Ung thư đang ngày càng phổ biến hơn, theo sau đó các biện pháp điều trị ung thư cũng được phát triển với nhiều cơ chế chữa bệnh khác nhau, trong đó cơ chế tác động đến nguồn cung cấp dinh dưỡng cho khối u. Liệu pháp điều trị ung thư bằng cơ chế này có thể kể đến thuốc Axitinib.
1. Axitinib chữa bệnh gì?
Kinase là một loại enzyme thúc đẩy sự phát triển của tế bào và có nhiều loại kinase khác nhau để kiểm soát các giai đoạn phát triển khác nhau của tế bào. Axitinib có thể làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư bằng cách ức chế tác dụng của một kinase nhất định. Liệu pháp nhắm mục tiêu Axitinib ức chế chọn lọc thụ thể tyrosine kinase VEGF (hay còn gọi là thụ thể yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu) có mặt trên tế bào ung thư. Các thụ thể VEGF chịu trách nhiệm cho việc tăng sinh và phát triển các mạch máu mới của khối u, vì vậy thuốc Axitinib về cơ bản sẽ ngăn chặn sự phát triển khối u thông qua việc ngăn chặn nguồn cung cấp dinh dưỡng.
2. Cách sử dụng thuốc Axitinib
Axitinib bào chế dạng viên nén dùng đường uống. Người bệnh cần nuốt toàn bộ viên thuốc Axitinib với lượng nước vừa đủ, trước hoặc sau bữa ăn. Lưu ý khi dùng Axitinib, người bệnh không được bẻ, nghiền nát hoặc nhai viên thuốc. Nếu quên uống một liều hoặc bị nôn ói sau khi uống Axitinib, bệnh nhân không được dùng ngay liều tiếp theo mà hãy tiếp tục lịch trình điều trị như bình thường. Bệnh nhân gặp khó khăn khi nuốt hãy liên hệ với dược sĩ hoặc bác sĩ để tìm biện pháp dùng thuốc phù hợp.
Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng bệnh nhân dùng thuốc Axitinib đúng liều lượng theo hướng dẫn. Trước mỗi lần uống, người bệnh hãy kiểm tra xem liều lượng thuốc sắp dùng có đúng với kê đơn của bác sĩ hay không.
Nồng độ Axitinib trong máu có thể bị ảnh hưởng bởi một số loại thực phẩm và thuốc, đặc biệt là bưởi và nước ép bưởi, kháng sinh Rifampicin, Dexamethasone, Phenytoin, Carbamazepine, Rifabutin, Rifapentine, Phenobarbital, Efavirenz và Nafcillin. Do đó người bệnh phải thông báo với bác sĩ về danh sách tất cả các loại thuốc đang dùng trước khi điều trị ung thư bằng Axitinib.
3. Tác dụng phụ của thuốc Axitinib
Tác dụng phụ của thuốc Axitinib đôi khi cần phải được kiểm soát bằng các biện pháp phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh hãy trao đổi với bác sĩ để tìm ra biện pháp phù hợp nhất với bản thân.
Một số tác dụng phụ phổ biến của thuốc Axitinib:
- Tăng huyết áp: Người bệnh điều trị bằng thuốc Axitinib có thể gặp tác dụng phụ gây tăng huyết áp. Do đó bệnh nhân nên được kiểm tra huyết áp thường xuyên trong thời gian điều trị bằng sản phẩm này.
- Tiêu chảy: Bác sĩ có thể chỉ định các thuốc điều trị tiêu chảy phù hợp cho người bệnh dùng Axitinib và mắc phải tác dụng không mong muốn này. Ngoài ra, bệnh nhân có thể thử chế độ ăn hạn chế chất xơ hoặc thức ăn dễ tiêu hóa, chẳng hạn như cơm trắng, gà luộc hoặc nướng. Đồng thời người bệnh nên hạn chế ăn trái cây tươi, rau xanh, bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc và các loại hạt.
- Mệt mỏi: Tác dụng phụ này gặp rất nhiều trong quá trình điều trị các bệnh lý ung thư, được người bệnh miêu tả là như cảm giác kiệt sức không giảm khi nghỉ ngơi. Bệnh nhân hãy nói chuyện với bác sĩ để biết các biện pháp đối phó với tác dụng phụ này của thuốc Axitinib.
- Giảm cảm giác thèm ăn: Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong quá trình chăm sóc và phục hồi của người bệnh. Các liệu pháp điều trị ung thư, như thuốc Axitinib, có thể ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn và trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng hoặc gây khó khăn cho việc ăn uống của người bệnh. Nếu đang điều trị tại bệnh viện, người bệnh có thể trao đổi với Axitinib về các dịch vụ dinh dưỡng để giúp lựa chọn thực phẩm phù hợp.
- Buồn nôn, nôn ói: Người bệnh hãy nói chuyện với bác sĩ ung bướu để được chỉ định các thuốc kiểm soát buồn nôn và nôn ói hiệu quả. Hãy trao đổi với bác sĩ ung bướu nếu bản thân không thể truyền thuốc Axitinib trong thời gian hơn 12 giờ hoặc bất cứ khi nào cảm thấy choáng váng hoặc chóng mặt.
- Khàn tiếng: Một số bệnh nhân than phiền xuất hiện những thay đổi về giọng nói, bao gồm cả khàn giọng, trong quá trình điều trị ung thư bằng Axitinib. Khi đó người bệnh cần nói chuyện với bác sĩ về cách quản lý tác dụng phụ này.
- Hội chứng bàn tay-bàn chân: Hội chứng bàn tay-bàn chân (HFS) là một phản ứng ngoài da xảy ra ở lòng bàn tay và/hoặc lòng bàn chân, do hiện tượng tế bào da hấp thụ một số thuốc hóa trị ung thư, trong đó bao gồm thuốc Axitinib. HFS có thể khởi phát với biểu hiện ngứa ran, tê, cảm giác châm chích, đỏ đau hoặc sưng lòng bàn tay và/hoặc bàn chân. Sau đó, tình trạng này có thể diễn tiến nặng hơn với biểu hiện sưng đau, phồng rộp hoặc bong tróc da. Do đó, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu nhận thấy những triệu chứng trên.
- Một số tác dụng phụ khác của Axitinib: Huyết khối, xuất huyết, bệnh lý tim mạch, thủng dạ dày hoặc ruột, vết thương chậm lành, rối loạn chức năng tuyến giáp, hội chứng rối loạn tuần hoàn não sau có hồi phục (PRES), Protein niệu, độc tính gan.
Thai nhi tiếp xúc với thuốc Axitinib có thể bị dị tật bẩm sinh, vì vậy bệnh nhân không nên mang thai khi đang dùng Axitinib. Việc sử dụng các biện pháp ngừa thai an toàn là cần thiết trong quá trình điều trị và ít nhất 1 tuần sau liều cuối cùng của Axitinib. Bên cạnh đó, bệnh nhân không nên cho con bú khi đang dùng thuốc Axitinib hoặc ít nhất 2 tuần sau liều cuối cùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: oncolink.org