Hướng dẫn sử dụng thuốc chữa viêm mũi dị ứng hiệu quả

Bài viết được viết bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Bích Phượng - Dược sĩ lâm sàng, Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Việc điều trị viêm mũi dị ứng bao gồm việc giảm tiếp xúc với chất gây dị ứng và các yếu tố khác kết hợp với điều trị thuốc. Phương pháp điều trị kết hợp này có hiệu quả ở hầu hết bệnh nhân. Tránh các yếu tố kích hoạt viêm mũi dị ứng: Ví dụ: Tránh tiếp xúc với lông chó mèo, môi trường nhiều khói bụi, ô nhiễm.

1. Điều trị viêm mũi dị ứng

Các thuốc trị viêm mũi dị ứng:

1.1 Thuốc xịt mũi chứa glucocorticoid

Ví dụ: Fluticasone (Biệt dược: Avamys 27.5mcg), Mometasone (Biệt dược: Nasonex 50mcg):

Cơ chế tác dụng của glucocorticoid dùng tại chỗ là phối hợp tác dụng chống viêm, chống ngứa và tác dụng co mạch.

Đây là lựa chọn điều trị đầu tiên của các loại thuốc trị viêm mũi dị ứng. Những loại thuốc này có ít tác dụng phụ và làm giảm đáng kể các triệu chứng ở hầu hết bệnh nhân. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng glucocorticoid xịt mũi có hiệu quả hơn thuốc kháng histamin đường uống để giảm triệu chứng.

Nếu bạn có các triệu chứng nghiêm trọng, bạn có thể cần sử dụng thuốc trị nghẹt mũi vài ngày trước khi bắt đầu sử dụng glucocorticoid xịt mũi để thuốc xịt mũi có thể tiếp xúc và có tác dụng trên diện rộng trong mũi.

Một số người nhận thấy triệu chứng thuyên giảm ngay trong ngày đầu tiên xịt mũi bằng glucocorticoid, mặc dù có thể mất vài ngày đến vài tuần để nhận thấy hiệu quả đầy đủ. Do đó, thuốc có hiệu quả nhất khi được sử dụng thường xuyên.


Thuốc xịt mũi chứa glucocorticoid
Thuốc xịt mũi chứa glucocorticoid

Thuốc xịt mũi hiệu quả tốt nhất khi:

  • Chúng được sử dụng đúng cách.
  • Thuốc vẫn còn trong mũi thay vì chảy xuống phía sau cổ họng.

Cách sử dụng thuốc xịt mũi:

  • Nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý để loại bỏ chất nhày, bụi bẩn trước khi sử dụng thuốc xịt mũi.
  • Lắc kỹ bình xịt trước mỗi lần sử dụng. Trước khi sử dụng lần đầu, mồi bơm bằng cách xịt khoảng 10 nhát cho tới khi thấy phun sương đồng nhất. Nếu không sử dụng bình xịt trong vòng 14 ngày hoặc lâu hơn, mồi lại bơm bằng 2 nhát xịt cho tới khi phun sương đồng nhất. Khi nhiễm nấm khu trú vùng mũi, hầu họng, ngừng dùng thuốc.
  • Khi dùng thuốc của các biệt dược khác nhau không tự ý quy đổi liều tương đương/nhát xịt mà phải hỏi ý kiến bác sỹ, dược sỹ vì các biệt dược khác nhau có thể chứa các thuốc bào chế dưới các dạng muối khác nhau.
  • Giữ đầu thẳng hoặc cằm hơi nhô ra phía trước. Chĩa đầu xịt ra xa vách ngăn mũi (sụn phân chia hai bên mũi). Sau khi xịt, hít nhẹ nhàng để thuốc đi vào phần cao hơn của mũi. Tránh hít quá mạnh vì thuốc có thể chảy xuống cổ họng.

Tác dụng phụ:

  • Khi sử dụng glucocorticoid xịt mũi có thể gặp một vài tác dụng phụ nhẹ như: Mùi vị khó chịu, khô niêm mạc mũi. Một số bệnh nhân có thể bị kích ứng, đóng vảy và chảy máu vách ngăn mũi, đặc biệt là trong mùa đông.
  • Có thể giảm thiểu những vấn đề này bằng cách giảm liều thuốc xịt mũi, thoa gel dưỡng ẩm mũi hoặc xịt dưỡng ẩm vào mũi trước khi sử dụng glucocorticoid xịt, hoặc chuyển sang thuốc xịt bào chế dạng nước (chứ không phải dạng cồn).
  • Các nghiên cứu cho thấy rằng glucocorticoid xịt thường an toàn khi sử dụng trong nhiều năm. Tuy nhiên, bạn nên đi khám mũi định kỳ để kiểm tra các tác dụng phụ hiếm gặp, ví dụ nhiễm trùng mũi.

Chống chỉ định:

  • Quá mẫn với thành phần của thuốc.
  • Nhiễm trùng mũi nặng. Chảy máu mũi, vừa phẫu thuật hoặc chấn thương mũi.

Sử dụng ở trẻ em: Ở trẻ em, sử dụng thuốc xịt mũi glucocorticoid trong thời gian dài có thể làm chậm phát triển. Nếu con bạn cần xịt glucocorticoid hơn hai tháng trong một năm, hãy hỏi ý kiến bác sỹ, dược sỹ để được tư vấn.


Sử dụng thuốc xịt mũi ở trẻ nhỏ
Sử dụng thuốc xịt mũi ở trẻ nhỏ

1.2 Thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin làm giảm ngứa, hắt hơi và chảy nước mũi do viêm mũi dị ứng, thông qua cạnh tranh với histamin (là chất gây ra triệu chứng dị ứng trong cơ thể) nhưng chúng không làm giảm nghẹt mũi. Sử dụng kết hợp với glucocorticoid xịt mũi hoặc thuốc trị nghẹt mũi có thể giúp giảm triệu chứng tốt hơn so với chỉ sử dụng một trong những loại thuốc này.

  • Thuốc kháng histamin thế hệ 1 - có tác dụng an thần: Thuốc kháng histamin có sẵn mà không cần kê đơn, bao gồm chlorpheniramin (Biệt dược: Chlorpheniramin 4mg). Tuy nhiên, những loại thuốc này thường gây an thần và không nên được sử dụng trước khi lái xe, vận hành máy móc hoặc ở trẻ em. Do các tác dụng phụ liên quan đến các thuốc kháng histamin thế hệ 1, các thuốc kháng histamin thế hệ mới hơn, không gây buồn ngủ thường được ưa thích hơn.
  • Thuốc kháng histamin thế hệ mới: Thường được sử dụng bao gồm loratadin (Biệt dược: Clarityne 10mg), desloratadin (Biệt dược: Aerius 5mg, Aerius 0.5mg/ml, Rinofil 2.5mg/5ml ), cetirizin (Biệt dược: Cetirizine stada 10mg).
  • Thuốc kháng histamin xịt mũi: Làm giảm các triệu chứng chảy dịch cửa mũi sau, nghẹt mũi, hắt hơi. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng dạng thuốc này là vị khó chịu ở miệng. Có thể hạn chế tác dụng phụ này bằng cách giữ đầu thẳng trong quá trình xịt thuốc để thuốc không xuống cổ họng.
  • Thuốc nhỏ mắt: Nếu bạn bị ngứa hoặc kích ứng mắt với các triệu chứng dị ứng khác, bạn có thể cần dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc chống dị ứng.
  • Thuốc xịt mũi phối hợp glucocorticoid và thuốc kháng histamin: Dạng thuốc xịt mũi phối hợp này có thể cải thiện các triệu chứng viêm mũi dị ứng tốt hơn so với chỉ dùng thuốc một thuốc đơn độc. Các tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc xịt mũi phối hợp 2 thành phần này là vị khó chịu, chảy máu mũi, đau đầu. Thuốc chỉ được phê duyệt cho trẻ em trên 12 tuổi.
  • Thuốc trị nghẹt mũi: Thuốc trị nghẹt mũi chứa pseudoephedrine, phenylephrin được bào chế ở dạng phối hợp với thuốc kháng histamin dùng đường uống (Ví dụ: Clomistal, New Amerhino) là các thuốc không kê đơn có sẵn. Thuốc trị nghẹt mũi có thể gây tăng huyết áp và không thích hợp ở những người bị huyết áp cao hoặc một số bệnh tim mạch.

Một số thuốc bào chế dưới dạng nhỏ, xịt mũi, ví dụ: Xylometazolin (Biệt dược: Otrivin với các hàm lượng). Tuy nhiên, thuốc này không được khuyến cáo dùng thường xuyên để điều trị viêm mũi dị ứng, chỉ sử dụng kết hợp để tăng hiệu quả điều trị của thuốc xịt mũi chứa glucocorticoid. Không nên sử dụng thuốc xịt trị nghẹt mũi trong thời gian dài (>7 ngày), bởi vì chúng có thể gây ra "viêm mũi do thuốc", khiến mũi bị nghẹt liên nếu không tiếp tục dùng thuốc. Tình trạng này có thể khó điều trị và khiến cho triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Chống chỉ định: Quá mẫn với thành phần của thuốc. Khô niêm mạc mũi (viêm mũi khô), glôcôm góc đóng cấp tính.

  • Cromolyn: Là một thuốc ngăn chặn sản xuất các chất gây phản ứng dị ứng như histamin và SRS-A làm giảm các triệu chứng ngứa, hắt hơi, mẩn đỏ. Thuốc cần phải dùng nhiều lần trong ngày để ngừa hiệu quả các triệu chứng viêm mũi dị ứng. Thuốc có thể không hiệu quả bằng các thuốc khác nhưng là lựa chọn tạm thời, dự phòng trước khi tiếp xúc với môi trường nguy cơ cao chứa các dị nguyên (Ví dụ: Lông chó mèo).

1.3 Rửa mũi

Rửa mũi bằng nước muối sinh lý đặc biệt hữu ích để điều trị chảy dịch qua cửa sau mũi, hắt hơi, khô mũi và nghẹt mũi do rửa sạch các chất gây dị ứng và các chất kích thích từ mũi. Nước muối cũng làm sạch niêm mạc mũi. Bạn có thể rửa mũi trước khi sử dụng thuốc xịt để có được hiệu quả tốt.


Rửa mũi
Rửa mũi

2. Phương pháp điều trị khác

Liệu pháp miễn dịch dị ứng: Thay đổi hệ miễn dịch của cơ thể với các dị nguyên.

Các loại thuốc khác khuyến cáo cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng:

+ Ipratropium: Giúp điều trị sổ mũi nặng. Không khuyến cáo cho bệnh nhân tăng nhãn áp hoặc phì đại tuyến tiền liệt

+ Ức chế thụ thể leukotrien: Chất trung gian hóa học được gọi là leukotrien có thể góp phần gây ra các triệu chứng viêm mũi dị ứng ở một số người. Các thuốc ức chế thụ thể leukotrien có thể rất hữu ích ở những người bị cả hen suyễn và viêm mũi dị ứng. Các loại thuốc thường được sử dụng là montelukast (Biệt dược: Singulair với các hàm lượng). Tuy nhiên, glucocorticoid xịt mũi có hiệu quả hơn so với thuốc ức chế thụ thể leukotrien để điều trị viêm mũi dị ứng. Do đó, thuốc ức chế thụ thể leukotrien thường được dành riêng cho bệnh nhân hen suyễn hoặc những bệnh nhân không dùng được thuốc xịt mũi (Ví dụ: chảy máu mũi).

3. Đối tượng đặc biệt: Phụ nữ mang thai

Phụ nữ có tiền sử viêm mũi dị ứng có thể thấy tình trạng xấu đi, cải thiện hoặc không thay đổi của các triệu chứng trong thời gian thai kỳ.

Một số phụ nữ có triệu chứng nghẹt mũi trong giai đoạn cuối của thai kỳ, ngay cả khi họ không có tiền sử viêm mũi dị ứng. Đây được gọi là "Viêm mũi thai kỳ" và liên quan đến nồng độ hormon trong cơ thể, không gây dị ứng. Viêm mũi thai kỳ không đáp ứng với thuốc và sẽ khỏi sau khi sinh.

Các nội dung bàn luận dưới đây chỉ áp dụng cho viêm mũi dị ứng.

+ Nguyên tắc chung, hầu hết các loại thuốc nên tránh hoặc sử dụng ở liều thấp nhất để kiểm soát các triệu chứng trong thai kỳ. Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm mũi dị ứng được cho là an toàn trong thai kỳ, vì vậy bạn hãy thông báo cho bác sĩ, dược sỹ khi có thai để được kê đơn thuốc viêm mũi dị ứng phù hợp.

+ Nếu bạn đang mang thai và bị viêm mũi nhẹ, bạn có thể kiểm soát các triệu chứng của mình bằng cách rửa mũi hoặc xịt mũi bằng nước muối.

+ Nếu triệu chứng khó chịu, cần dùng thuốc, bạn có thể tham khảo các thông tin sau:


Mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn
Mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn

Thuốc xịt mũi: Một số thuốc xịt mũi là lựa chọn hợp lý cho phụ nữ mang thai vì khi xịt trực tiếp vào mũi chỉ cần liều thuốc thấp hơn đường toàn thân là có hiệu quả, đồng thời thuốc tác dụng tại chỗ ít gây tác dụng không mong muốn toàn thân

  • Thuốc xịt mũi Cromolyn an toàn khi sử dụng trong thai kỳ. Chỉ một lượng rất nhỏ thuốc được hấp thụ vào máu, và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận.
  • Glucocorticoid xịt mũi được coi là an toàn để sử dụng trong thai kỳ, mặc dù có nhiều thông tin về một số loại thuốc hơn những loại khác. Khuyến cáo tránh dùng triamcinolon dựa trên một nghiên cứu cho thấy có thể tăng nguy cơ dị tật hô hấp bẩm sinh nếu sử dụng trong ba tháng đầu. Nhìn chung, nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng glucocorticoid xịt mũi trong khi mang thai. Có thể lựa chọn Nasonex, Avamys trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Thuốc kháng histamin - Cetirizin (Biệt dược: Cetirizine stada 10mg), loratadine (Biệt dược: Clarityne 10mg) và chlorpheniramin (Biệt dược: Chlorpheniramin 4mg) được coi là an toàn khi sử dụng trong thai kỳ.

Thuốc trị nghẹt mũi: Nên tránh dùng Pseudoephedrin trong ba tháng đầu của thai kỳ vì sự an toàn của nó chưa được xác nhận. Sau ba tháng đầu, nó chỉ nên được sử dụng khi cần thiết và chỉ theo chỉ dẫn. Bạn không nên sử dụng nếu bạn bị huyết áp cao hoặc tiền sản giật. Phenylephrin nên tránh hoàn toàn trong khi mang thai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Uptodate, Sổ tay sử dụng thuốc Vinmec 2019

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe