
- Người mắc các bệnh lý tăng tiết dịch vị (Zollinger - Ellison, đa u tuyến nội tiết): Sử dụng thuốc với liều khởi đầu ở người lớn là 20 mg/ lần/ 6 giờ, có thể tăng liều cao hơn ở một số người bệnh, tối đa là 160mg/ lần cách 6 giờ cho một số người có hội chứng Zollinger - Ellison nặng (Nếu cần bệnh nhân có thể dùng đồng thời thuốc chống acid).
- Người suy thận nặng (kiểm tra có hệ số thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút): Chú ý khoảng cách dùng thuốc cần phải kéo dài tới 36 - 48 giờ hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
4. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Cadifamo
Trong quá trình sử dụng thuốc Cadifamo, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau:
- Tác dụng phụ thường gặp: Xuất hiện cảm giác nhức đầu, chóng mặt, táo bón, tiêu chảy.
- Tác dụng phụ ít gặp: Sốt, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, loạn nhịp, vàng da ứ mật, enzyme gan bất thường, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, bụng khó chịu, khô miệng, choáng phản vệ, phù mạch, phù mắt, phù mặt, mày đay. Một số trường hợp dễ xuất hiện phát ban, xung huyết kết mạc, đau cơ xương khớp, co giật toàn thân, ảo giác, lú lẫn, kích động. Đôi khi người bệnh có cảm giác trầm cảm lo âu, suy giảm tình dục, dị cảm, mất ngủ, ngủ gà, co thắt phế quản, mất vị giác, ù tai.
- Tác dụng phụ hiếm gặp: Block nhĩ thất, đánh trống ngực, đôi khi xuất hiện giảm bạch cầu hạt. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị giảm huyết cầu toàn thể, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể bị hoại tử da nhiễm độc, rụng tóc, trứng cá, ngứa, khô da, đỏ ửng, liệt dương, vú to ở đàn ông.
Về cơ bản, khi xuất hiện bất cứ tác dụng phụ nào, bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ để được hỗ trợ tốt nhất.
5. Tương tác thuốc Cadifamo
Cadifamo có thể tương tác với một số thức ăn, thuốc kháng acid làm giảm nhẹ sinh khả dụng của Cadifamo nhưng không ảnh hưởng quan trọng đến tác dụng lâm sàng.
6. Thận trọng khi dùng thuốc Cadifamo
- Người bệnh cần thăm khám, loại trừ trường hợp bị u ác tính trước khi điều trị bằng Cadifamo, vì thuốc có thể che lấp các triệu chứng, do đó làm muộn chẩn đoán.
- Ở người suy thận (độ thanh thải dưới 10 ml/ phút) cần giảm liều Cadifamo hoặc tăng thời khoảng giữa các liều dùng.
- Sau khi điều trị thuốc Cadifamo liên tục 2 tuần mà các triệu chứng không giảm, người bệnh nên ngừng thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.
- Chỉ dùng Cadifamo cho người mang thai khi thật cần thiết. Ngoài ra, hoạt chất trong Cadifamo có bài tiết qua sữa mẹ, do đó người mẹ nên ngừng cho con bú trong thời kỳ dùng thuốc.
- Thận trọng khi lái xe và vận hành máy móc, vì Cadifamo có thể gây nhức đầu, choáng váng trên một số đối tượng.
Như vậy, các bạn vừa cùng tham khảo một số thông tin liên quan đến thuốc Cadifamo. Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo mang đến hiệu quả điều trị tốt nhất, đồng thời tránh được những tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.