Polyp đại tràng là một trong những bệnh lý có thể được phát hiện thông qua nội soi đại tràng. Nội soi nhằm mục đích tầm soát và chẩn đoán các vấn đề sức khỏe liên quan đến đại tràng và hậu môn. Tuy nhiên, nếu người có Polyp đại tràng xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng thì việc tái khám là cần thiết để được chẩn đoán và tiến hành điều trị bệnh nếu có nguy cơ.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
1. Polyp đại tràng là gì?
Polyp đại tràng là những khối tế bào nhỏ hình thành trên bề mặt niêm mạc của đại tràng. Phần lớn polyp đại tràng là lành tính và không gây nguy hiểm, tuy nhiên, một số loại có thể phát triển thành ung thư đại tràng, đặc biệt nguy hiểm nếu được phát hiện muộn. Một bệnh nhân có thể có 1 hoặc nhiều khối polyp đại tràng. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác hay giới tính.
Thông thường, polyp đại tràng không gây ra triệu chứng rõ ràng, do đó, việc thực hiện tầm soát định kỳ bằng nội soi đại tràng là rất quan trọng. Phát hiện sớm polyp giúp việc điều trị trở nên hiệu quả và an toàn hơn, góp phần giảm thiểu nguy cơ tiến triển thành ung thư. Vì vậy, tầm soát polyp định kỳ là một biện pháp quan trọng trong phòng ngừa ung thư đại tràng.
2. Những yếu tố nguy cơ gây polyp đại tràng
Trước khi tìm hiểu polyp đại tràng cần tái khám sau khoảng thời gian bao lâu cũng như polyp đại tràng có nên cắt không? Bệnh nhân cần nắm rõ các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng phát triển polyp đại tràng, bao gồm:
- Tuổi tác: Polyp đại tràng được phát hiện ở khoảng 15-20% người trưởng thành, đặc biệt phổ biến ở những người trên 50 tuổi. Đây là độ tuổi mà bác sĩ thường khuyến nghị thực hiện tầm soát polyp định kỳ.
- Tiền sử bệnh cá nhân: Những người từng bị polyp hoặc ung thư đại tràng hoặc đã từng bị ung thư buồng trứng hay tử cung trước tuổi 50, có nguy cơ mắc polyp đại tràng cao hơn.
- Tiền sử gia đình: Nếu gia đình có cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con cái từng mắc polyp đại trực tràng hoặc ung thư đại tràng, nguy cơ mắc bệnh cũng tăng. Đặc biệt, nếu nhiều thành viên trong gia đình mắc bệnh, nguy cơ này càng cao.
- Lối sống và sức khỏe: Các thói quen như hút thuốc, uống rượu, ít vận động, thừa cân, và các bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn đều có thể làm tăng nguy cơ hình thành polyp.
- Các điều kiện sức khỏe khác: Những người bị tiểu đường tuýp 2 không được kiểm soát tốt cũng có nguy cơ mắc polyp cao hơn.
- Polyp di truyền: Các loại polyp di truyền thường liên quan đến đột biến gen, tuy hiếm gặp nhưng đột biến này có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Tầm soát sớm có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển và lây lan của các dạng ung thư này.

3. Khi nào cần tầm soát polyp đại trực tràng?
Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ và không có chống chỉ định nội soi, bệnh nhân nên thực hiện nội soi đại tràng để kiểm tra sự hiện diện của polyp đại trực tràng và các bất thường khác.
Đối với những người không có yếu tố nguy cơ (như tiền sử gia đình không có người bị ung thư hoặc polyp đại trực tràng, không có dấu hiệu như đi ngoài ra máu, có chế độ ăn uống lành mạnh, ít tiêu thụ rượu bia), họ nên thực hiện nội soi đại tràng sau tuổi 40 để tầm soát. Đối với người có yếu tố nguy cơ cao, việc nội soi đại tràng cần được tiến hành càng sớm càng tốt.
Polyp đại trực tràng là các tổn thương tăng sản trên lớp niêm mạc đại tràng và được phân loại thành nhiều loại, bao gồm: polyp tăng sản, polyp ống tuyến, polyp hỗn hợp, v.v. Phần lớn các polyp này là lành tính. Một số polyp trong lòng đại tràng có thể phát triển lớn hơn theo thời gian. Không phải polyp nào cũng có thể bị ung thư hoá và polyp càng lớn thì càng có tỷ lệ chuyển thành ung thư càng cao.
Không phải tất cả các polyp đều có khả năng ung thư hoá và có những trường hợp người bệnh chung sống hòa bình với polyp suốt đời mà không có vấn đề. Vậy cắt polyp đại tràng là gì và bị polyp đại tràng có nên cắt không?
4. Polyp đại tràng có nên cắt không? Bệnh nhân phẫu thuật cắt polyp đại tràng nên tái khám sau bao lâu?
Khi phát hiện polyp đại trực tràng, bác sĩ sẽ xác định loại polyp và đưa ra chỉ định điều trị phù hợp. Đối với các polyp tăng sản, thường là lành tính và kích thước dưới 5mm, bác sĩ có thể không chỉ định cắt bỏ. Tuy nhiên, với các loại polyp ống, polyp tuyến hoặc polyp hỗn hợp – những loại có nguy cơ tiến triển thành ung thư – bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân nên cắt polyp. Sau khi cắt, theo lý thuyết, bệnh nhân chỉ cần kiểm tra lại sau khoảng 3-5 năm. Tuy nhiên, trong thực tế, bệnh nhân nên nội soi lại sau 1-2 năm để đảm bảo an toàn.
Đối với các trường hợp polyp có loạn sản độ cao hoặc đã bắt đầu ung thư hóa nhưng chưa xâm nhập sâu vào lớp dưới cơ niêm mạc, việc tái khám thường được khuyến nghị sau 3-6 tháng. Ngoài nội soi, bệnh nhân có thể cần thực hiện thêm các xét nghiệm máu, chụp MRI hoặc CT để kiểm tra xem có di căn hạch hoặc bất thường ở các cơ quan lân cận không.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.