Chấn thương có thể làm vỡ các mạch máu và gây ra mảng bầm tím dưới da. Thông thường, vết máu bầm dưới da sẽ biến mất sau một vài tuần, tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm. Vậy có nên dùng thuốc làm tan máu bầm hay không?
1. Có nên dùng thuốc tan máu bầm do chấn thương không?
Nhiều bệnh nhân thắc mắc có nên uống thuốc làm tan máu bầm không? Khi bị chấn thương, các mạch máu nhỏ sẽ bị vỡ và máu thoát ra ngoài, tụ lại dưới da và tạo nên các mảng bầm đen, vàng, xanh dương. Các bạch cầu trong cơ thể sẽ thực bào một phần các thành phần máu và các mô xơ sẽ hình thành tại chỗ bầm máu.
Quá trình này là không thể đảo ngược và cũng không thể thúc đẩy làm nhanh hơn. Chúng ta chỉ có thể hạn chế sự chảy máu để làm chỗ bầm máu không chảy máu thêm mà thôi. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc làm tan vết bầm tím. Bệnh nhân có thể hạn chế hiện tượng viêm, xuất huyết bằng một số biện pháp đơn giản như nghỉ ngơi, băng thun ép vùng chấn thương, kê cao bộ phận bị tổn thương, chườm lạnh ngày 3 lần hoặc sử dụng một số loại thảo dược có đặc tính hỗ trợ giảm sưng viêm.
2. Các cách làm tan máu bầm tại nhà
2.1. Chườm lạnh
Chườm đá lạnh trong vòng 1-2 ngày sau khi chấn thương có thể giúp giảm thiểu tình trạng hình thành các mảng máu bầm dưới da. Nhiệt độ thấp từ đá cũng có thể giúp giảm tình trạng sưng và xoa dịu cơn đau nhức khó chịu tại vùng bị chấn thương.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý rằng chườm lạnh sai cách có nguy cơ gây bỏng lạnh. Do đó, bệnh nhân cần lưu ý một số điều như sau:
- Không để đá lạnh tiếp xúc trực tiếp với da.
- Nên cho đá viên vào túi chườm sau đó mới chườm lên da.
- Nhẹ nhàng áp túi chườm lên khu vực bị bầm tím trong khoảng 10 – 20 phút. Không đè quá mạnh
- Bệnh nhân có thể lặp lại cách này nhiều lần trong ngày.
- Nếu không có sẵn đá viên, bệnh nhân có thể tạm thời sử dụng miếng chườm lạnh mua ở hiệu thuốc. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng thịt cá sống để trong ngăn đá hay bất kỳ thực phẩm đông lạnh nào khác thay thế, vì có thể tạo điều kiện cho các vi sinh vật tấn công vào vùng bị thương và gây nhiễm trùng.
2.2 Nhẹ nhàng massage vùng chấn thương
Bệnh nhân không nhất thiết phải dùng thuốc làm tan máu bầm mà có thể áp dụng cách massage nhẹ nhàng khu vực chấn thương. Massage hỗ trợ thúc đẩy lưu lượng máu lưu thông, góp phần giảm sưng, xua tan vết bầm hiệu quả. Tuy nhiên, nếu các động tác massage khiến bệnh nhân cảm thấy đau hoặc tình trạng sưng vẫn chưa thuyên giảm, bệnh nhân nên ngừng phương pháp này và hỏi ý kiến bác sĩ.
2.3 Sử dụng một số loại thảo dược giúp làm tan vết bầm
- Đắp cúc vạn thọ nghiền nát lên vết bầm: Cúc vạn thọ là một loại thảo mộc có thể giúp cơ thể tự chữa lành và giảm viêm tốt. Bệnh nhân có thể nghiền nát lá cúc vạn thọ và đắp trực tiếp lên các vết bầm tím trong khoảng 3 giờ để giảm sưng.
- Đắp mùi tây lên vết bầm tím: Mùi tây tươi có thể hỗ trợ giảm triệu chứng viêm và các vết bầm tím trên da. Để làm thuốc đắp với mùi tây, bệnh nhân có thể lấy thảo mộc tươi hoặc khô và trộn lá với dầu, nước hoặc giấm cho đến khi tạo thành hỗn hợp đặc, sau đó đắp hỗn hợp này trực tiếp vào vùng da bị bầm tím.
- Sử dụng lô hội để làm dịu vết bầm tím: Gel lô hội là một sản phẩm khá phổ biến hiện nay. Bệnh nhân có thể sử dụng gel lô hội hoặc cũng có thể thoa dầu lô hội hay lá lô hội tươi lên vết bầm. Lô hội sẽ giúp làm dịu cơn đau, giảm vết bầm tím và thúc đẩy làm lành vết thương. Để thoa lô hội tươi lên vết bầm tím, bệnh nhân chỉ cần cắt lá lô hội để lộ ra phần gel. Bóp gel ra một miếng gạc, sau đó đắp gạc lên vết bầm trong khoảng 30-60 phút.
- Dùng hỗn hợp bột nghệ: Nghệ có công dụng giảm đau và chống viêm rất tốt. Để làm hỗn hợp bột nghệ, bệnh nhân nên trộn 2 thìa bột nghệ và 1 thìa nước cốt chanh, thêm một lượng nhỏ nước sôi vào hỗn hợp và khuấy đều cho đến khi tạo thành hỗn hợp đặc. Bệnh nhân có thể bôi hỗn hợp trực tiếp lên các mảng máu bầm. Nên thực hiện vài lần mỗi ngày để nhận thấy hiệu quả tốt nhất.
2.4. Uống trà việt quất đen
Bệnh nhân có thể uống trà việt quất đen để cải thiện các vết bầm tím. Loại trà này được làm từ quả việt quất có tác dụng cải thiện và tăng cường sức khỏe tĩnh mạch, giúp hạn chế hình thành vết bầm tím khi bị va đập hay chấn thương. Để làm trà việt quất đen, bệnh nhân sẽ cần 1-3 thìa cà phê quả việt quất khô và nghiền nát. Đun sôi 1 cốc nước, sau đó đổ nước sôi lên quả việt quất đã nghiền, sau đó để hỗn hợp trong cốc khoảng 10-15 phút. Tiếp đến lọc bỏ bã và sử dụng.
Tóm lại, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng các loại thuốc làm tan máu bầm. Bệnh nhân có thể áp dụng một số cách làm tan máu bầm tại nhà. Tuy nhiên nếu tình trạng bầm tím, sưng viêm không thuyên giảm thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và chỉ định thuốc phù hợp.