Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Trọng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Polyp đại tràng là bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em. Polyp đại tràng ở trẻ em thường tiến triển âm thầm, không có nhiều triệu chứng trong giai đoạn đầu nên việc chẩn đoán, phát hiện sớm thường gặp nhiều khó khăn.
1. Polyp đại tràng ở trẻ em là gì?
Polyp đại tràng là một khối phát triển bất thường trên lớp niêm mạc đại tràng (ruột già). Polyp đại tràng chủ yếu là lành tính nhưng polyp tuyến ống và nhung mao có thể tiến triển thành ung thư. Polyp có thể xuất hiện đơn độc hoặc mọc nhiều polyp dọc theo đại tràng. Bệnh thường không có triệu chứng lâm sàng, thường chỉ được phát hiện tình cờ khi chụp X-quang đại tràng, nội soi đại tràng hoặc xét nghiệm máu ẩn trong phân.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ bị polyp trực tràng như chế độ ăn, viêm nhiễm, yếu tố cơ địa và di truyền,... Ở trẻ em, độ tuổi trung bình mắc polyp đại tràng là 4 – 7 tuổi. Trẻ nhỏ 1 – 2 tuổi cũng có thể mắc bệnh nhưng tỷ lệ rất thấp. Bệnh cũng phổ biến ở trẻ trai hơn trẻ gái.
2. Triệu chứng polyp đại tràng ở trẻ em
- Đi ngoài ra máu tươi hoặc có máu lẫn trong phân dù bé không bị táo bón;
- Polyp đại tràng lớn có thể gây đau quặn bụng hoặc gây tắc ruột;
- Polyp đại tràng lớn nếu có những chồi nhỏ dạng nhung mao có thể tiết muối và nước, gây tiêu chảy, phân nước ồ ạt, dẫn tới hạ kali máu;
- Trẻ có biểu hiện thiếu máu do mất máu nhiều: Da xanh tái, lòng bàn tay nhợt nhạt, niêm mạc nhợt nhạt,...;
- Polyp trực tràng dài có thể sa xuống, thòng qua lỗ hậu môn.
3. Một số loại polyp đại tràng ở trẻ em thường gặp
- Polyp đại tràng ở trẻ em thường là loại đơn độc, có cuống, có kích thước khoảng 0,5 – 1cm. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp có nhiều polyp hoặc có 1 polyp to có kích thước 2 – 3cm ở đại tràng;
- Polyp đại trực tràng mang tính chất gia đình thường gặp ở trẻ lớn, hiếm gặp hơn ở trẻ nhỏ và trẻ đang tuổi bú mẹ. Biểu hiện chính của bệnh nhi là hay đau bụng, đại tiện ra máu đã sẫm màu, thiếu máu,... Trong trường hợp này, bệnh nhi thường có nhiều polyp rải rác khắp đại tràng và trực tràng;
- Hội chứng Peutz-Jeghers – bệnh di truyền do gene STK11 đột biến, khiến bệnh nhân có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng và các loại ung thư khác. Bệnh nhi có các đốm, chấm hắc tố ở môi, quanh miệng, niêm mạc miệng, mắt, sống mũi, vòm miệng, gan bàn tay, bàn chân,... Các polyp này thường gây lồng ruột ở ruột non, ít khi ác tính hóa;
- Hội chứng Gardner là rối loạn di truyền trên nhiễm sắc thể, đại diện cho một bệnh đa cơ quan, đặc trưng bởi đa polyp đại tràng, đa u xương và đa khối u trung mô của da và mô mềm. Hàng trăm, hàng ngàn u tuyến ống đại trực tràng ở các bệnh nhân mắc hội chứng Gardner có xác suất tiến triển ác tính xấp xỉ 100% nếu không được điều trị. Do đó, trong trường hợp này, bệnh nhi thường được chỉ định cắt đại tràng dự phòng.
4. Polyp đại tràng trẻ em có nguy hiểm không?
Phần lớn các polyp đại tràng ở trẻ em ở dạng lành tính. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các polyp thường sẽ tiếp tục phát triển to dần, khiến trẻ ngày càng sụt cân, còi cọc, không bắt kịp đà tăng trưởng.
Hơn nữa, nếu để lâu, polyp đại trực tràng có thể dẫn tới những nguy cơ khác như rối loạn tiêu hóa, chảy máu tiêu hóa hay thậm chí là ung thư hóa. Theo nghiên cứu, trẻ càng lớn tiềm năng ung thư hóa polyp đại tràng càng cao. Nguy cơ ung thư hóa thường sau 10 năm, phụ thuộc vào loại polyp và kích thước polyp. Thông thường, polyp tuyến ống, nhung mao, kích thước 1 – 1,5 cm dễ hóa ung thư.
5. Chẩn đoán và điều trị polyp đại tràng ở trẻ em
Polyp đại tràng cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh nguy cơ phát triển lớn gây tắc ruột hoặc tiến triển thành ung thư. Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là thay đổi thói quen đi ngoài, đại tiện ra máu,... cha mẹ nên đưa trẻ đi khám. Các phương pháp chẩn đoán là dựa vào bệnh sử, thăm khám lâm sàng, chụp cản quang khung đại tràng hoặc thực hiện nội soi toàn bộ đại trực tràng.
Việc điều trị polyp đại tràng ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn, tức là phẫu thuật cắt polyp qua nội soi. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ kiểm tra khu vực polyp đại tràng xuất hiện và tiến hành đốt điện cắt. Mỗi lần cắt có thể loại bỏ 50 – 60 polyp. Thủ thuật này khá an toàn nên người bệnh có thể được xuất viện ngay sau khi thực hiện phẫu thuật. Chỉ những trường hợp có triệu chứng khó cầm máu mới cần được theo dõi lâu hơn.
Ở trẻ em, do cơ địa phát triển tốt, các trường hợp cắt polyp đại tràng xong ít khi tái phát. Trừ trường hợp đa polyp gia đình, bác sĩ sẽ cần theo dõi sau cắt polyp nội soi để tránh biến chứng. Ngoài ra, sau 6 tháng thực hiện thủ thuật, bệnh nhân nên đi khám lại và soi đại tràng để đánh giá hiệu quả điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.