Beparotine thuộc nhóm thuốc da liễu, được chỉ định điều trị các trường hợp tổn thương ở da phổ biến. Hãy cùng tìm hiểu thuốc Beparotine về cách sử dụng và những lưu ý khi dùng thuốc để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người bệnh trong bài viết dưới đây.
1. Beparotine là thuốc gì?
Beparotine chứa thành phần Dexpanthenol hàm lượng 100mg và các tá dược khác vừa đủ 1 viên do nhà sản xuất cung cấp. Thuốc được bào chế ở dạng viên nén, quy cách đóng gói dạng hộp 2 vỉ, mỗi vỉ có 10 viên.
Tác dụng của thuốc Beparotine:
- Có khả năng giúp phục hồi vùng da đã bị tổn thương, làm lành các vết thương, chống tình trạng viêm và kích ứng trên da.
- Hỗ trợ làm lành các tổn thương da khác nhau và thường được sử dụng như một phần trong các liệu pháp điều trị kết hợp. Thuốc Beparotine giúp đẩy nhanh việc chữa lành các vết thương và các vết bỏng cũng như hỗ trợ trong việc cấy ghép da và điều trị sẹo. Làm da được làm dịu với hoạt chất Dexpanthenol có xu hướng trở nên mềm mịn và đàn hồi hơn. Hiệu quả này có thể là nhờ vào khả năng đã được chứng minh của hoạt chất trên trong việc kích thích sự tăng trưởng của các tế bào da quan trọng và tái kết cấu các lớp cấu trúc dưới da.
- Hoạt chất Dexpanthenol cũng giúp cải thiện các tổn thương trên bề mặt da (gặp ở các làn da khô ráp, xây xát) bằng việc hỗ trợ tái tạo, củng cố lớp biểu và lớp sừng của da từ đó giúp cải thiện hàng rào bảo vệ tự nhiên của làn da. Đồng thời, hoạt chất này còn được chứng minh có khả năng giảm kích ứng da, viêm da cũng như cải thiện tình trạng ngứa, ban đỏ trên da và các triệu chứng khác.
2. Thuốc Beparotine có tác dụng gì?
Thuốc Beparotine được chỉ định điều trị trong các trường hợp dưới đây:
- Điều trị các tổn thương ở da do bỏng nhẹ, phỏng nắng, trầy xước da, mảng ghép da chậm lành.
- Nứt da chân, nứt đầu vú, rạn da vùng bụng do quá trình mang thai, hăm đỏ vùng mông, háng ở trẻ sơ sinh.
- Giúp ngăn ngừa các tổn thương trên da do ánh nắng mặt trời hay do tia bức xạ.
- Hỗ trợ điều trị tình trạng hói tóc (bao gồm cả từng vùng hay lan tỏa), rối loạn dinh dưỡng trên móng tay và móng chân, một số bệnh ngoài da (như phỏng, bệnh trên da đầu).
Ngoài ra, thuốc Beparotine chống chỉ định trong các trường hợp:
- Người bệnh dị ứng với các hoạt chất Dexpanthenol hoặc các tá dược khác có trong thành phần của thuốc.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Beparotine
Dạng kem:
- Thuốc được bào chế ở dạng mỡ bôi da, nên người bệnh dùng thuốc bằng cách bôi trực tiếp lên da vùng tổn thương cần điều trị.
- Vệ sinh vùng da cần bôi thuốc sạch sẽ trước khi dùng thuốc. Lấy một lượng thuốc vừa đủ với phạm vi vùng da cần điều trị. Xoa thuốc nhẹ nhàng để giúp thuốc có thể thẩm thấu hoàn toàn tại vùng da trên. Rửa sạch tay sau khi sử dụng để tránh tình trạng bội nhiễm hoặc lây nhiễm vi khuẩn sang vùng da khỏe mạnh.
- Thuốc nên được chỉ định bôi từ 1 - 2 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả mong muốn.
- Trẻ sơ sinh: Thoa 1 lớp mỏng thuốc lên vùng mông hăm đỏ sau khi vệ sinh hằng ngày và sau mỗi lần thay tả cho bé.
- Người mẹ đang cho con bú: Sau khi cho bú xong, thoa 1 lớp mỏng thuốc lên núm vú và xoa nhẹ nhàng. Trước khi cho bú, người mẹ cần dùng một khăn sạch để lau vùng bôi thuốc, tránh trẻ nuốt phải thuốc khi bú.
- Vết bỏng nhẹ: Thoa 1 lớp thuốc dày sau khi đã sát trùng sạch vùng da bị tổn thương cần điều trị với thuốc.
- Dự phòng và điều trị phỏng nắng: Thoa 1 lớp thuốc mỏng trên da.
Dạng tiêm/ viên:
- Người lớn: Dùng với liều khởi đầu 1 đến 2 ống tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, dùng 3 lần trong 1 tuần. Dùng một đợt 6 tuần rồi chuyển sang thuốc uống với liều 3 viên mỗi ngày, chia thành 3 lần, mỗi đợt dùng liên tiếp trong 2 tháng.
Chú ý: Đây là liều dùng tham khảo do nhà sản xuất cung cấp. Bác sĩ điều trị dựa vào tình trạng bệnh và sức khỏe của mỗi người bệnh để chỉ định liều dùng thích hợp.
4. Tác dụng phụ của thuốc Beparotine
Bác sĩ luôn xem xét giữa lợi ích mà thuốc Beparotine đem lại cho bệnh nhân và nguy cơ có thể xảy ra các tác dụng phụ để chỉ định dùng thuốc thích hợp.
Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc được ghi nhận bao gồm:
- Phản ứng kích ứng ở da như nổi ban, nổi mẩn đỏ, phù Quincke.
Lưu ý: Thông thường những tác dụng phụ hay tác dụng không mong muốn sẽ mất đi khi ngưng dùng thuốc. Trong trường hợp người bệnh xảy ra những tác dụng phụ mà chưa có trong tờ hướng dẫn sử dụng. Thông báo ngay cho bác sĩ hoặc người phụ trách y khoa nếu thấy nghi ngờ ngờ về các tác dụng phụ của thuốc Beparotine.
5. Tương tác thuốc Beparotine
Trong quá trình sử dụng thuốc Beparotine, có thể xảy ra tương tác thuốc khi dùng kết hợp thuốc Beparotine với các thuốc hoặc sản phẩm hỗ trợ dùng ngoài da khác.
Các tương tác kể trên có thể chưa đầy đủ vì thế nếu trong quá trình sử dụng thuốc Beparotine mà người dùng nghi ngờ xảy ra các tương tác với thức ăn, thuốc hoặc thực phẩm chức năng khác thì hãy ngừng sử dụng thuốc này và tới các cơ sở y tế để khám ngay.
Để tránh tình trạng tương tác, trước khi được kê đơn Beparotine người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Beparotine phù hợp.
6. Các lưu ý khi dùng thuốc Beparotine
Một số lưu ý khi người bệnh dùng thuốc Beparotine như sau:
- Ở dạng thuốc kem, thận trọng không để thuốc dính vào mắt. Trường hợp nếu lỡ thuốc dính vào mắt phải rửa ngay dưới vòi nước sạch. Nếu có tình trạng kích ứng niêm mạc mắt nặng nên đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để kịp thời sơ cứu.
- Người bệnh nên dùng thuốc đúng liều, đủ liều theo chỉ dẫn trên tờ hướng dẫn sử dụng hoặc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, dược sĩ kê đơn để đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu.
- Thuốc Beparotine có thể làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh sáng mặt trời. Do đó, trong suốt thời gian sử dụng thuốc người bệnh nên che chắn vùng da điều trị khi di chuyển và hoạt động ngoài trời.
- Người bệnh cần kiểm tra kỹ hạn sử dụng của thuốc trước khi dùng để đảm bảo an toàn, tránh nguy hiểm tính mạng cho người bệnh do các thành phần hết hạn của thuốc có thể gây ra độc tính.
- Phụ nữ có thai: Khi sử dụng thuốc Beparotine có thể xảy ra những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến thai nhi như sảy thai, dị tật,... Do đó, không nên sử dụng thuốc này trong thời gian mang thai, trừ khi thực sự cần thiết cho lợi ích điều trị của người mẹ và có chỉ định của bác sĩ.
- Phụ nữ cho con bú: Mặc dù thuốc được biết có bài tiết qua sữa mẹ, nhưng khả năng ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ vẫn chưa có đầy đủ nghiên cứu. Vì vậy, để tránh các nguy cơ tiềm ẩn có thể ảnh hưởng trực tiếp cho trẻ bú mẹ, không nên dùng thuốc nếu không được bác sĩ điều trị kê đơn. Người bệnh có thể ngưng cho con bú nếu phải dùng thuốc cho quá trình điều trị bệnh của người mẹ.
7. Làm gì khi quên liều, quá liều thuốc Beparotine?
- Nếu lỡ quên dùng thuốc, người bệnh nên dùng liền khi nhớ ra. Có thể dùng thuốc trễ hơn 1 - 2 giờ so với thời gian dùng thuốc thông thường. Nhưng khi đã đến gần thời điểm bôi thuốc của liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên. Người bệnh tuyệt đối không dùng liều gấp đôi để bù vào liều đã quên.
- Khi dùng thuốc quá liều, bệnh nhân thường gặp các triệu chứng như ngứa, dị ứng da, buồn nôn, nôn, chóng mặt, hạ huyết áp, co giật, khó thở, suy hô hấp, nhịp tim nhanh,... Trong trường hợp này, nên ngừng dùng thuốc ngay lập tức khi phát hiện các tác dụng phụ trên và thông báo cho bác sĩ điều trị. Nếu các triệu chứng trên không thuyên giảm và càng trầm trọng hơn, nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Người bệnh nên nhớ mang những thuốc đã sử dụng để bác sĩ nắm thông tin, xử trí nhanh chóng và kịp thời.
Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Beparotine. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc Beparotine theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Lưu ý, Beparotine là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.