Thuốc Pantoprazole SODIUM được chỉ định trong điều trị một số vấn đề về dạ dày và thực quản như trào ngược dạ dày, ngăn ngừa loét,... Bên cạnh đó, thuốc Pantoprazole còn làm giảm các triệu chứng ợ chua, khó nuốt và ho dai dẳng.
1. Công dụng của thuốc Pantoprazole SODIUM
Thuốc Pantoprazole SODIUM thuộc nhóm thuốc được gọi là thuốc ức chế bơm proton (PPI), được sử dụng trong chỉ định điều trị một số vấn đề về dạ dày và thực quản như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, chữa lành các tổn thương do acid gây ra, ngăn ngừa loét và có thể ngăn ngừa ung thư thực quản. Thuốc Pantoprazole hoạt động bằng cách làm giảm lượng acid trong dạ dày, từ đó làm giảm các triệu chứng như ợ chua, khó nuốt, và ho dai dẳng.
2. Cách sử dụng thuốc Pantoprazole SODIUM
Thuốc Pantoprazole SODIUM được bào chế dưới dạng viên nén nên thuốc được sử dụng bằng đường uống. Uống toàn bộ viên thuốc, không chia nhỏ, nghiền nát hoặc nhai thuốc, vì như vậy sẽ làm giải phóng toàn bộ thuốc cùng một lúc và có thể gây ra phản ứng không mong muốn. Đối với thuốc gói dạng hạt cần uống trước bữa ăn 30 phút, pha thuốc với nước và uống từng ngụm, không nghiền nát hoặc nhai các hạt thuốc.
Liều lượng và thời gian điều trị cần dựa trên tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng của người bệnh. Sử dụng thuốc đều đặn, đúng thời gian để đạt được nhiều lợi ích nhất. Ngoài ra, khi thấy tình trạng bệnh tốt hơn vấn tiếp tục sử dụng thuốc trong thời gian điều trị theo quy định, không tự ý dừng hay bỏ uống thuốc.
3. Tác dụng phụ của thuốc Pantoprazole SODIUM
Một số tác dụng không mong muốn của thuốc Pantoprazole SODIUM bao gồm:
- Nhức đầu
- Tiêu chảy
- Nguy cơ gãy xương
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Nồng độ magie trong máu thấp: bệnh nhân sẽ có những triệu chứng như nhịp tim nhanh hoặc chậm, co thắt cơ dai dẳng, co giật,...
- Các dấu hiệu của bệnh Lupus: phát ban trên mũi má, đau khớp,...
- Các vấn đề về đường ruột: tiêu chảy liên quan đến clostridium difficile, tiêu chảy kéo dài, phân nhầy máu,... Do đó, không sử dụng thuốc chống tiêu chảy hoặc opioid.
- Thiếu hụt vitamin B12: tình trạng này rất hiếm gặp, tuy nhiên nguy cơ tăng lên nếu sử dụng thuốc hàng ngày trong thời gian dài (từ 3 năm hoặc lâu hơn). Bệnh nhân sẽ có những triệu chứng như yếu bất thường, đau lưỡi, tê hoặc ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân.
- Phản ứng dị ứng: khó thở, phát ban, ngứa sưng đặc biệt là vùng mặt, lưỡi, hoặc cổ họng, ...
- Các dấu hiệu về thận: thay đổi lượng nước tiểu
Để phòng ngừa tối đa các tác dụng không mong muốn, bệnh nhân cần phải thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng cũng như tiền sử bệnh hiện mắc đặc biệt là bệnh gan, lupus,... để bác sĩ chỉ định đơn thuốc phù hợp.
4. Các lưu ý khi sử dụng thuốc Pantoprazole SODIUM
Những lưu ý khi sử dụng thuốc Pantoprazole SODIUM bao gồm:
- Bổ sung canxi và vitamin D: ngăn ngừa nguy cơ gãy xương, mất xương đặc biệt đối với những người đã sử dụng thuốc lâu ngày với liều lượng cao
- Người lớn tuổi thường nhạy cảm với thuốc hơn và có nguy cơ mắc tác dụng phụ cao hơn, do vậy cần lưu ý khi sử dụng thuốc ở người già
- Phụ nữ có thai: chỉ nên sử dụng khi thật sự cần thiết trong thời kỳ mang thai
Bên cạnh đó, nếu bị nhỡ liều thuốc, hãy uống ngay lập tức nếu nhớ ra hoặc bỏ qua liều đã quên nếu thời điểm đó gần với liều tiếp theo. Tuyệt đối không được gấp đôi liều hay bỏ thuốc.
5. Tương tác thuốc
Một số loại thuốc khi sử dụng cùng với Pantoprazole SODIUM có thể gây ra tương tác thuốc và làm thay đổi cách hoạt động của thuốc, hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng. Các thuốc có tương tác với Pantoprazole SODIUM bao gồm:
- Methotrexate
- Ampicillin
- Atazanavir
- Erlotinib
- Nelfinavir
- Pazopanib
- Rilpivirine
- Một số loại thuốc kháng nấm azole: itraconazole, ketoconazole, posaconazole
Ngoài ra, thuốc có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm như xét nghiệm nước tiểu tìm tetrahydrocannabinol, xét nghiệm máu tìm một số khối u nhất định,... Do vậy, bệnh nhân cần lưu lại đơn thuốc đang sử dụng để bác sĩ có hướng chỉ định thuốc phù hợp.
6. Cách bảo quản thuốc
Thuốc Pantoprazole SODIUM cần được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ phòng và tránh khỏi ánh sáng và hơi ẩm. Giữ thuốc tránh xa trẻ em và vật nuôi trong gia đình. Ngoài ra, khi thuốc hết hạn hay không còn cần thiết, hãy sử lý thuốc theo chỉ dẫn của dược sĩ hoặc công ty xử lý chất thải địa phương, không được xả thuốc vào nguồn nước khi không có chỉ dẫn để tránh ô nhiễm môi trường.
Tóm lại, thuốc Pantoprazole SODIUM là thuốc thuộc nhóm ức chế proton được sử dụng trong chỉ định điều trị một số vấn đề về dạ dày và thực quản như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, chữa lành các tổn thương do acid gây ra, ngăn ngừa loét và có thể ngăn ngừa ung thư thực quản. Bên cạnh đó thuốc làm giảm các triệu chứng như ợ chua, khó nuốt, và ho dai dẳng. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc bừa bãi không theo chỉ định của bác sĩ có thể gây ra những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng. Vì vậy, cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, khi thấy có những dấu hiệu bất thường như đau đầu, đau bụng, vã mồ hôi, rối loạn tiêu hóa,... cần thông báo ngay với nhân viên y tế để được can thiệp kịp thời.
Nguồn tham khảo: webmd.com