Ung thư xương giai đoạn cuối là giai đoạn muộn nhất của bệnh, khi đó, các khối u đã có thể di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể. Đây được xem là một trong những bệnh lý rất nguy hiểm. Tiên lượng sống của bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về ung thư xương giai đoạn cuối trong bài viết sau!
Nội dung được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Hải - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Ung thư xương là bệnh gì?
Ung thư xương là một loại bệnh ung thư mà trong đó các khối u ác tính xuất hiện trong xương. Các tế bào ung thư này thường phát triển nhanh chóng và có khả năng phá hủy những mô xương khỏe mạnh, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Ung thư xương bao gồm 2 loại: ung thư xương nguyên phát và ung thư xương thứ phát:
- Ung thư xương nguyên phát: Tế bào ung thư hình thành từ các tế bào trong xương.
- Ung thư xương thứ phát: Tế bào ung thư bắt nguồn từ một cơ quan khác trong cơ thể và di căn đến xương, ví dụ như ung thư phổi di căn đến xương.
Trên thực tế, thuật ngữ "ung thư xương" thường để ám chỉ ung thư xương nguyên phát.
Khối u ung thư xương nguyên phát được phân loại thành 3 loại chính:
- Sarcoma xương: Chiếm tỷ lệ cao nhất và thường gặp ở thanh thiếu niên từ 10 đến 20 tuổi, khối u này thường xuất hiện ở xương đùi, xương chày và xương cánh tay. Sarcoma xương là loại ung thư hình thành từ những tế bào sẽ phát triển thành tế bào xương trưởng thành.
- Sarcoma Ewing: Chiếm tỷ lệ cao thứ hai, thường gặp ở bệnh nhân từ 10 đến 20 tuổi. Đây là loại ung thư có thể biểu hiện hiện tại xương và phần mềm, khối u này tập trung tại các vị trí như xương chậu và xương cột sống, tiếp theo đó là xương chi.
- Sarcoma sụn: Chiếm tỷ lệ khoảng 20-27%, được hình thành từ các tế bào sụn, có thể xuất hiện ở nhiều độ tuổi. Ung thư này thường xuất hiện tại các vị trí xương trục như xương chậu, xương sườn, xương đùi và xương cánh tay.
2. Tìm hiểu về ung thư xương giai đoạn cuối
Có nhiều cách phân giai đoạn ung thư xương trong đó cách phổ biến được các bác sĩ sử dụng hiện nay là phân loại theo 3 giai đoạn:
- Giai đoạn I (giai đoạn tại chỗ): Ở giai đoạn này, tế bào ung thư không lan ra khỏi vị trí xương ban đầu và độ ác tính thấp.
- Giai đoạn II (giai đoạn tại vùng): Khối u vẫn còn tại xương nhưng có độ ác tính cao.
- Giai đoạn III (giai đoạn di căn): Là giai đoạn muộn nhất, khi khối u đã di căn xa tới các vị trí khác.
Ung thư xương giai đoạn cuối, hay còn được gọi là giai đoạn muộn, là tình trạng mà khối u nguyên phát đã di căn sang xương khác, thậm chí có thể di căn đến não, phổi và nhiều cơ quan quan trọng khác trong cơ thể. Đây là một bệnh lý đáng lo ngại, với tỷ lệ tử vong cao và khả năng sống sót thấp.
3. Ung thư xương giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Ung thư xương giai đoạn cuối sống được bao lâu là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót trong vòng 5 năm đối với ung thư xương giai đoạn muộn là khoảng 27%.
Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ là dựa trên thống kê từ một nhóm người cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Bệnh nhân cần hiểu rằng tỷ lệ sống sót không phản ánh chính xác cho tất cả mọi người, vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến dự đoán tiên lượng và sự phát triển của bệnh như:
- Độ tuổi.
- Giới tính.
- Tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
- Vị trí cụ thể của tế bào ung thư (như chân, hông, cánh tay,...).
- Phản ứng của tế bào ung thư với hóa trị hoặc các phương pháp điều trị khác.
Nhìn chung, tỷ lệ sống sót khi mắc ung thư xương giai đoạn cuối sẽ phụ thuộc vào loại khối u cụ thể, điển hình như:
Sarcom xương: Tỷ lệ sống sau 5 năm theo giai đoạn như sau:
- Giai đoạn cục bộ: 77%.
- Giai đoạn vùng: 65%.
- Giai đoạn di căn: 27%.
Sarcoma sụn: Tỷ lệ sống sau 5 năm theo giai đoạn như sau:
- Giai đoạn cục bộ: 91%.
- Giai đoạn vùng: 75%.
- Giai đoạn di căn: 33%.
U nguyên sống (Chordoma): Tỷ lệ sống sau 5 năm theo giai đoạn như sau:
- Giai đoạn cục bộ: 84%.
- Giai đoạn vùng: 81%.
- Giai đoạn di căn: 55%.
Mặc dù tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư xương giai đoạn cuối thường không cao, nhưng vẫn có nhiều trường hợp ngoại lệ. Theo thống kê từ Viện Ung thư Quốc gia (NCI), tỷ lệ mắc ung thư xương tăng trung bình 0.4% mỗi năm từ năm 2006 đến 2015, trong khi tỷ lệ tử vong trung bình mỗi năm đã giảm đi 0.3% trong cùng một khoảng thời gian.
Vì vậy, bệnh nhân không nên suy nghĩ quá tiêu cực nếu nhận kết quả chẩn đoán ung thư xương giai đoạn cuối. Dựa vào tình trạng sức khỏe tổng thể và xem xét khả năng đáp ứng của cơ thể với các liệu pháp điều trị, bác sĩ có thể đánh giá tiên lượng sống sót và phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
4. Dấu hiệu nhận biết ung thư xương giai đoạn cuối
Ung thư xương giai đoạn cuối là một tình trạng cực kỳ nghiêm trọng, có nguy cơ cao gây ra tử vong. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết điển hình:
- Cơ thể suy nhược và thấy mệt mỏi.
- Buồn ngủ và ngủ nhiều.
- Sốt.
- Đau nhức và khó khăn khi di chuyển.
- Sụt cân nhanh chóng và mất kiểm soát.
- Lượng cơ bắp sụt giảm.
- Không thấy thèm ăn, khó tiêu hoặc khó nuốt chất lỏng.
- Giảm khả năng tập trung và giao tiếp kém.
- Nhịp thở chậm lại, đôi khi có những khoảng dừng dài giữa các lần thở.
- Thở khò khè, cổ họng bị tắc nghẽn hoặc phát ra âm thanh khó chịu.
- Da chuyển sang màu xanh sẫm, nhất là ở bàn tay và chân.
- Khô môi.
- Lượng nước tiểu giảm.
- Bàng quang và ruột mất kiểm soát.
5. Bệnh ung thư xương có chữa được không?
Phần lớn người bệnh thường thấy lo lắng và sợ hãi, không biết liệu ung thư xương có chữa được không. Mặc dù ung thư xương là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, các chuyên gia y tế có thể mang lại khả năng sống sót cao cho bệnh nhân.
6. Phương pháp chẩn đoán
Để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, bác sĩ thường tiến hành một loạt các xét nghiệm chẩn đoán bệnh, bao gồm:
- Chụp X-quang.
- Chụp CT.
- Chụp MRI.
- Scan xương.
- Chụp PET-CT.
- Sinh thiết xương.
- Xét nghiệm máu.
7. Phương pháp điều trị
Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư xương thích hợp cũng phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Loại ung thư xương mà bệnh nhân mắc phải.
- Vị trí của khối u.
- Mức độ phát triển của tế bào ung thư.
- Ung thư phát triển tại chỗ hay đã di căn sang các bộ phận khác.
- Tình trạng sức khỏe tổng thể và các bệnh lý liên quan.
- Tình hình kinh tế và nguyện vọng của bệnh nhân.
Các phương pháp điều trị chính cho ung thư xương nguyên phát bao gồm phẫu thuật và điều trị bằng thuốc.
7.1 Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ rộng rãi không chỉ giúp loại bỏ khối u ung thư mà còn đảm bảo cắt bỏ toàn bộ tế bào ung thư ở các tổ chức xung quanh.
Trong trường hợp khối u xuất hiện ở chân tay, trước đây y học chưa đủ tiên tiến, bệnh nhân thường phải cắt cụt các chi. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học hiện nay, bác sĩ có thể phẫu thuật bảo tồn các chi, giúp bệnh nhân duy trì chức năng, thẩm mỹ và giữ ổn định tinh thần sau phẫu thuật.
Phương pháp phẫu thuật bảo tồn chi bao gồm việc cắt bỏ đoạn u và thay thế bằng đoạn xương hoặc khớp nhân tạo kim loại, hoặc xử lý đoạn u xương bằng Nitơ lỏng trước khi ghép trở lại vị trí ban đầu.
7.2 Thuốc
Một số loại thuốc được dùng trong điều trị ung thư xương giai đoạn cuối, bao gồm thuốc tiêm và thuốc uống.
Các phương pháp điều trị toàn thân cho ung thư xương nguyên phát bao gồm:
- Dùng hóa chất: Giúp tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ kích thước khối u trước khi phẫu thuật. Trong khi đó, hoá trị sau khi phẫu thuật không chỉ có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại mà còn giúp giảm nguy cơ tái phát bệnh.
- Liệu pháp nhắm trúng đích: Ngăn chặn sự phát triển và mức độ lan rộng của khối u ung thư, đồng thời giảm thiểu tác động lên các tế bào khỏe mạnh.
- Liệu pháp miễn dịch: Thuốc hoạt động dựa trên cơ chế miễn dịch, giúp tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại sự phát triển của ung thư.
7.3 Xạ trị
Xạ trị là một phương pháp dùng tia X để tiêu diệt các tế bào ung thư và ngăn khối u phát triển. Với ung thư xương nguyên phát, phương pháp này chỉ hiệu quả đối với nhóm mắc bệnh Sarcoma Ewing.
Đối với các nhóm ung thư xương khác, xạ trị ít hiệu quả và thường được sử dụng để giảm triệu chứng đau và ngăn chặn tình trạng gãy xương ở bệnh nhân.
8. Chăm sóc người bệnh giai đoạn muộn
Người bệnh ung thư xương giai đoạn cuối thường phải chịu đựng nhiều đau đớn và khó chịu. Vì vậy, quá trình chăm sóc đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong giai đoạn này. Dưới đây là một số hướng dẫn dành cho người thân của người bệnh:
- Ưu tiên sử dụng đệm xốp để người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
- Thay đổi tư thế của bệnh nhân thường xuyên.
- Thay ga trải giường ít nhất 2 lần/tuần hoặc thường xuyên hơn.
- Để bệnh nhân nằm nghiêng hoặc kê cao đầu để bệnh nhân cảm thấy dễ thở hơn.
- Giữ ấm cho cơ thể bệnh nhân.
- Xoa nhẹ bàn tay và bàn chân bệnh nhân hoặc dùng nước ấm để ngâm các ngón để mang lại cảm giác thoải mái.
- Trấn an tinh thần bệnh nhân để họ giảm cảm giác hoang mang và ổn định tâm lý.
- Giữ ẩm vùng miệng của bệnh nhân bằng cách cho họ uống từng ngụm chất lỏng bằng thìa hoặc ống hút.
- Cải thiện quá trình lưu thông máu của người bệnh bằng cách mát xa.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm để làm dịu và giảm khô da.
Một số trường hợp cần liên hệ ngay với bác sĩ:
- Bệnh nhân thấy đau đột ngột và khó kiểm soát cơn đau.
- Người bệnh không thể sử dụng thuốc theo đơn.
- Người bệnh xuất hiện các dấu hiệu khó thở hoặc kích động.
- Ý thức thay đổi đột ngột, bệnh nhân phản ứng kém, lú lẫn hoặc xảy ra tình trạng động kinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.