Công dụng thuốc Asciminib

Ung thư là bệnh lý nguy hiểm và đang có xu hướng gia tăng, một trong số đó là bệnh bạch cầu mạn dòng tủy. Để điều trị bệnh lý này bác sĩ ung bướu có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc Asciminib. Vậy Asciminib là thuốc gì và người bệnh cần sử dụng như thế nào?

1. Asciminib là thuốc gì?

Asciminib là một hoạt chất ức chế kinase. Kinase là một loại enzyme thúc đẩy sự phát triển của tế bào với nhiều loại khác nhau để kiểm soát các giai đoạn phát triển khác nhau của tế bào. Asciminib có thể làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư thông qua ức chế một loại kinase cụ thể nên được sử dụng trong điều trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy.

2. Cách dùng thuốc Asciminib

Asciminib sản xuất ở dạng viên nén dùng đường uống lúc bụng đói. Bệnh nhân không nên ăn 2 giờ trước và 2 giờ sau khi uống Asciminib. Đồng thời sản phẩm này yêu cầu người bệnh uống nguyên vẹn viên thuốc, không được cắn, nghiền nát hoặc nhai. Thuốc Asciminib có thể được uống 1-2 lần một ngày, tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Nếu dùng Asciminib 1 lần mỗi ngày và quên uống thuốc khoảng 12 giờ, người bệnh hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo theo lịch dùng thuốc hằng ngày. Nếu uống Asciminib 2 lần một ngày và quên dùng hơn khoảng 6 giờ, bệnh nhân hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo theo lịch trình.

Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng bệnh nhân đang uống đúng liều lượng thuốc Asciminib theo quy định. Trước mỗi lần uống người bệnh cần kiểm tra xem lượng thuốc sắp dùng có đúng với kê đơn của bác sĩ hay không.

Nồng độ Asciminib trong máu có thể bị ảnh hưởng bởi một số loại thực phẩm hay thuốc, bao gồm bưởi và nước ép bưởi, Itraconazole, Diltiazem, Fluconazole, Verapamil, Rifampin, Bosentan, Efavirenz, Repaglinide, Midazolam, Cyclosporine, Digoxin, Tacrolimus.

3. Tác dụng phụ của thuốc Asciminib

Bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp để kiểm soát các tác dụng phụ của Asciminib theo hướng dẫn của bác sĩ. Do đó, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để tìm ra biện pháp phù hợp nhất.

Một số tác dụng không mong muốn của thuốc Asciminib

3.1. Tăng Cholesterol máu

Asciminib có thể làm tăng nồng độ cholesterol máu của người sử dụng. Vì vậy bác sĩ điều trị sẽ có kế hoạch theo dõi nồng độ cholesterol máu trong suốt quá trình điều trị của bệnh nhân.

3.2. Giảm số lượng bạch cầu và tăng nguy cơ nhiễm trùng

Tế bào bạch cầu có vai trò chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng. Trong quá trình điều trị bằng Asciminib, số lượng bạch cầu của bệnh nhân có thể giảm và dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng. Điều quan trọng người bệnh hãy thông báo cho bác sĩ hoặc y tá ngay lập tức nếu có dấu hiệu của nhiễm trùng như sốt, đau họng, cảm lạnh, khó thở, ho, tiểu gắt buốt hoặc loét chậm lành.

Một số khuyến cáo của bác sĩ để hạn chế nhiễm trùng trong thời gian dùng Asciminib:

  • Rửa tay thường xuyên cho cả bệnh nhân và những người xung quanh;
  • Hạn chế đến những nơi đông người hoặc tiếp xúc với người có dấu hiệu mắc bệnh dễ lây nhiễm (như đang bị cảm, sốt, ho hoặc sống với người có các triệu chứng này);
  • Không xử lý chất thải vật nuôi;
  • Giữ các thương hoặc vết xước ngoài da luôn sạch sẽ;
  • Tắm rửa, vệ sinh các nhân và chăm sóc răng miệng thường xuyên;
  • Không cắt khóe hoặc móng tay/móng chân mọc ngược;
  • Trao đổi với bác sĩ ung thư trước khi thực hiện một thủ thuật nha khoa;
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chủng ngừa bất kỳ loại vắc-xin nào.

3.3. Giảm số lượng tiểu cầu

Tiểu cầu là một phần của quá trình đông máu của cơ thể, vì vậy khi số lượng tiểu cầu giảm thấp sẽ dẫn đến nguy cơ chảy máu cao hơn. Bệnh nhân đang dùng Asciminib hãy cho bác sĩ điều trị biết nếu xuất hiện các vết bầm tím hoặc tình trạng chảy máu bất thường như chảy máu mũi hay chân răng, tiêu tiểu ra máu... Truyền tiểu cầu là biện pháp xử trí nếu số lượng tiểu cầu của bệnh nhân quá thấp.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tránh một số hoạt động có khả năng gây chảy máu như sau:

  • Sử dụng dao cạo râu;
  • Chơi các môn thể thao và tham gia hoạt động tiếp xúc mạnh có thể gây thương tích hoặc chảy máu;
  • Dùng đồng thời Asciminib với Aspirin hay thuốc chống viêm không steroid (NSAID);
  • Sử dụng chỉ nha khoa hoặc dùng tăm xỉa răng;
  • Đánh răng bằng bàn chải lông quá cứng.

3.4. Thiếu máu do giảm số lượng hồng cầu

Hồng cầu có vai trò vận chuyển oxy trong máu đến cung cấp cho các mô trong cơ thể, do đó số lượng tế bào này giảm thấp sẽ làm các cơ quan thiếu oxy để hoạt động và biểu hiện các triệu chứng như mệt mỏi hoặc không có sức. Bb nên thông báo cho bác sĩ nếu có các biểu hiện của thiếu máu như khó thở, mệt mỏi hoặc đau ngực... trong quá trình điều trị bằng Asciminib. Một số trường hợp số lượng hồng cầu quá thấp có thể cần phải được truyền máu.

3.5. Đau cơ

Bác sĩ điều trị có thể đề xuất một số loại thuốc và các biện pháp khác để giúp giảm đau trong thời gian điều trị bằng Asciminib.

3.6. Phản ứng dị ứng

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị dị ứng với thuốc Asciminib. Các dấu hiệu của dị ứng có thể bao gồm sưng phù toàn thân, phát ban, khó nuốt, sốt, tim đập nhanh và khó thở.

3.7. Buồn nôn, nôn ói

Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ điều trị để có thể nhận được các thuốc kiểm soát buồn nôn và nôn do sử dụng Asciminib. Ngoài ra, một số biện pháp khác có thể hữu ích như thay đổi chế độ ăn uống, hạn chế những yếu tố có thể làm buồn nôn/nôn trầm trọng hơn (như ăn quá nhiều thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị hoặc có tính axit).

3.8. Tiêu chảy

Tiêu chảy có thể là một tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc Asciminib. Người bệnh hãy ngay lập tức thông báo cho bác sĩ nếu bắt đầu bị tiêu chảy để tìm ra biện pháp can thiệp phù hợp. Tiêu chảy nghiêm trọng có thể dẫn đến mất nước nên cần phải kiểm soát tác dụng phụ này càng nhanh càng tốt.

Bác sĩ ung thư có thể giới thiệu bệnh nhân sử dụng các loại thuốc để giảm tiêu chảy do Asciminib. Ngoài ra, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp giảm tiêu chảy như hạn chế bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ, tánh dùng trái cây tươi hay rau xanh, bánh mì nguyên hạt, các loại hạt và ngũ cốc. Chất xơ hòa tan có thể hấp thụ chất lỏng và giúp giảm tiêu chảy hiệu quả, chúng có nhiều trong nước sốt táo, chuối chín, trái cây đóng hộp, cam, khoai tây luộc, gạo trắng, khoai tây chiên... Bên cạnh đó người bệnh nên chú ý uống đủ nước, hạn chế rượu bia hoặc cafein để ngăn ngừa mất nước.

3.9. Độc tính gan

Sử dụng thuốc Asciminib có thể gây nhiễm độc cho gan, do đó bác sĩ điều trị có thể giám sát thông qua các xét nghiệm chức năng gan thường xuyên. Bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ nếu có các triệu chứng tổn thương gan như da vàng, kết mạc mắt vàng, nước tiểu sẫm màu, đau bụng hạ sườn phải...

3.10. Một số tác dụng phụ hiếm gặp khác

  • Tăng huyết áp: Asciminib có thể khiến huyết áp bệnh nhân tăng cao. Do đó, bệnh nhân nên được kiểm tra huyết áp thường xuyên trong thời gian điều trị bằng thuốc này. Bất kỳ tình trạng tăng huyết áp nào đều cần được điều trị thích hợp, trường hợp không kiểm soát huyết áp có thể phải ngừng điều trị bằng Asciminib;
  • Các bệnh lý tim mạch: Thuốc Asciminib có thể gây ra các vấn đề về tim và mạch máu như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hình thành cục máu đông, tắc động mạch, suy tim và rối loạn nhịp tim. Người bệnh hãy liên hệ với bác sĩ hoặc trung tâm cấp cứu ngay lập tức nếu có những triệu chứng như thở hụt hơi, đau ngực, cảm thấy tim đập nhanh, phù, chóng mặt, tăng cân đột ngột, tê hoặc yếu một bên cơ thể, mất thị lực, nói khó, đau tay, chân, lưng, cổ hoặc hàm, đau đầu hoặc đau dạ dày dữ dội;
  • Các vấn đề về tuyến tụy : Thuốc Asciminib có thể làm tăng amylase và lipase máu, có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tuyến tụy. Bệnh nhân cần được kiểm tra nồng độ amylase và lipase máu trong thời gian dùng Asciminib. Nếu bị đau dạ dày đột ngột hoặc cảm thấy khó chịu, buồn nôn hoặc nôn ói dữ dội, bệnh nhân nên gọi cho bác sĩ điều trị ngay lập tức vì đây là những dấu hiệu của viêm tụy cấp.

4. Ảnh hưởng chức năng sinh sản của Asciminib

Việc cho thai nhi tiếp xúc với Asciminib có thể dẫn đến các dị tật bẩm sinh, vì vậy bệnh nhân không nên mang thai hoặc làm cha trong thời gian điều trị ung thư bằng thuốc Asciminib. Việc áp dụng các biện pháp ngừa thai hay kiểm soát sinh đẻ hiệu quả là vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong quá trình điều trị và ít nhất 1 tuần sau khi kết thúc liệu pháp Asciminib. Ngay cả khi chu kỳ kinh nguyệt không còn hoặc bệnh nhân tin rằng bản thân không sản xuất tinh trùng thì khả năng thụ thai vẫn có thể xảy ra.

Lưu ý người bệnh không cho con bú trong khi thời gian thuốc Asciminib và ít nhất 1 tuần sau khi kết thúc điều trị.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: oncolink.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe