Công dụng thuốc Cabazitaxel

Thuốc Cabazitaxel là thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh ung thư bằng cách ức chế sự phân chia và tăng trưởng của tế bào. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn đọc về loại thuốc này.

1. Cabazitaxel là thuốc gì?

Cabazitaxel là thuốc có tác dụng giúp tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách ức chế sự phân chia và tăng trưởng của tế bào. Thuốc hoạt động thông qua cơ chế ức chế sự phát triển và lắp ráp vi ống và các quá trình cần thiết khác để tế bào phân chia.

2. Cách sử dụng thuốc Cabazitaxel

Cabazitaxel được đưa vào cơ thể bằng cách truyền qua đường tĩnh mạch (IV) và liều lượng thuốc sẽ dựa trên thể trạng của bệnh nhân. Trước khi sử dụng bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng một số thuốc bao gồm thuốc kháng histamin (Diphenhydramine), corticosteroid (Dexamethasone), và thuốc chẹn H2 (Famotidine) để giảm một số nguy cơ có thể xảy ra phản ứng trong khi truyền dịch.

Nồng độ của thuốc phân bổ trong máu có thể bị ảnh hưởng bởi một số loại thuốc như: Ketoconazole, posaconazole, itraconazole, clarithromycin, voriconazole và một số loại thuốc kháng retrovirus được sử dụng để điều trị HIV như carbamazepine, phenytoin, phenobarbital, rifampin và St. John's wort. Do đó, bệnh nhân cần báo cáo với bác sĩ đầy đủ các loại thuốc mà bản thân đang sử dụng.

3. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng Cabazitaxel

Một số tác dụng phụ phổ biến mà bệnh nhân cần lưu ý trước khi sử dụng bao gồm

  • Giảm số lượng bạch cầu

Tế bào bạch cầu (WBC) có vai trò rất quan trọng để chống lại các phản ứng nhiễm trùng của cơ thể. Trong suốt quá trình sử dụng thuốc có thể khiến số lượng bạch cầu của bệnh nhân giảm xuống làm họ có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn. Cần thông báo cho bác sĩ ngay khi cơ thể có phản ứng sốt trên 38°C, đau họng hoặc cảm lạnh, khó thở, ho, nóng rát khi đi tiểu hoặc những cơn đau kéo dài.

  • Thiếu máu

Khi số lượng các tế bào hồng cầu giảm quá mức sẽ làm cho bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi. Nguyên nhân do những tế bào này có trách nhiệm mang oxy đến các mô trong cơ thể nên khi tình trạng này xảy ra bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở hoặc tức ngực. Trong trường hợp số lượng quá ít thì bệnh nhân có thể được truyền máu.

  • Giảm số lượng tiểu cầu

Tiểu cầu có chức năng giúp cho quá trình đông cầm máu, vì vậy khi số lượng giảm xuống thấp làm cho người bệnh có nguy cơ chảy máu kéo dài. Khi cơ thể xuất hiện những vết bầm tím hoặc chảy máu bất thường ở các vị trí như mũi, nướu răng hoặc trong phân hay nước tiểu có lẫn máu nên báo ngay với bác sĩ để có biện pháp xử trí thích hợp. Tương tự như truyền máu, khi lượng tiểu cầu giảm xuống thấp thì bệnh nhân sẽ được chỉ định truyền tiểu cầu.

  • Tiêu chảy

Đây là tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng các loại thuốc điều trị ung thư. Để làm giảm tình trạng này, bệnh nhân có thể xây dựng chế độ ăn uống với các loại thực phẩm ít chất xơ, không ăn mặn. Tránh ăn trái cây sống, rau, bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc và hạt. Một số dạng chất xơ hòa tan như nước sốt táo, chuối chín, khoai tây luộc, trái cây đóng hộp, phần cam,, gạo trắng, các sản phẩm làm từ bột mì trắng, kem gạo, bột yến mạch, kem lúa mì và khoai tây chiên. Ngoài ra, bệnh nhân nên chú ý uống nhiều nước để bù lại phần nước bị mất do tiêu chảy.

  • Mệt mỏi

Đây là cảm giác mà nhiều bệnh nhân thường gặp trong quá trình điều trị ung thư. Tình trạng này thường không giảm mặc dù đã được nghỉ ngơi nhiều. Bệnh nhân cần sắp xếp thời gian hoặc công việc để được nghỉ ngơi đầy đủ và dành năng lượng cho các hoạt động quan trọng hơn.

  • Táo bón

Một số biện pháp giúp làm giảm táo bón mà bệnh nhân nên cân nhắc áp dụng như ăn nhiều chất xơ trong chế độ ăn hằng ngày bằng trái cây và rau, uống đủ nước mỗi ngày và tăng cường tập luyện thể thao vừa với sức mình. Ngoài ra có thể sử dụng thuốc làm mềm phân một hoặc hai lần mỗi ngày có thể ngăn ngừa táo bón.

Ngoài ra, có một số tác dụng phụ ít phổ biến hơn bao gồm:

  • Phản ứng dị ứng: Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể có phản ứng dị ứng với các biểu hiện như thở nhanh hoặc khó thở, đau ngực, phát ban, đỏ bừng hoặc ngứa, tức ngực hoặc cổ họng, sưng mặt, chóng mặt hoặc ngất xỉu. Do đó, trong quá trình truyền dịch nếu có bất kỳ bất thường nào thì cần báo ngay cho nhân viên y tế để xử trí.
  • Chảy máu đường tiêu hóa: Thuốc này có thể gây chảy máu hoặc thủng thành ruột . Các dấu hiệu của những vấn đề này bao gồm: Chảy máu bất thường, trong phân có máu hoặc phân màu đen, ho ra máu, nôn ra máu, chất nôn trông giống như bã cà phê, sốt, đau bụng dữ dội.

Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng về thuốc Cabazitaxel. Việc nắm rõ công dụng, liều dùng sẽ giúp quá trình sử dụng thuốc được hiệu quả hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: oncolink.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe